Bất chấp đại dịch, nhiều startup vẫn ‘hút’ dòng vốn đầu tư mạo hiểm 'khủng'
(DNTO) - Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các dòng vốn đầu tư mạo hiểm khi nhiều startup tận dụng thời điểm Covid-19 để tăng trưởng gấp nhiều lần.
Thị trường khởi nghiệp vẫn sôi động
Theo dữ liệu từ Refinitiv, tính riêng trong năm 2021, việc huy động vốn cổ phần công khai của các công ty Đông Nam Á tăng lên mức cao nhất trong 4 năm, đạt 8,4 tỷ USD.
Tại Việt Nam, nơi được đánh giá là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư mạo hiểm, đầu tư vốn cổ phần tư nhân, trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều startup vẫn huy động hàng trăm triệu USD.
Dẫn đầu là VNLIFE (công ty mẹ của startup kỳ lân VNPAY) huy động thành công 250 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B, đến từ các nhà đầu tư General Atlantic và Dragoneer, cùng với sự tham gia của PayPal Ventures và EDBI.
Ví MoMo cũng hoàn thành vòng gọi vốn thứ tư với 100 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm Warburg Pincus, Affirma Capital và Tybourne Capital Management...
Startup trong lĩnh vực y tế là Doctor Anywhere cũng gọi vốn thành công vòng Series C với gần 66 triệu USD, được dẫn dắt bởi Asia Partners và sự tham gia của Novo Holdings, Philips, OSK-SBI Venture Partners. Thương vụ này trở thành vòng tài trợ tư nhân lớn nhất cho công nghệ y tế ở Đông Nam Á, nâng tổng số vốn mà startup này huy động được lên gần 105 triệu USD.
Phần mềm quản lý bán hàng KiotViet hoàn thành vòng gọi vốn Series B, trị giá 45 triệu USD, với nhà đầu tư chính là KKR và các quỹ khác như Jungle Ventures, Công ty CVM, Ngân hàng Kasikorn Thái Lan.
Nhiều startup cũng huy động hàng triệu USD như ứng dụng học tiếng Anh ELSA đã huy động thành công 15 triệu USD; startup giao đồ ăn Loship gọi vốn thành công 12 triệu USD ở vòng Pre-Series C; startup phân phối dược phẩm trực tuyến BuyMed (thuocsi.vn) nhận vốn 8,8 triệu USD; Got It huy động được 6 triệu USD….
Bà Đoàn Kiều My, founder YellowBlocks, người được xem là “bà mối” của startup Việt Nam với nhà đầu tư quốc tế cho biết, nếu ví hệ sinh thái khởi nghiệp như một khu rừng thì cần rất nhiều thành tố, với Việt Nam, khu rừng này vẫn ở trạng thái nguyên sơ, nên còn rất nhiều tiềm năng.
“Trong 3-4 năm trở lại đây, các nhà đầu tư quốc tế đã và đang theo dõi sát sao thị trường khởi nghiệp Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư chia sẻ với tôi rằng họ cũng đang xem xét việc Việt Nam kiểm soát đại dịch, mở cửa thị trường để họ thuận lợi vào Việt Nam tiến hành các thương vụ đầu tư, tìm kiếm startup”, bà Kiều My cho biết.
Là quỹ đầu tư ngoại đang hoạt động khá sôi nổi tại thị trường Việt Nam, đến hiện tại, Genesia Ventures (Nhật Bản) đã góp vốn và hỗ trợ cho 8 startup Việt gồm Homedy, Luxstay, Kamereo, Manabie, eDoctor và BuyMed, Vietcetera…, với mức đầu tư từ 300.000 USD đến 1 triệu USD.
Bà Hoàng Thị Kim Dung, chuyên viên đầu tư tại Quỹ Đầu tư Genesia Ventures (Nhật Bản) cho biết, với các quỹ đầu tư, họ thường có kế hoạch hoạt động dài hạn trong 10 năm, khi đã tập trung đủ nguồn vốn, họ sẽ tiến hành tìm startup và giải ngân. Do đó, dịch Covid-19 không phải là tác nhân khiến quỹ dừng việc đầu tư nên startup nếu tự tin về sản phẩm hãy mạnh dạn liên lạc với các quỹ.
Startup Việt Nam cần làm gì để hấp dẫn nhà đầu tư?
Là một startup đã bước sang năm thứ 9 hoạt động, hoàn thành 3 lần gọi vốn thành công từ các quỹ CyberAgent Capital, Patamar Capital và STI Holdings, ông Phan Hồng Minh – CEO và Founder của Jupviec.vn cho biết, trong dịch Covid-19, rất khó để các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Trong khi đó, thông qua làm việc online sẽ rất khó để nhà đầu tư quyết định xuống tiền và startup cũng khó giải thích về quy mô thị trường, tiềm năng. Vì vậy Jupviec.vn ưu tiên tìm đến các quỹ đầu tư có đại diện tại Việt Nam vì họ sẽ hiểu thị trường, hiểu bối cảnh của startup Việt Nam.
Đồng thời, với một startup cung cấp giải pháp giúp việc gia đình – một lĩnh vực chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch Covid-19, ông Minh cho biết đội ngũ của Jupviec.vn đang nỗ lực tìm mọi biện pháp để duy trì hoạt động, vì nếu vượt qua giai đoạn khủng hoảng sẽ chứng minh cho các nhà đầu tư thấy rằng startup có thể trở lại mạnh mẽ trong tương lai.
Với các startup non trẻ, theo bà Đoàn Kiều My, khó khăn lớn nhất hiện tại là câu chuyện cân bằng và tối ưu nguồn lực để làm sao có thể sống sót trong 2 năm đầu. Vì vậy, startup hãy tìm một mô hình nào đó có thể ứng dụng được ngay, phải đi lên từ nhu cầu của chính mình, những người bạn của mình hay mọi người để đưa ra những ứng dụng có hơi thở cuộc sống nhiều hơn.
Thực tế cho thấy, những startup đang sống khỏe trong đại dịch đều là những mô hình nắm bắt đúng xu hướng của thời đại mới: công nghệ tài chính, giáo dục trực tuyến, công nghệ y tế, thương mại điện tử… Vì vậy, trong thời điểm dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp, startup rời khỏi thị trường, những startup trên vẫn tận dụng “thời và thế” để tăng trưởng gấp nhiều lần.
Yếu tố thị trường cũng là một trong những điểm mà Quỹ Genesia Ventures nhìn vào để quyết định đầu tư startup ở giai đoạn sớm. Theo bà Hoàng Thị Kim Dung, về thị trường, không chỉ là quy mô có đủ tiềm năng hay không, mà còn là vấn đề trong thị trường có đáng để tập trung giải quyết hay không. Bởi nếu vấn đề của thị trường không đủ lớn, dù startup có đưa ra một loạt sản phẩm để giải quyết, người dùng sẵn sàng sử dụng miễn phí, nhưng rất khó để họ bỏ tiền ra sử dụng dịch vụ.
Ngoài ra, đối với đội ngũ lãnh đạo, họ có đủ năng lực để giải quyết bài toán của thị trường đó đặt ra hay không. Với điều này, bà Dung cho biết sẽ nhìn vào kinh nghiệm, sự hiểu biết và mối quan hệ của founder để đánh giá rằng họ là người hiểu thị trường nhất, có thể làm ra sản phẩm phù hợp với thị trường hơn bất kỳ đội ngũ nào khác.
“Vừa rồi chúng tôi chốt deal đầu tư vào startup tài chính, ký hợp đồng và giải ngân hết chỉ trong vòng 1 tháng. Lý do rất đơn giản vì startup này cung cấp dịch vụ tài chính mà trước đó chưa ai làm được và người dùng đang phải sử dụng dịch vụ thay thế với mức chi trả lớn. Ngoài ra, đội ngũ startup đã từng khởi nghiệp trong lĩnh vực này, tuy không thành công nhưng họ đã có nhiều bài học và hiện tại có quyết tâm rất lớn với sản phẩm này”, bà Dung cho biết.