Startup cẩn trọng khi nhận vốn từ các nhà đầu tư ‘thừa tiền nhưng thiếu kinh nghiệm’
(DNTO) - Sự tham gia của các nhà đầu tư tài chính thuần, không có kinh nghiệm đôi khi có thể khiến tình trạng của startup tệ hơn thay vì tốt lên.
‘Hình hài’ nhà đầu tư thiếu chuyên nghiệp
Bên cạnh các quỹ đầu tư, sự tham gia ngày một gia tăng của các nhà đầu tư cá nhân, các nhà đầu tư thiên thần khiến thị trường khởi nghiệp sôi động hơn bao giờ hết.
Ông Nguyễn Tiến Trung - Founder Công ty Cổ phần đầu tư Khởi nghiệp Quốc gia (NSCI) cho biết, khác với quỹ đầu tư thường có một loạt các tiêu chí khắt khe khi rót vốn vào startup, các nhà đầu tư tư nhân, nhà đầu tư thiên thần thường bỏ tiền túi ra đầu tư. Vì vậy khả năng quyết định nhanh hơn và khả năng chịu rủi ro cao hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư thiên thần thường sẽ chỉ đầu tư 10% tài sản sở hữu, nên dù khả năng chịu rủi ro cao, trong trường hợp mất đi toàn bộ thì họ vẫn có thể tiếp tục chiến đấu. Còn với những nhà đầu tư không chuyên nghiệp, chưa có kinh nghiệm thường đầu tư rất nhiều tài sản, đầu tư bằng tiền đi vay thì đến một thời điểm, họ sẽ gặp vấn đề liên quan đến tài chính. Lúc này, họ sẽ tìm cách bán tháo các khoản đầu tư hoặc gây áp lực cho startup để chia lợi nhuận. Vì vậy rất khó cho startup.
“Đương nhiên, khi nói đến đầu tư thì các nhà đầu tư phải quan tâm đến việc thu lại lợi nhuận thế nào, đó là tiêu chí bắt buộc. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư chỉ muốn có lợi nhuận ngay lập tức, hàng tháng hỏi về lợi nhuận, doanh thu hay cổ tức… thì lúc đó họ chưa đủ kiến thức liên quan đến đầu tư thiên thần. Trường hợp này chúng tôi gặp vô cùng nhiều, thường là các doanh nhân khi họ chưa tham gia khóa đào tạo về đầu tư thiên thần”, ông Trung chia sẻ.
Ở một khía cạnh khác, ông Hoàng Trọng Vân Kiều - Chủ tịch VMSA JSC, vị “cá mập” đã có 6 năm kinh nghiệm đầu tư khởi nghiệp cho biết, nhà đầu tư chuyên nghiệp khi rót vốn vào startup là họ luôn sẵn sàng đồng hành, truyền kinh nghiệm và đưa cho startup các mối quan hệ để phát triển, chứ không phải chỉ đơn thuần rót tiền để startup tự do vùng vẫy.
“Khi chọn sai nhà đầu tư, rủi ro phá sản rất cao. Vì họ không có kinh nghiệm, nên khi rót tiền vào, thay vì hỗ trợ startup, họ sẽ chỉ tập trung vào việc đòi quyền lợi của mình, điều này sẽ khiến nội bộ startup lủng củng. Mà tỷ lệ startup tan vỡ vì nội bộ lủng củng rất cao”, ông Kiều cho hay.
Gọi vốn chỉ cần “đúng và đủ”
Đối với một startup đã hoàn thành gọi vốn từ một quỹ và hai nhà đầu tư thiên thần, với tổng giá trị khoảng 100.000 USD, ông Phạm Khánh Hòa - CEO và Founder Wisami cho biết, việc gọi vốn cũng giống như việc startup bán cơ hội kinh doanh, tầm nhìn, cam kết cho nhà đầu tư; và cũng tương tự như bán hàng nên không phải lần nào cũng thắng, startup phải gặp rất nhiều người, cho đến khi có người tin tưởng và rót vốn cho mình.
“Tỉ lệ 4:1, tức gặp 4 người sẽ có 1 người đầu tư, với điều kiện đã có sự kết nối từ các mối quan hệ trước đó, đã tìm hiểu trước về nhau. Nếu nhà đầu tư có tâm huyết với startup, trong khi số tiền rót vốn startup mong muốn vượt quá định mức đầu tư của họ, nhà đầu tư sẽ giới thiệu cho startup các nhà đầu tư khác”, ông Hòa chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm các nhà đầu tư tâm huyết sẽ hỗ trợ startup đi đường dài, ông Nguyễn Tiến Trung cho biết, startup tiêu 100-200.000 USD rất nhanh nên nếu không gọi được vốn thì cầm chắc thất bại. Vì vậy, chiến lược nhà đầu tư thiên thần chuyên nghiệp không chỉ rót vốn cho startup mà còn phải hỗ trợ startup có thể gọi vốn trong những vòng tiếp theo.
“Khi làm việc với nhà đầu tư thiên thần, đừng quá tập trung vào câu chuyện startup phải bỏ bao nhiêu % và nhận được bao nhiêu tiền. Hãy khai thác yếu tố họ có thể hỗ trợ được gì cho startup, vì tiền của nhà đầu tư thiên thần chỉ là tiền mồi, không thể khiến startup có thể vùng lên được”, ông Trung cho hay.
Chia sẻ về việc startup không cần kêu gọi nhiều vốn, mà quan trọng hơn phải kêu gọi đúng nhà đầu tư, đúng số vốn mình cần, ông Hoàng Trọng Vân Kiều cho biết, khi gọi vốn, startup không nên định giá doanh nghiệp quá cao để mất đi cơ hội tiếp cận với các “cá mập”.
“Ví dụ một resort trước đây, họ khai thác du lịch quốc tế, nhưng khi dịch Covid-19, họ không làm ăn được, sẵn sàng định giá doanh nghiệp thấp để thu hút nguồn lực cùng khai thác du lịch nội địa, thậm chí có những doanh nghiệp định giá 0 đồng, bằng tiền cổ đông sáng lập góp cách đây 5 năm. Chỉ có như vậy thì doanh nghiệp mới có thể sống qua mùa dịch”, ông Kiều nêu ví dụ.