Startup cho thuê quần áo online tại Singapore được các 'ông lớn' rót vốn đầu tư 30 triệu USD
(DNTO) - Khởi sự với 40.000 USD, cặp vợ chồng người Singapore đang làm việc trong lĩnh vực tài chính đã bỏ ngang để startup với nền tảng cho thuê quần áo online. Trong 5 năm hoạt động, hiện startup này đã được các ông lớn ngân hàng và quỹ đầu tư rót vốn 30 triệu USD.
Khởi nghiệp từ lý do “không có gì để mặc”
Cặp vợ chồng Chris Halim và Raena Lim, đều 32 tuổi, người Singapore, nhận thấy có rất nhiều cơ hội để phát triển bền vững trong nền công nghiệp thời trang. Ngay sau đó đôi vợ chồng này đã khởi động và phát triển ứng dụng cho thuê quần áo có tên Style Theory.
Ngay sau khi quyết định bỏ việc đang làm, cả hai đã tiến hành đầu tư toàn bộ thời gian và tiền bạc của mình vào startup này. “Chúng tôi đã đầu tư vào đây 40.000 USD. Thật sự với quyết định này, không biết chúng tôi dũng cảm hay ngu ngốc nữa”, cả hai nói với CNBC.
Lim và Halim là đồng sáng lập của Style Theory, một nền tảng cho thuê quần áo tại Singapore. Nền tảng này cho phép người đăng ký mượn số lượng quần áo không giới hạn với mức phí hàng tháng không đổi.
Startup được hỗ trợ bởi Ngân hàng SoftBank này hiện có 200.000 người đăng ký sử dụng tại Singapore và Indonesia, với nguồn cung lên đến 50.000 quần áo và hơn 2.000 túi xách.
Lim là cựu nhân viên của Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs, và chồng cô là Halim, nhân viên tư vấn, có ý tưởng về mô hình này từ năm 2016 từ một vấn đề luôn làm mọi người đau đầu: “Không có gì để mặc”.
“Thời điểm nảy sinh ý tưởng này, chồng tôi thường xuyên “càm ràm” tôi rằng, tại sao em có nhiều quần áo thế mà suốt ngày kêu ca không có gì để mặc”, chị Raena Lim nhớ lại.
“Tôi làm việc trong lĩnh vực tài chính, với nền tảng kiến thức là toán học và logic. Nhưng rồi chẳng ngờ có ngày tôi lại chuyển hướng sang thời trang – một lĩnh vực gần như không liên quan gì tới toán học. Đây là phản ứng phi logic, và đến giờ, điều này vẫn làm tôi ngạc nhiên, thậm chí sửng sốt”, Lim tâm sự.
Trước đó nhiều năm, Lim từng làm việc tại một tổ chức phi lợi nhuận ở Kenya. Ở môi trường làm việc này, cô được tiếp cận với những dự án bảo vệ cộng đồng. Những hành vi làm hại đến môi trường của xu hướng thời trang “nhanh” thời điểm ấy đang bùng nổ, điều này đã thôi thúc Lim cần phải làm gì đó để bảo vệ môi trường.
Trong xu hướng thời trang nhanh, sản xuất vải là một trong những nguồn gây ô nhiễm nhất thế giới, tạo ra tương đương 1,2 tỷ tấn khí CO mỗi năm, cao hơn nhiều so với xả thải của máy bay và tàu biển cộng lại.
Quan điểm kinh doanh gây sức hút các nhà đầu tư
Mô hình tiên phong của xu hướng cho thuê quần áo được khởi sự năm 2009 bởi nền tảng Rent The Runway tại Mỹ, sau đó truyền cảm hứng đến My Wardrobe tại Anh và GlamCorner tại Australia.
Vợ chồng Lim cũng bắt đầu startup theo hướng này, và họ cũng lường trước những khó khăn ban đầu ở thị trường Đông Nam Á khi nhiều người chưa quen với mô hình thuê quần áo online, hơn nữa, số lượng quần áo cho thuê chưa đủ nhiều để phục vụ khách hàng. Theo đó, cặp đôi Lim và Halim đã áp dụng chiến lược “thử trước”.
“Chúng tôi bắt đầu với danh sách chờ, ai đăng ký trước chúng tôi sẽ cho thử trước, họ ưng mới cho thuê. Thêm nữa, chúng tôi có cách tiếp cận khi dùng dữ liệu để kiểm soát và phân phối hàng, thay vì để hàng tồn kho nhiều. Kể từ năm 2019, chúng tôi chuyển sang hình thức ký gửi nên các sản phẩm luôn luôn luân chuyển, phục vụ được nhiều khách hàng”, Lim cho hay.
Theo cấu trúc mới, mỗi sản phẩm ký gửi khi được cho thuê sẽ được Style Theory trích phần trăm thanh toán. Thậm chí, kể cả nhà thiết kế và những cá nhân tạo ra sản phẩm thời trang đó cũng được nhận tiền nếu sản phẩm được cho thuê… Quan điểm kinh doanh này đã gây sức hút đối với các nhà đầu tư, bao gồm SoftBank; JWC Ventures và Paradise Group. Các nhà đầu tư này đã bơm khoảng 30 triệu USD vào startup này.
“Vấn đề họ đang giải quyết rất hữu ích cho người dùng, đặc biệt là phụ nữ. Tuy nhiên, họ cũng đã cung cấp giải pháp cho các nhà thiết kế và nhà cung cấp có thể tiếp cận được thị trường mục tiêu với một phương thức trực tiếp hơn”, Jefrey Joe, Giám đốc JWC Ventures nói với CNBC.
Được biết, thị trường cho thuê quần áo online được định giá 1,2 tỷ USD toàn cầu trong năm 2019. Vào năm 2027, mức định giá này được cho là sẽ tăng gấp đôi lên 2,8 tỷ USD.
“Hiện dung lượng thị trường vẫn nhỏ, tuy nhiên tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn. Dung lượng thị trường như vậy có thể tạo ra ít nhất một startup tỷ USD tại Đông Nam Á”, Giám đốc JWC Ventures Jefrey Joe nói.
Phần lớn tăng trưởng trong nền công nghiệp cho thuê quần áo được dẫn dắt bởi khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi thị trường đã chín muồi để cho các công ty giống như Style Theory có thể bùng nổ. Theo công ty nghiên cứu thị trường Research Nester, khu vực này sẽ chiếm 1/4 dung lượng thị trường toàn cầu trong 6 năm tới.
Tuy nhiên, triển vọng đối với nền công nghiệp thời trang không phải không có thách thức. Đại dịch Covid-19 trong năm 2020 gây ảnh hưởng nặng nề đến các nhà bán lẻ, làm giảm lợi nhuận và các cửa hàng phải đóng cửa, việc cho thuê quần áo cũng không là ngoại lệ.
“Đại dịch là thách thức lớn nhất đối với chúng tôi, việc kinh doanh hiện chỉ bằng 75% so với thời điểm trước đại dịch”, Lim nói.
“Tuy nhiên, điều này lại mang đến nhiều cơ hội. Cơ hội đáng nhớ nhất đối với chúng tôi chính là bán lại quần áo. Chúng tôi đã tạo nền tảng bán quần áo đã sử dụng từ năm ngoái, và có thể tăng trưởng 10 lần trong 12 tháng tới”, Lim bày tỏ.
Trong 5 năm hoạt động của mình, Style Theory đã thực hiện được hơn 2,3 triệu lần cho thuê và đã giúp 600.000 bộ đồ không bị bỏ phí. Cuối năm nay, công ty này sẽ nhảy vào thị trường Hong Kong với tập khách hàng thêm là đàn ông và trẻ em.