Nhiều startup gọi vốn nhưng chưa tính toán đến rủi ro dịch bệnh
(DNTO) - Theo chuyên gia, startup đi gọi vốn thường chỉ chuẩn bị kịch bản rất lạc quan về doanh thu, lợi nhuận nhưng lại bỏ quên các yếu tố rủi ro về thị trường, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp.
Hai kịch bản tốt – xấu luôn phải song hành
Dòng vốn được xem là mạch máu của startup. Có chuyên gia từng chia sẻ, nếu startup không có khả năng gọi vốn, đồng nghĩa với việc sẽ đi vào "cửa tử". Tuy nhiên, việc gọi vốn không chỉ cần một ý tưởng tốt, mà yêu cầu startup phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Chia sẻ trong talkshow “Tại sao startup Việt khó tiếp cận nguồn vốn?”, sáng 13/9, ông Hiếu Nguyễn – Founder và CEO Nexus Group – đơn vị tư vấn M&A và đầu tư độc lập tại Việt Nam cho biết, trước khi gọi vốn, startup cần chuẩn bị cho mình tâm thế sẵn sàng.
Bởi khi gọi vốn, startup phải chấp nhận chia sẻ quyền điều hành, quản trị và cả miếng bánh lợi nhuận nếu có về sau cho nhà đầu tư. Việc này nghe thì dễ nhưng khi đi vào cuộc thương lượng chi tiết với nhà đầu tư, nhiều startup “té ngửa” vì các “cá mập” mong muốn kiểm soát nhiều thứ hơn họ nghĩ.
“Trước đây, startup “một mình một cõi”, có thể muốn làm gì thì làm, nhưng khi có nhà đầu tư vào, mọi hoạt động đều phải minh bạch và thực hiện theo quy trình, nếu chưa có tâm thế chuẩn bị thì rất khó để làm việc”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cũng cho biết một điểm yếu của startup Việt Nam là thường không chuẩn bị kỹ kịch bản phát triển của doanh nghiệp trong các tình huống. Cụ thể, startup khi đi gọi vốn thường vẽ ra kịch bản màu hồng, với kỳ vọng tăng trưởng quy mô, doanh thu, lợi nhuận hàng chục hoặc hàng trăm %,… Tuy nhiên, thị trường luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, trong khi đó startup thường bỏ quên kịch bản đối phó với rủi ro, các đối thủ cạnh tranh hay tình hình dịch bệnh kéo dài...
“Startup thường không tính đến việc nếu quá trình kinh doanh không thuận lợi, làm thế nào để cân đối tài chính, hay có thể tính toán đến việc trả lương cho nhân viên chậm hơn, hoặc nợ và chi trả thành cổ phần sau này… Bản thân mô hình tài chính, kinh doanh phải có sự linh động để ứng phó với trường hợp thành hoặc bại”, ông Hiếu cho hay.
Cũng theo CEO Nexus Group, khi khởi nghiệp, tất cả startup đều mong muốn phát triển dài hơi. Tuy nhiên, trong thời gian đầu chưa có doanh thu, khách hàng trong khi bộ máy vẫn cần phải chạy, cần phải lấy ngắn nuôi dài, tức có công việc, nguồn thu tức thời để nuôi startup.
Ngoài ra, các startup cần tránh 4 điểm: Gian lận số liệu tài chính và tình hình doanh nghiệp; khoảng trống về pháp lý; sự tự tin thái quá và tránh bỏ qua yếu tố thị trường.
“Bán” những thứ nhà đầu tư cần
Chia sẻ về lưu ý của startup khi gọi vốn, ông Phan Hồng Quân - Chủ tịch Viet Startups Exchange - Cố vấn cao cấp Ivy Capital cho biết, những kỳ vọng của các nhà đầu tư rất khác với những mong đợi của startup.
Nhà đầu tư mong muốn lợi nhuận đủ cao, có đội ngũ chuyên nghiệp để họ không mất quá nhiều thời gian mà tiền vẫn sinh sôi, đặc biệt có thể tăng trưởng gấp nhiều lần. Bởi tỷ lệ startup thành công chỉ chiếm 10-15%, do vậy các nhà đầu tư khi xuống tiền đồng nghĩa với việc họ phải sẵn sàng đặt cược, với hy vọng 10-15% startup thành công có thể giúp họ gánh được rủi ro khi đầu tư tài chính.
Đối với startup, họ không chỉ mong muốn nhà đầu tư tài chính đơn thuần, mà còn có thể là người tư vấn chiến lược, công nghệ, quản trị, cũng như cung cấp hệ sinh thái hỗ trợ startup. Đây cũng là nhu cầu hợp lý, nhưng startup khi gọi vốn phải hiểu nhà đầu tư cần gì, vì vậy phải "bán" những cái nhà đầu tư cần hơn là những mong muốn của mình.
Theo ông Quân, ở giai đoạn hạt giống, rất nhiều startup chết vì quá trình phát triển ý tưởng không phù hợp và không giải quyết vấn đề xã hội cần. Giai đoạn này rất khó thuyết phục các nhà đầu tư vì mọi thứ còn quá mới.
“Startup có thể có tuổi trẻ, có bản dự án trong tay, hừng hực khí thế nhưng lại không có tiền hoặc rất ít tiền; startup lúc này chỉ có thể bỏ tiền túi, huy động vốn từ bạn bè, gia đình, vốn vay… Lúc này, startup đang ở giai đoạn thung lũng chết, mà nếu không vượt qua được sẽ chết 'bất đắc kỳ tử', dù là một ý tưởng sáng chói”, ông Quân nhấn mạnh.
Giai đoạn thứ 2, bắt đầu “ngoi lên mặt đất”, tức là khi sản phẩm bắt đầu đưa ra thị trường, có doanh thu và dòng tiền dương, lúc này, startup có thể bắt đầu gọi vốn. Đây là giai đoạn sôi động vì startup bắt đầu phát triển và tăng trưởng, nên sẽ có nhiều nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư chiến lược mong muốn tham gia.
Với những cơ hội có thể có, theo đại diện Ivy Capital, startup nên gặp gỡ càng nhiều nhà đầu tư càng tốt để dễ dàng sàng lọc đối tác phù hợp. Đây là giai đoạn tươi sáng nhưng cũng đầy cạm bẫy, bởi nếu không có chiến lược cụ thể để tiếp cận với nhà đầu tư, startup rất dễ bắt tay nhầm với đối tác chỉ chú trọng đến lợi nhuận, không quan tâm đến các vấn đề khác của doanh nghiệp như văn hóa, khát vọng… “Tiền rất quan trọng nhưng không phải là tất cả”, ông Quân nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, mỗi nhà đầu tư có khẩu vị riêng. Với các nhà đầu tư cá nhân, họ có thể không quá khắt khe về các tiêu chí nhưng với các quỹ đầu tư, họ có hợp đồng chặt chẽ và đặt ra các KPI buộc startup phải cam kết hoàn thành. “Không có bữa trưa nào miễn phí, vì vậy nếu hy vọng điều tốt nhất thì cũng phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất xảy ra, nên phải sẵn sàng trong mọi trường hợp”, ông Quân lưu ý cho startup.