Khởi nghiệp trong thời dịch: Nằm im chờ đợi hay chủ động tiến công?
(DNTO) - Trong khi hàng loạt doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do tác động của đại dịch, vẫn có một lớp doanh nghiệp mới thành lập, dựa trên những nhu cầu mới của xã hội được hình thành trong bối cảnh dịch Covid-19.
Cơ hội luôn tồn tại
Mới đây, con số 85,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm, tăng tới 24,2% so với cùng kì năm ngoái mà Tổng Cục Thống kê công bố, đã khiến cộng đồng doanh nghiệp không khỏi lo lắng.
Đặc biệt là các startup, thường được ví như đứa trẻ mới chào đời, nếu sinh ra trong hoàn cảnh thiếu thốn dinh dưỡng, không có sự chăm sóc thì sự phát triển khó hơn rất nhiều. Vì vậy, câu hỏi có nên khởi nghiệp trong thời điểm dịch Covid-19 là băn khoăn của rất nhiều người đang ấp ủ những ý tưởng kinh doanh.
Thực tế, ngay cả điều kiện kinh tế bình thường, không phải 100% doanh nghiệp thành lập đều có thể tồn tại và đi tiếp. Ngược lại, trong thời điểm khó khăn như dịch Covid-19, cũng không phải tất cả đều phủ màu u ám.
Bên cạnh 85,5 nghìn doanh nghiệp rời khỏi thị trường, cũng có 81,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 8 tháng đầu năm 2021. Điều này chứng tỏ nhiều doanh nhân tìm thấy cơ hội kinh doanh trong đại dịch.
“Startup là tìm cách giải quyết các nỗi đau của thị trường. Dịch Covid-19 lại tạo ra rất nhiều nỗi đau, vì vậy đây cũng là cơ hội lớn cho startup. Trong bối cảnh hiện nay, giống như một thế trận, những gì yếu sẽ lùi lại nhường chỗ cho những mầm cây mạnh mẽ hơn, trong khi rất nhiều người rút lui hoặc đứng im, thì những người khác dù chỉ tiến lên một chút cũng sẽ giành lợi thế, đặc biệt là tiến nhanh khi hết dịch”, ông Lê Anh Tuấn Trưởng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Hỗ trợ thanh niên Khởi nghiệp Hà Nội nhận định.
Thời gian qua, nhiều startup đã biết cách tận dụng thời điểm dịch Covid-19 để trỗi dậy, bằng cách thấu hiểu nỗi đau của người dùng và tìm cách để giải quyết nỗi đau đó.
Điển hình như startup SoBanHang, ra đời khoảng tháng 5/2021, trong khi hệ thống thương mại điện tử còn quá phức tạp trong việc thanh toán và quản lý vận đơn, thì SoBanHang giúp các hộ kinh doanh số hóa quyển sổ cái truyền thống của mình, nhanh chóng chuyển sang bán hàng qua mạng bằng việc tạo cửa hàng trực tuyến và quản lý đơn hàng đơn giản, dễ dàng để thích nghi với việc các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Hiện ứng dụng đã có gần 20.000 người đăng ký sử dụng và đã huy động được 1,5 triệu USD trong vòng hạt giống từ các nhà đầu tư như như FEBE Ventures, Class 5, Kevin P. Ryan (nhà sáng lập Gilt Groupe, Business Insider và MongoDB).
Bất chấp đại dịch đang bùng phát trên nhiều tỉnh thành những tháng gần đây, nhiều startup vẫn tăng trưởng gấp nhiều lần, dễ dàng huy động vốn khủng từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước như Got It, Elsa, Loship, BuyMed…
Báo cáo "Southeast Asia Ecosystem 2.0" phát hành hồi tháng 7 của Golden Gate Ventures cũng nhận định Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất tại Đông Nam Á của các quỹ đầu tư mạo hiểm và sẽ trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ ba khu vực vào năm 2022.
Mô hình ‘gen trội’ khởi nghiệp thời dịch
Ông Joseph Nguyễn, CEO Nhan Edu, Giảng viên quản trị kinh doanh tại Đại học UBIS (Thụy Sĩ) cho biết, để giải quyết vấn đề xã hội, không cần phải sáng chế ra sản phẩm mới, mà có thể đưa công nghệ từ nước ngoài để giải quyết vấn đề của Việt Nam, hay sử dụng những sản phẩm cũ nhưng phân phối theo mô hình mới. Ví dụ trước kia nhà sách offline rất nhiều, nhưng Tiki đã bán sách online rất thành công…
Hiện nay, các nhóm đối tượng gen Y, gen Z đang là cơ hội cho startup khởi nghiệp vì họ là thế hệ trẻ, khả năng ứng dụng công nghệ cao, thích trải nghiệm công nghệ mới và mô hình mới, đặc biệt là các mô hình kinh tế chia sẻ như cách các startup Grab, JupViec.vn, Luxstay.com… đang làm.
Hay các mô hình trung gian kết nối giữa nhà cung ứng dịch vụ và người dùng cuối như các mô hình kết nối giáo viên với người học thêm, mô hình kết nối giữa người du lịch với hướng dẫn viên… sẽ có lợi thế.
Đặc biệt, ông Joseph Nguyễn nhấn mạnh đến một trong những cơ hội startup có thể nắm bắt trong thời điểm này, đó là chuyển đổi số trong tất cả lĩnh vực, các ngành nghề và các doanh nghiệp.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong việc tư vấn, hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp, ông Lê Anh Tuấn cho biết, những người trẻ rất giàu năng lượng, nhiệt huyết nhưng lại thiếu kinh nghiệm, kĩ năng, thiếu mối quan hệ và chưa có nền tảng tài chính, vì vậy khởi nghiệp nên thận trọng, không nên khởi nghiệp theo trào lưu hay sở thích nhất thời.
“Nếu bạn đi làm công ăn lương, bạn làm không tốt chỉ ảnh hưởng tới một mình bạn, nhưng nếu bạn khởi nghiệp mà thất bại, không chỉ bạn, gia đình, họ hàng mà cả những đồng nghiệp, nhân viên đối tác tin tưởng theo bạn cũng bị kéo xuống, và thậm chí gây hệ lụy cho xã hội.
Khởi nghiệp phải xác định khi nào nên khởi nghiệp, khi nào cảm thấy hội tụ đủ yếu tố kinh nghiệm, kĩ năng, tài chính, khả năng chịu rủi ro thì hãy bắt đầu khởi nghiệp, không nên chỉ thích là làm”, ông Tuấn nhấn mạnh và không quên cho biết thêm, các bạn trẻ vẫn có thể đi làm thuê nhưng với tinh thần như làm chủ để chuẩn bị cho sự khởi nghiệp.