Đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam cán mốc hơn 1,3 tỷ USD trong năm 2021
(DNTO) - Số vốn rót vào các startup Việt Nam trong năm 2021 đã đạt mức hơn 1,3 tỷ USD trong năm 2021, mức kỷ lục kể từ năm 2016.
Thông tin trong Phiên Bế mạc Đổi mới sáng tạo mở, thuộc Techfest Việt Nam 2021, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học công nghệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cho biết, đầu tư khởi nghiệp giai đoạn 2016-2021 của Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc. Mặc dù dòng vốn bị sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ 861 triệu USD năm 2019 xuống 317 triệu USD năm 2020, nhưng đến 2021 đã bật tăng trở lại.
Cụ thể, số vốn rót vào các startup Việt Nam trong năm 2021 đã đạt mức kỷ lục 1 tỷ 353 triệu USD trong năm 2021, gấp 1,5 lần so với mức 889 triệu USD năm 2018 và gấp 6,6 lần so với mức 205 triệu USD năm 2016.
Các lĩnh vực hút vốn khủng gồm fintech – công nghệ tài chính (276 triệu USD), gaming – trò chơi điện tử (166 triệu USD), edutech – công nghệ giáo dục (134 triệu USD), medtech – công nghệ y tế (131 triệu USD), ecommerce – thương mại điện tử (85 triệu USD) và saas – phần mềm dịch vụ (61 triệu USD).
Một số startup nổi bật hút nguồn vốn đầu tư khủng trong năm nay gồm VNLife (250 triệu USD), Loship (50 triệu USD), Sky Mavis (152 triệu USD), Tiki (258 triệu USD), Equest (100 triệu USD), Doctor Anywhere (65,7 triệu USD), Kiot Việt (45 triệu USD), Home Base (30 triệu USD), Telio (25,5 triệu USD), Gene Solutions (15 triệu USD).
Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hiện đã ghi nhận sự tham gia của 3.000 startup, với 2 kỳ lân (VNG, VNPay) cùng 11 startup được định giá trên 100 triệu USD (Momo, Tiki, Topica Edtech…). Có 208 quỹ đầu tư trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam, 108 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cơ sở ươm tạo, 138 trường đại học, cao đẳng đang tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Hiện nay, đã có 30 doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước tham gia hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, nổi bật như Vintech City, Cengroup, Nexttech, FPT Ventures, Intracom, Viettel. Sự hỗ trợ của các tập đoàn không chỉ dừng lại việc đầu tư tài chính cho startup, mà còn là khách hàng, đối tác của startup, là những nhà cố vấn chuyên môn, kết nối mở rộng thị trường và tạo động lực cho khởi nghiệp.
“Đây là một xu hướng các tập đoàn trong nước, quốc tế tiếp tục quan tâm đầu tư để nâng tầm cho các bạn trẻ Việt Nam. Đây là cơ hội còn lớn hơn việc cho tiền trực tiếp. Chỉ cần một tập đoàn sử dụng một sản phẩm hay công nhận một sản phẩm thì lập tức họ có thể tham gia các sân chơi lớn hơn, gọi vốn được từ các quỹ lớn hơn”, ông Quất nhấn mạnh.