Điện toán đám mây đang ‘vẽ’ lại cuộc chơi của các startup công nghệ
(DNTO) - Điện toán đám mây được xem là mảnh đất đã xây dựng sẵn các nền móng, mà trên đó, các startup tùy thích thiết kế ngôi nhà ứng dụng phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Tốc độ chuyển đổi số tại các doanh nghiệp gia tăng chóng mặt kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Theo thống kê của Amazon Web Services, hai khu vực có tỷ lệ các doanh nghiệp chuyển sang điện toán đám mây cao nhất là ASEAN và sa mạc Sahara. Nhiều doanh nghiệp trong nước như Masan, Vpbank…nhanh chóng triển khai dịch vụ đám mây để vượt qua đại dịch.
Rút ngắn thời gian, chi phí đưa ứng dụng ra thị trường, điện toán đám mây đang trở thành nền tảng giúp startup cạnh tranh trên thị trường công nghệ đang phát triển rầm rộ. Điện toán đám mây giảm thiểu tối đa tình trạng “đập đi xây lại” của các startup khi xây dựng ứng dụng.
Ông Phạm Lê Ngọc Châu, CEO AlBox (startup thiết bị và ứng dụng nhận diện hình ảnh đầu vào của các camera) cho biết, mọi startup đều mong muốn mở rộng quy mô và đi ra toàn cầu. Thế nhưng, nếu startup xây dựng ứng dụng trên các hạ tầng truyền thống, ban đầu có thể chạy rất ổn, nhưng khi mở rộng sẽ ngay lập tức gặp vấn đề.
“Kinh nghiệm của chúng tôi khi xây dựng hệ thống cho taxi hoặc quản lý định vị GPS cho thấy, với số lượng thuê bao nhỏ, hệ thống chạy rất ổn định, nhưng khi số lượng thuê bao tăng lên hàng chục, hàng trăm nghìn nhu cầu hạ tầng không thể đáp ứng được. Vì vậy, nếu không tính câu chuyện này ngay từ đầu thì sau sẽ rất loay hoay, thậm chí chúng tôi đã từng phải đập đi làm lại các hệ thống chỉ bởi tính toán kiến trúc ban đầu không như vậy”, ông Châu nói.
Điện toán đám mây cũng là mảnh đất được Meey Land - startup nền tảng số chuyên biệt cho lĩnh vực bất động sản lựa chọn để hiện thực hóa mục tiêu “mang đất lên mây” của mình.
CEO Hoàng Mai Chung chia sẻ, với công ty hoàn toàn công nghệ số như Meey Land, nếu thiết lập đội ngũ xây dựng hạ tầng kĩ thuật truyền thống sẽ rất vất vả và tốn kém, vì vậy, Meey Land quyết định sử dụng điện toán đám mây để phát triển sản phẩm mà không phải lo lắng nhiều về hạ tầng, bảo mật hay độ ổn định.
Hiện, Meey Land phát triển tới 26 sản phẩm, mỗi sản phẩm là một giải pháp để giải quyết một vấn đề nổi cộm trên thị trường bất động sản. Sau 2 năm ra mắt, startup đã nhận tín hiệu tích cực như cổng thông tin bất động sản 4.0 (meeyland.com) đã đạt 4 triệu lượt truy cập mỗi tháng, cùng nhiều nền tảng quảng cáo đa kênh, ứng dụng quản lý khách hàng, bản đồ tra cứu quy hoạch… chuyên biệt cho bất động sản. Sắp tới, startup cũng dự kiến ra mắt sản phẩm hỗ trợ truyền thông, định giá, thanh toán không tiền mặt… chuyên biệt cho bất động sản.
Thực tế, trên thị trường đã sớm có nhiều startup tận dụng đám mây để phát triển sản phẩm của mình, như Jio Health (startup cung cấp hệ sinh thái y tế đa kênh), và Infina (nền tảng số về đầu tư và tích lũy tài chính). Nhờ phát triển sản phẩm trên điện toán đám mây, các startup tăng sức hấp dẫn của mình và có thể dễ dàng thu hút nguồn vốn đầu tư lên tới hàng triệu đô.
Theo ông Trịnh Minh Giang, CEO VTI Cloud, đơn vị cung cấp giải pháp dịch vụ đám mây cho biết, việc chuyển sang công nghệ gốc đám mây sẽ thay đổi vĩnh viễn mô hình kinh doanh và phát triển phần mềm của các startup. Bởi lẽ, mọi startup đều hướng đến mô hình kinh doanh nền tảng số, mà với gốc đám mây sẽ cho phép doanh nghiệp tách, điều chỉnh bất kì ứng dụng nào khỏi cơ sở hạ tầng mà không làm ảnh hưởng đến các bộ phận khác. Vì vậy sẽ giúp startup tăng trưởng nhanh nhất với chi phí thấp nhất, gia tăng tốc độ trong khi vẫn đảm bảo tính nhanh gọn.
Thế nhưng, hiện nhiều hạ tầng công nghệ thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam mới được coi là “thân thiện với đám mây”. Đã có rất nhiều trường hợp các công ty công nghệ ban đầu phát triển nhưng không xác định xây dựng trên gốc đám mây nên khi tăng trưởng bắt buộc phải chuyển đổi. Vì vậy, theo ông Giang, tư duy phát triển sản phẩm dựa trên gốc đám mây ngay từ ban đầu rất quan trọng với các startup và đặc biệt các công ty lớn đang muốn đẩy mạnh công nghệ.
“Hiện đã có nhiều kiến trúc sẵn sàng trên đám mây, các công ty startup chỉ cần làm việc với các nhà cung cấp về điện toán đám mây để khai thác triệt để các ứng dụng và chỉ tập trung sáng tạo ra ứng dụng. Những kĩ sư xuất sắc nhất của chúng tôi để giải bài toán cho khách hàng cũng phải mất nhiều tháng trời. Vì vậy ngay từ khi muốn xây dựng ứng dụng, startup và doanh nghiệp phải làm việc với chuyên gia ngay để hiểu sâu về hạ tầng đám mây của mình, xây dựng kiến trúc ứng dụng, quy trình lập trình phù hợp”, ông Giang khuyến nghị.
Có thể nói, điện toán đám mây với độ linh hoạt cũng như tính co giãn của mình đang tạo ra những mô hình kinh doanh mới cho các startup, doanh nghiệp và cũng tạo ra đường đua mới để startup thử độ nhanh nhạy, bền chí của mình.