CEO game tỷ đô toàn cầu: ‘Khi bắt đầu, không ai biết Axie Infinity là của người Việt’
(DNTO) - Nguyễn Thành Trung, nhà sáng lập và CEO startup kỳ lân Sky Mavis, đơn vị sở hữu tựa game Axie Infinity cho biết, thế hệ trẻ cần nghĩ đến việc đưa giá trị văn hóa, nghệ thuật của người Việt vào sản phẩm để định vị bản thân trên bản đồ thế giới.
Văn hóa Việt bước vào game tỷ đô
Trong buổi chia sẻ với chủ đề “Định vị Việt Nam trên bản đồ thế giới với các sản phẩm văn hóa xuyên quốc gia”, CEO Sky Mavis Nguyễn Thành Trung cho biết, hiện nay, việc sử dụng công nghệ mới để tiếp cận thị trường thế giới dễ hơn trước đây, khi chưa phổ cập Internet. Đội ngũ Việt Nam hoàn toàn có thể làm sản phẩm để tiếp cận với thị trường quốc tế. Đây là một cơ hội, phương tiện tuyệt vời để đem tinh túy Việt Nam ra thế giới.
Cũng theo CEO Nguyễn Thành Trung, thời điểm hiện nay, yếu tố văn hóa có trong tất cả hoạt động kinh doanh, tạo ra sản phẩm của startup, kể cả việc gọi vốn. Ví dụ trong quá trình gọi vốn, nếu các founder và quỹ đầu tư không hiểu được văn hóa của nhau thì rất khó tạo ra sự tin cậy giữa hai bên để đạt mục tiêu kinh doanh.
Còn về vấn đề thiết kế sản phẩm game, ngoài yếu tố về kỹ thuật, Axie Infinity cũng chú trọng đến yếu tố nghệ thuật, văn hóa. Việc này theo Nguyễn Thành Trung cũng giống như các loại hình nghệ thuật khác, ví dụ như phim ảnh, làm thế nào để đưa được yếu tố văn hóa vào trong đó, làm thế nào để khi sử dụng sản phẩm, người dùng có thể biết được đó là sản phẩm của người Việt.
“Thực ra, khi bắt đầu, không ai biết game Axie là của người Việt. Bởi ban đầu, một startup không có quá nhiều thời gian để suy nghĩ việc làm sao kết hợp văn hóa vào sản phẩm, vì họ còn quá nhiều vấn đề phải nghĩ như làm thế nào để sống sót.
Sau khi doanh nghiệp phát triển, có nhiều không gian hơn thì mới có thể đưa vào những sản phẩm của mình yếu tố văn hóa để đưa ra bên ngoài. Tất cả xoay quanh việc viết cốt truyện như thế nào, các tương tác giữa các nhân vật trong game, làm sao biến nó trở thành trải nghiệm mà người dùng có thể tiếp thu được.
Yếu tố văn hóa là cách tuyệt vời thể hiện qua câu chuyện nhưng được gói gọn vào trong trải nghiệm sử dụng sản phẩm. Kể cả sản phẩm toàn cầu cũng luôn phải có yếu tố văn hóa của địa phương. Tức gần như mỗi người ở quốc gia, khi sử dụng sản phẩm đó cũng đều thấy có sự quen thuộc, đó là cảm nhận cần thiết nếu muốn đưa sản phẩm đến nhiều thị trường khác nhau”, CEO Nguyễn Thành Trung chia sẻ.
Năm 2021, Axie Infinity được coi là game NFT (trò chơi điện tử trên nền tảng blockchain) đắt giá nhất thế giới, dẫn đầu cho làn sóng “chơi game, ăn tiền”.
Cũng chỉ sau 4 năm ra mắt, Infinity đã đạt 2 triệu người chơi mỗi ngày, giá trị vốn hóa của đồng AXS (tiền mã hóa của game) có thời điểm đạt gần 10 tỷ USD. Tổng giá trị giao dịch của các tài sản số NFT trong trò chơi này đã vượt mức 2 tỷ USD vào năm 2021.
Chia sẻ về việc liệu Axie Infinity có thể trở thành tựa game lớn nhất thế giới hay không, Nguyễn Thành Trung cho biết đây cũng là câu hỏi anh tự đặt ra cho chính mình khi phát triển sản phẩm. Tuy nhiên, trong tương lai, cả phần cốt truyện và nội dung sản phẩm sẽ giàu hơn, khi đó sẽ có nhiều không gian hơn để ta đưa nhiều sản phẩm Việt Nam, sản phẩm văn hóa vào trong đó.
“Thực ra, việc lớn nhất thế giới có nhiều định nghĩa, có thể là mang lại doanh thu cao nhất, độ phủ sóng lớn nhất hay được chuyển thể từ các dạng sản phẩm văn hóa khác nhau như sách, tiểu thuyết, truyện nhiều nhất… Đó là câu hỏi tôi tự hỏi bản thân mình, rằng đội ngũ của mình sẵn sàng đến đâu để phát triển không chỉ đơn thuần là sản phẩm, game, mà là xây dựng công ty.
Con đường rất dài, đích ngắm rất xa, tất nhiên không thể làm được trong tương lai gần nhưng ít nhất mong muốn như thế nó tạo ra động lực rất lớn cho đội ngũ để bước đến những thành công khác”, Nguyễn Thành Trung bộc bạch.
Văn hóa dẫn dắt kinh doanh
Trong buổi chia sẻ, các diễn giả bày tỏ quan điểm về việc đưa văn hóa Việt Nam ra toàn cầu thông qua các sản phẩm của nền kinh tế.
TS. Emma Duester, Trưởng nhóm Nghiên cứu Số hóa lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam, Trường Đại học RMIT tin tưởng rằng, thế hệ trẻ Việt Nam là cầu nối tới thị trường thế giới vì họ không ngần ngại đưa văn hóa ra thị trường.
“Tư duy thế hệ trẻ đang dần thay đổi từ việc bảo tồn văn hóa đơn thuần sang việc tạo nên một ngành công nghiệp văn hóa, góp phần vào bức tranh toàn cầu. Văn hóa giờ đây được thương mại hóa và với sức sáng tạo của mình, tôi tin các bạn có thể thực hiện điều đó”, TS Emma cho hay.
Ông Huỳnh Long Thủy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vieon, Tập đoàn DatVietVAC Holdings nhận định, thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể cạnh tranh về công nghệ, có thể làm ra sản phẩm tương tự Netflix. Tuy vậy, một sản phẩm có giá trị về nội dung đòi hỏi sự đầu tư và định hướng rất lớn, và Việt Nam còn khoảng cách so với các nền kinh tế phát triển, nơi chú trọng đến việc văn hóa dẫn dắt kinh doanh.
“Điển hình như Hàn Quốc, có thời điểm, phim Hàn Quốc chiếu rất nhiều trên thế giới, từ đó họ bán được các sản phẩm như SamSung, xe Huyndai, Kia ở cả thị trường Mỹ. Sự thành công về văn hóa tạo ra sự ngưỡng mộ cho một dân tộc nếu văn hóa Việt Nam phát triển được và được đầu tư đúng hướng để vươn ra nước ngoài, dần dần văn hóa Việt Nam được biết đến và mọi người sẽ nể phục Việt Nam hơn”, ông Thủy bày tỏ.