Trả lại giá trị thật cho các tài sản ảo
(DNTO) - Cơn sốt metaverse, NFT qua đi cũng trả lại cho công nghệ này những giá trị thật. Chúng đang được ứng dụng nhiều hơn để giải quyết các bài toán trong cuộc sống, thay vì chỉ là công cụ cho các kẻ đầu cơ.
Mới đây, tại LÔCÔ Art Market, hội chợ nghệ thuật độc đáo tại TP.HCM, đã hợp với SeekHYPE để áp dụng công nghệ NFT vào việc mở bán vé. Chỉ trong 3 ngày đầu, sự kiện đã bán được hơn 2.200 vé. Quy trình mua bán vé cũng trơn tru và minh bạch hơn vì mỗi ID vé, mỗi giao dịch đều được ghi lại và theo dõi trên blockchain. Đồng thời, cung cấp trải nghiệm khách hàng tốt hơn.
Genetica, startup giải mã gen có trụ sở tại Mỹ cũng đã phát hành tài sản số cho khách hàng tại Việt Nam, dựa trên dữ liệu di truyền (gene) của họ, gọi là GeneNFT. Ông Đỗ Mạnh Cường, chuyên gia sinh học tại Genetica cho biết mục đích của việc phát hành GeneNFT giúp bảo mật thông tin và ưu tiên tối đa quyền lợi của khách hàng.
“Người bạn của tôi trước đây mua 1 bộ test DNA giá chỉ từ 3-4 bảng Anh. Thời gian sau, cô ấy phát hiện bộ gene của mình được rao bán với giá 10.000 USD. Không ai có thể chứng minh tính sở hữu đó. Vậy tại sao có người mua và bán. Vì sau khi giải mãi gen xong, các công ty dược, bệnh viện, tổ chức nghiên cứu sẽ rút ngắn thời gian bằng cách mua lại bộ gen như vậy và nghiên cứu trên bộ gene đó. Ví dụ một công ty dược nước ngoài vào Việt Nam muốn tìm hiểu về thuốc trị tiểu đường, loại nào sẽ tốt hơn, thì họ sẽ cần bộ gene của người Việt Nam để nghiên cứu. Đó là lý do Gennetica đi theo cuộc chơi NFT để tạo ra cuộc chơi công bằng hơn, trao lại quyền sở hữu cho chính người sử dụng, chứng minh được tính sở hữu của nó”, ông Cường nói.
Năm 2021, tài sản ảo đại diện cho vật phẩm thật NFT đã trở thành cơn sốt khi những bộ sưu tập tranh, ảnh số được rao bán với giá hàng triệu USD. Cuộc chơi càng nóng hơn với sự nhập cuộc của các thương hiệu nổi tiếng như Gucci, LVMH, Nike và Adidas... Thống kê cho thấy các nhà đầu tư đã chi tới hơn 21 tỷ USD cho các NFT.
Thế nhưng, sự sụp đổ của thị trường tiền điện tử vào giữa năm ngoái đã kéo theo thị trường NFT. Thống kê của CoinGecko cho thấy, các bộ sưu tập NFT nổi tiếng hiện đã giảm từ 40% cho đến gần 100% so với ngưỡng giá cao kỷ lục của chúng.
Năm 2023, thị trường NFT vẫn đang gặp khó khăn nhưng ở một hướng khác, những nhà đầu tư vẫn tiếp tục nắm giữ NFT. Khối lượng giao dịch hàng tháng tiếp tục vượt 415 triệu USD. Tổng kết tài chính 2023 từ nhà đấu giá gần 280 tuổi của Anh Quốc Sotheby's cho biết đã thu về 35 triệu USD từ các cuộc đấu giá NFT.
Sự xuống dốc của thị trường NFT khiến một bộ phận cho rằng nó là kết quả của công cuộc “thổi phồng” các giá trị ảo. Cánh này đưa ra lời khuyên cho mọi người nên tập trung vào các tài sản thật như bất động sản, cổ phiếu, vàng… hơn là những tài sản số như NFT. Nhưng ở một góc độ khác, những người vẫn đang tham gia thị trường này không nghĩ như vậy.
“Vẫn còn quá sớm để nói rằng thị trường NFT có bị thổi phồng hay không. Nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục với thị trường NFT vì có 2 lý do. Thứ nhất, NFT 100% là độc bản, tức cá nhân cho mỗi người, rất giống so với gene. 8 tỷ người trên trái đất, mỗi người mang bộ gene riêng, kể cả sinh đôi ít nhất có 2-3 điểm khác nhau. Thứ 2 tức là quyền sở hữu, mỗi người có thể xác định quyền sở hữu bộ gen này bằng một NFT”, đại diện Genetica nói.
Ông Trần Lê Hưng, chuyên gia tài chính tại Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cho biết chữ “thổi phồng” đôi khi sẽ nói đến câu chuyện về giá. Nhưng thực tế, với một sản phẩm cần phân biệt giữa giá thành và giá trị sử dụng. Nếu nói về giá thành thì quy luật cung cầu của thị trường là một yếu tố tác động của thị trường. Đôi khi những trục trặc đến từ thị trường sẽ làm cho mức giá của sản phẩm, dịch vụ không tương xứng với giá trị sử dụng.
“Thời gian qua, một số thương vụ mua bán NFT với giá trị hàng triệu USD bị coi là thổi phồng, dưới góc độ tài chính thì có thể nói NFT, metaverse bị đẩy giá thành khá nhanh, không khớp với giá trị sử dụng. Còn nói về giá trị sử dụng, tiềm năng của thế giới ảo metaverse và NFT giống như một cuốn hộ chiếu để đi vào thế giới đó. Như tỷ phú Elon Musk đã nói, ai cũng muốn được làm chủ cuộc chơi, chơi một trò chơi mà ở đó mình là bản thể khác. Đó là lý do NFT vẫn sẽ tiếp tục là một tài sản tiềm năng trong tương lai”, ông Hưng nhận định.
Thị trường NFT vẫn đang trong quá trình ứng dụng vào đời sống và đang chứng minh giá trị thật trong việc giải quyết bài toán thật. Đó là lý do các tài sản NFT sẽ vẫn giữ được giá trị. Giá trị của nó tới đâu sẽ được thị trường, người dùng quyết định giá thành, thay vì những kẻ đầu cơ. Bởi ngay cả những thị trường khác như bất động sản, cổ phiếu, vàng... nếu qua tay những kẻ đầu cơ thì giá trị của tài sản đó không tránh được bị “thổi phồng”. Sau những làn sóng đó lại là cơ hội để những người tham gia thị trường một cách lành mạnh khẳng định chỗ đứng của mình.