Chạy đua xây trung tâm dữ liệu nhưng Việt Nam vẫn chưa thể bùng nổ
(DNTO) - 4 “ông lớn” công nghệ trong nước là Viettel, FPT, VNPT, CMC nỗ lực để xây trung tâm dữ liệu nhưng điều này vẫn chưa đủ để giúp Việt Nam chạy đua với các nước trong khu vực.
Với hơn 8 tỷ người trên thế giới, mỗi phút trôi qua, có hàng terabyte dữ liệu được tạo ra trên các nền tảng mạng xã hội. Một ước tính cho thấy lượng dữ liệu số được tạo ra trong năm 2023 đã gấp 60 lần năm 2010.
Sự mở cửa biên giới trên không gian mạng làm chủ quyền dữ liệu trở nên cấp thiết ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong tương lai, một xu hướng mạnh mẽ là gia tăng là các dữ liệu của từng quốc gia sẽ phải được lưu trữ tại chính quốc gia đó. Việt Nam là một trong những nhóm nước phản ứng mạnh mẽ nhất về bảo vệ dữ liệu, đặc biệt sau khi Luật An ninh mạng có hiệu lực.
Nhưng Việt Nam hiện mới chỉ có gần 30 trung tâm dữ liệu (data center - DC), chiếm chưa tới 1% số lượng data center trên toàn thế giới. Chia sẻ trong Data Center & Cloud Infrastructure (DCCI) Summit 2024, ông Hoàng Văn Ngọc, CEO Viettel IDC, cho biết Việt Nam là thị trường tiềm năng về data center nhưng luôn đi sau các nước, quy mô chỉ bằng 1/15 của Singapore, 1/5 của Malaysia và Indonesia.
“Trong 3 năm gần nhất, thị trường data center ở Indonesia, Malaysia tăng 6 lần, nhưng Việt Nam chỉ tăng 1,5 lần. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng của thị trường Việt Nam rất chậm, mặc dù có nhiều cơ hội và động lực như thị trường 100 triệu dân, nguồn nhân lực giá rẻ, chi phí xây dựng rẻ hơn các nước khác, công nghệ thông tin đang phát triển và sự hỗ trợ của Chính phủ”, ông Ngọc nói.
Lý giải về việc này, CEO Viettel IDC cho biết Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều thứ. Đó là hệ thống kết nối cáp quang biển vừa thiếu, vừa không ổn định, nguồn điện cũng tương tự. Hành lang pháp lý, thủ tục đất đai tương đối phức tạp... là những rào cản khiến thị trường data center của ta chưa được bùng nổ như kì vọng.
Trong khi đó, trên thế giới, các nhà phát triển data center đã bắt đầu lựa chọn các vị trí nền nhiệt thấp để giảm năng lượng tiêu thụ, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo, ứng dụng AI vào vận hành khai thác, công nghệ làm mát bằng chất lỏng (Liquid Cooling)... để hướng tới xanh hóa các trung tâm dữ liệu.
“Google, Facebook họ có những DC rất lớn ở Iceland. Thậm chí Microsoft có những DC nằm dưới lòng đại dương. Đây là bước đột phá mà thế giới đang hướng đến. Ở Việt Nam, các loại hình data center vẫn ở dạng thiết kế truyền thống, các giải pháp làm mát thông thường và gần như 100% sử dụng điện lưới mà EVN cung cấp. Chưa có các loại hình lựa chọn để sử dụng năng lượng tái tạo vì Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho vấn đề này”, CEO Viettel IDC cho biết.
Tổng dung lượng thị trường data center trên thế giới ước đạt 321 tỷ USD vào năm 2024 và có thể tăng với tốc độ 7,3% đến năm 2030, theo McKinsey. Trong đó, khu vực châu Á Thái Bình Dương là khu vực quan trọng đóng góp tốc độ tăng trưởng data center 18,9%, phát triển đồng đều ở cả thị trường sơ cấp (Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore) và thị trường thứ cấp (Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan).
Ông Ngọc cho biết, trong những năm gần đây, có sự chuyển dịch từ thị trường sơ cấp sang thứ cấp vì các thị trường sơ cấp đã đạt đến giới hạn về đất đai, nhân lực. Vì vậy, những năm tới, các thị trường thứ cấp như Việt Nam sẽ có sự bùng nổ về trung tâm dữ liệu.
Quy mô thị trường data center Việt Nam dự kiến lên mức 1,2 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng 10,8% đến năm 2030. Hiện các nhà cung cấp nội địa vẫn chiếm ưu thế, 4 nhà cung cấp lớn gồm Viettel, FPT, VNPT, CMC vẫn chiếm tới 97% thị trường. Thị trường chưa xuất hiện các tay chơi lớn đến từ quốc tế.
“Để thực hiện mục tiêu kép và cam kết NetZero của Chính phủ, chắc chắn trong 3-5 năm tới, đặc biệt khi có sự xuất hiện của các ‘ông lớn’ đến từ quốc tế, hạ tầng DC của Việt Nam sẽ phải nâng cấp”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Trong thời gian qua, Việt Nam cũng ban hành rất nhiều văn bản pháp lý như Luật An ninh mạng, Luật Viễn thông, Nghị định 13 nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu, yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam đã kịp thời quy hoạch để phát triển hạ tầng kết nối như cáp quang biển, 5G trong thời gian tới. Đây được xem là chính sách thúc đẩy cho việc phát triển DC ở Việt Nam.
Ngoài nỗ lực của Chính phủ, vị CEO cho biết những đơn vị phát triển data center như Viettel IDC cần nỗ lực để bắt kịp với xu hướng trung tâm dữ liệu xanh của thế giới. Doanh nghiệp này hiện đã xây dựng 13 trung tâm dữ liệu trên cả nước, và có kế hoạch xây dựng 4 trung tâm dữ liệu quy mô lớn cho tới năm 2030.
“Trong tháng 4 tới, chúng tôi sẽ khai trương data center ở Hòa Lạc (Hà Nội) với công suất 25 MW. DC này được HSBC tài trợ vì đạt được những tiêu chuẩn xanh, bền vững. Trong các DC của chúng tôi sắp tới sẽ áp dụng những công nghệ như AI vào vận hành khai thác, áp dụng liquid cooling vào giải nhiệt và sử dụng năng lượng tái tạo sau khi Chính phủ đã có hành lang pháp lý rõ ràng”, ông Ngọc nói.