Các ‘gã khổng lồ’ công nghệ chạy đua xây dựng trung tâm dữ liệu ở Việt Nam
(DNTO) - Khi doanh nghiệp, người dân tích cực đưa mọi dữ liệu lên mạng thì nhu cầu về các không gian lưu trữ dữ liệu trở nên cấp thiết. Các doanh nghiệp nội và ngoại vì thế đều đang cạnh tranh gay gắt trên đường đua xây dựng trung tâm dữ liệu để đón đầu nhu cầu này.
Ồ ạt xây dựng trung tâm dữ liệu
10 năm qua, lưu lượng dữ liệu tại Việt Nam đã tăng gấp 7 lần và thị trường trung tâm dữ liệu này được dự báo có mức tăng trưởng kép hàng năm gần 15% cho đến năm 2026. Sức hấp dẫn của thị trường vì thế đã thu hút nhiều “ông lớn” công nghệ trong và ngoài nước.
Cuối tháng 3/2022, Tập đoàn Amazon (Mỹ) thông báo sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu tỷ đô tại 6 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Tương tự, giữa năm, công ty Gaw Capital Partners (Hồng Kông) cũng thông báo đã hoàn tất việc đầu tư giai đoạn đầu vào Dự án Phát triển Trung tâm dữ liệu cấp độ 3 trong Khu Công nghệ cao tại TP.HCM. Công ty Worldwide DC Solution (Singapore) đăng kí đầu tư dự án trung tâm dữ liệu 70 triệu USD tại Khu công nghệ cao TP.HCM, để cung cấp dịch vụ cho thuê trung tâm dữ liệu.
Không kém cạnh các “tay chơi” ngoại, nhiều công ty công nghệ trong nước đã tăng tốc gia nhập cuộc chơi này. Tháng 4/2022, “ông lớn” công nghệ trong nước là Viettel tung một bản kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam với tổng đầu tư 6.000 tỷ đồng. Đặc biệt, hệ sinh thái Viettel Cloud của tập đoàn đang sở hữu 13 trung tâm dữ liệu, quy mô hơn 9.000 rack trên 60.000m2 mặt sàn, được xem là hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Cho biết các công ty công nghệ ở Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các gã khổng lồ ngoại quốc, ông Nguyễn Danh Thành, Giám đốc Sản phẩm Chiến lược của Viettel Solution tự tin nhấn mạnh rằng đơn vị này có những điểm mạnh riêng để “đối trọng” với các Big Tech nước ngoài tại Việt Nam.
“Chúng tôi có hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam, kết nối siêu băng rộng cùng với công nghệ bảo mật đạt các chứng chỉ uy tín quốc tế. Thêm vào đó, đội ngũ con người Viettel sáng tạo và giàu kinh nghiệm để có thể xác lập vị thế trên thị trường”, đại diện Viettel Solution cho hay.
Đến nay, đã có gần 30 doanh nghiệp Việt Nam đang cung cấp các dịch vụ trung tâm dữ liệu và đám mây như đến Hanoi Telecom, VNPT, FPT, CMC, VNG, Viettel IDC... Như vậy có thể thấy các doanh nghiệp công nghệ trong nước cũng đầy đủ năng lực có thể phát triển các trung tâm dữ liệu đầy đủ tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
“Nội” – “ngoại” kết hợp
Các thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có gần 30 trung tâm dữ liệu (Data Center – DC); trong đó miền Bắc chiếm hơn 46%, miền Nam chiếm hơn 35% và miền Trung chiếm hơn 18%. Con số này được dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng khi Nghị định 53 hướng dẫn Luật An ninh mạng có hiệu lực từ 1/10/2022 quy định tất cả các dữ liệu của Việt Nam phải được lưu trữ tại Việt Nam.
Theo Nghị định, nếu các Big Tech như Google, Microsoft… muốn mở rộng ở thị trường Việt Nam phải sử dụng dịch vụ lưu trữ dữ liệu của các nhà cung cấp tại đây. Đó là lý do các nhà cung cấp nước ngoài đang tích cực đầu tư trung tâm dữ liệu ở Việt Nam.
Thế nhưng, việc xây dựng một DC không hề đơn giản khi chi phí đầu tư sẽ rất lớn, chưa kể việc triển khai và vận hành, khả năng mở rộng và bảo đảm an ninh khá phức tạp. Do đó, nhiều đối tác nước ngoài hiện nay đang có xu hướng “bắt tay” với các doanh nghiệp trong nước để chia nhau “miếng bánh” này.
Đơn cử như Công ty Phân phối công nghệ Quang Dũng (thành viên Tập đoàn GreenFeed) và Công ty TNHH tư nhân NTT Global Data Centers Holding Asia (thuộc Tập đoàn NTT Nhật Bản) cùng tham gia xây dựng và vận hành dự án “Trung tâm dữ liệu HCMC1” với tổng vốn đầu tư 56 triệu USD, diện tích sàn là 16.649m2.
Hay năm 2021, Công ty Cổ phần phát triển Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng (thành viên của Trungnam Group) và Infracrowd Capital (quỹ đầu tư của Singapore) cùng tham gia rót 100 triệu USD để xây dựng trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn cấp 3 đầu tiên tại miền Trung.
Có thể nói, việc “bắt tay” với các công ty nội là một hướng đi khôn ngoan của các công ty ngoại khi muốn gia nhập sân chơi đầu tư trung tâm dữ liệu ở Việt Nam. Bởi lẽ, việc tìm kiếm một vị trí phù hợp để đặt DC không phải đơn giản, nên các công ty nội sẽ có kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề pháp lý liên quan đến việc thuê đất.
Chưa kể, việc hiểu biết văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp bản địa giúp các công ty ngoại phát triển dịch vụ phù hợp. Ngoài ra, việc tận dụng nguồn nhân lực công nghệ nội địa cũng giúp các công ty ngoại tiết giảm chi phí đáng kể.
Ở chiều ngược lại, các công ty nội địa còn thiếu nguồn lực, không tự triển khai các dự án trung tâm dữ liệu cũng sẽ hưởng lợi khi song hành cùng các đối tác ngoại với nguồn lực tài chính hùng mạnh, có kinh nghiệm trong thiết kế, triển khai và vận hành, cũng sẽ rút ngắn được thời gian triển khai, bảo đảm hoạt động hiệu quả.
Việc gia tăng các nhà phát triển trung tâm dữ liệu ở Việt Nam cũng mang lại nhiều lợi ích cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong quá trình chuyển đổi số khi dữ liệu sẽ được lưu trữ chuyên nghiệp, bài bản, phục vụ cho việc đánh giá để đưa ra các quyết định chính xác trong điều hành.