Vũ khí mới của các gã khổng lồ công nghệ
(DNTO) - Không phải công nghệ lõi hay mô hình kinh doanh, dữ liệu mới chính là vũ khí mới mà Google, Amazon hay Facebook... sử dụng để giành lợi thế dẫn đầu.
Theo Gartner, đến năm 2026, hơn 25% giám đốc dữ liệu của các tập đoàn lớn thuộc Fortune 500 sẽ đảm nhiệm ít nhất một sản phẩm dựa trên dữ liệu và phân tích dữ liệu tạo ra dòng doanh thu chính. 20% các doanh nghiệp lớn sẽ sử dụng một nềN tảng cho việc hợp nhất và tự động hóa quá trình quản trị dữ liệu rời rạc.
The Economist cũng từng nhận định rằng nguồn tài nguyên lớn nhất hiện nay không phải là dầu mỏ mà là dữ liệu. Thật vậy, đó là lý do mà hàng loạt các công ty công nghệ khổng lồ hiện nay đổ hàng trăm tỷ USD xây dựng các trung tâm dữ liệu trên khắp thế giới.
“Các công ty hàng đầu thế giới hiện nay như Google, Amazon hay Facebook đều là những công ty sở hữu nguồn dữ liệu khổng lồ, đang thu thập và khai thác dữ liệu rất tốt”, ông Hoàng Trọng Tôn, Giám đốc Giải pháp & Sản phẩm, Công ty SVTech, nói tại tọa đàm “Khai mở tiềm năng dữ liệu số - Từ tầm nhìn đến thực thi” hôm 7/10.
Thế nhưng, theo ông Tôn, kể cả các “ông lớn” công nghệ với nguồn lực khổng lồ, hay các doanh nghiệp nhỏ, khi xác định điều hành dựa trên dữ liệu đều phải tập trung vào câu hỏi: Mục tiêu sử dụng dữ liệu để làm gì.
“Dữ liệu cần được phát triển một cách bền vững chứ không thể chỉ trong một thời gian ngắn”, ông Tôn nói.
Cũng tại toạ đàm, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) nhận định các chính phủ cũng ngày càng quan tâm đến dữ liệu. Đó là lý do trong thập kỷ qua, dữ liệu đều được coi là tài nguyên quan trọng và xác lập vị trí nhất định. Do đó, việc thu thập dữ liệu sẽ không dừng lại.
“Kỷ nguyên chuyển đổi số chỉ vừa mới bắt đầu, dữ liệu sẽ ngày càng được thu thập và lớn hơn”, ông Đồng nói và nhấn mạnh điều quan trọng nhất cần làm lúc này là phải có kho dữ liệu tập trung. Do đó, chính phủ phải có chính sách quy tụ, tập trung dữ liệu.
Tại Việt Nam, năm 2023 được coi là năm dữ liệu số. Từ Chính phủ cho đến các doanh nghiệp lớn đều đang tích cực tham gia vào việc thu thập và khai thác dữ liệu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Khánh - Trưởng Phòng hạ tầng và dữ liệu số, Cục chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết muốn phát triển một hệ sinh thái dữ liệu số còn rất nhiều thách thức vì liên quan đến nhiều các bên như chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
“Ví dụ, các bên có sẵn sàng chia sẻ dữ liệu hay không, vấn đề bảo mật cá nhân như thế nào, hay nguồn lực, chi phí…đó là còn chưa tính đến lợi ích của các bên. Nói chung là có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết”, ông Khánh nói.
Còn theo ông Tôn hiện các doanh nghiệp hiện nhận ra dữ liệu rất quan trọng nhưng bài toán là làm thế nào để khai thác chúng một cách hiệu quả nhất.
Ở Việt Nam, các ngân hàng là lĩnh vực tiên phong trong việc xây dựng các chiến lược khai thác dữ liệu. Thậm chí, nhiều ngân hàng đã tích hợp cả AI (trí tuệ nhân tạo) để ra quyết định nhanh hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn. Nhưng các lĩnh vực khác sẽ chậm hơn vì đa phần doanh nghiệp Việt Nam ở quy mô vừa và nhỏ.
Ông Tôn khuyến nghị doanh nghiệp có thể tận dụng những công nghệ có sẵn, sử dụng ở phạm vi nhỏ như eKYC (định danh và xác thực khách hàng), giúp giải quyết các quy trình định dạng. Sau đó mới tiến hành triển khai ở phạm vi dữ liệu lớn hơn. Đặc biệt, với lượng dữ liệu nhỏ, các doanh nghiệp cũng chưa nên xây dựng nền tảng AI.
Ở mặt vận hành, các doanh nghiệp cần tập trung vào gia tăng trải nghiệm của khách hàng. Vì chỉ khi giữ chân và thu hút khách hàng, doanh nghiệp mới có khả năng tăng doanh thu bền vững. Ngoài ra, một vài dạng dữ liệu có thể giúp doanh nghiệp phát triển các mô hình kinh doanh mới hay tối ưu hóa quy trình vận hành.
Về mặt pháp lý, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng quy định là cần thiết, nhưng không hẳn là bắt buộc phải có. Bởi, các quy định thường đi sau để điều chỉnh lại hướng đi. Điều cần làm là phải thực thi kế hoạch trước để tạo ra giá trị, chứng minh được vai trò của hệ sinh thái dữ liệu. Trong quá trình thực thi, nếu có vấn đề nảy sinh, các quy định pháp luật sẽ được đưa ra để điều chỉnh.