‘Thần giữ của’ ngành tài chính, Big Data lấy lại hàng trăm tỷ USD tiền thuế gian lận
(DNTO) - Việt Nam đang ứng dụng dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu như Hoa Kỳ, Úc, Mexico… để chống các gian lận trong ngành thuế, cũng như thúc đẩy ngành tài chính minh bạch hơn.
Học ‘anh lớn’ cách giữ tiền
Chia sẻ trong Hội thảo Vietnam Digital Finance 2023 hôm 21/9, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban, Ban Kinh tế Trung ương cho biết trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dữ liệu được coi là “trái tim” của chuyển đổi số. Hiện rất nhiều quốc gia đã có các chiến lược, kế hoạch hành động ở tầm quốc gia về dữ liệu, nhằm tạo điều kiện cho các bên khai thác tạo giá trị.
Ngành tài chính số toàn cầu đã chứng minh giúp cải thiện sự ổn định của hệ thống tài chính, mang lại lợi ích cho tất cả các bên từ người dân, doanh nghiệp, cho đến Chính phủ. Hiện tài chính số toàn cầu đang ở trong giai đoạn phát triển bùng nổ với nhiều loại hình dịch vụ đa dạng. Việc thúc đẩy dữ liệu lớn trong ngành tài chính sẽ góp phần tạo ra sự minh bạch và phát triển bền vững của ngành.
Bà Ứng Kim Phượng, Giám đốc Phân tích dữ liệu tại Viettel Solutions cũng cho biết, thực tế, Big Data đã được ứng dụng rộng rãi trong ngành thuế trên thế giới.
Sở thuế vụ Hoa Kỳ (IRS) sử dụng big data để chống gian lận thuế. Dữ liệu lớn trên mạng xã hội được khai thác để chứng minh cá nhân đang có lối sống “thịnh vượng” hơn hồ sơ thuế của họ. Việc này giúp tiết kiệm 300 tỷ USD thuế bị thất thoát hàng năm.
Cơ quan Thuế Úc (ATO) sử dụng big data để nhận ra các mối quan hệ phức tạp, đa cấp giữa những người nộp thuế, ngăn chặn hành vi trốn thuế của các công ty và tư nhân liên quan lợi ích.
Mexio ứng dụng big data để tăng cường cơ chế tuân thủ nghĩa vụ thuế. Cụ thể, dịch vụ kiểm soát thuế Mexico (SAT) sử dụng AI, cho phép thu thập khối lượng lớn dữ liệu từ hóa đơn điện tử theo thời gian thực. Việc này giúp tăng GDP lên 3%.
Cơ quan Thuế Tây Ban Nha (AEAT) sử dụng big data để theo dõi kiều bào có ý định trốn thuế. Cụ thể, dữ liệu lớn được lấy từ 70 nguồn khác nhau để theo dõi chi phí sinh hoạt, các mối quan hệ gia đình, nhằm theo dõi cá nhân có tài sản lớn liên quan ở nước ngoài có nguy cơ trốn thuế.
“Ứng dụng Big Data không chỉ giúp ngành thuế tăng thu ngân sách, giảm chi phí vận hành, mà còn thúc đẩy sự tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế”, bà Phượng nhấn mạnh.
Ngành tài chính Việt Nam sẵn sàng top đầu thế giới
Ông Nguyễn Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính), đánh giá tính sẵn sàng triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính cho thấy về tổng thể, Bộ Tài chính có mức độ sẵn sàng triển khai dữ liệu lớn và phân tích 75%. “Đây là mức độ sẵn sàng rất cao nếu so sánh với các đơn vị khác trên thế giới trước khi triển khai dữ liệu lớn và phân tích”, ông Ngọc nói.
Cụ thể, trong thị trường chứng khoán, nơi còn tồn tại các giao dịch nội gián, thao túng thị trường, để tăng tính minh bạch cho thị trường, các ứng dụng Big data, AI, 360 độ về doanh nghiệp được đưa vào. Công nghệ giúp nhà quản lý giám sát giao dịch thời gian thực, phát hiện các giao dịch khả nghi; đồng thời đưa ra cảnh báo/ngăn chặn.
Bên cạnh đó, các giao dịch rửa tiền luôn tiềm ẩn trong thị trường chứng khoán. Để nâng cao độ an toàn, hỗ trợ phòng chống tội phạm, giải pháp BigData, AI, eKYC, 360 độ Doanh nghiệp được đưa vào. Công nghệ giúp thu thập dữ liệu và phân loại nhóm khách hàng; định danh, xác thực điện tử giao dịch và giám sát giao dịch, phát hiện các giao dịch khả nghi. Từ đó đưa ra cảnh báo sớm và áp dụng các biện pháp ngăn chặn.
Tương tự, ngành Hải quan cũng đã xây dựng các phương pháp xác định giá tính thuế áp dụng công nghệ dữ liệu lớn và khoa học dữ liệu (Bigdata, Data science). Việc này hỗ trợ đưa ra mức giá tham khảo cho cơ quan thuế và hải quan xây dựng giá tính thuế; đồng thời hỗ trợ phân tích chống chuyển giá ngành thuế.
Hay trong nghiệp vụ quản lý rủi ro, cơ quan này đã ứng dụng công nghệ trên để phân luồng tờ khai hải quan; lựa chọn trường hợp thanh tra, kiểm tra thuế; xây dựng mô hình chấm điểm rủi ro (không tuân thủ). Từ đó tối ưu nguồn lực nội ngành, tập trung vào nhóm rủi ro cao và hiệu quả thu thuế cao.
Tuy nhiên, đại diện Viettel Solutions cho biết, hiện có nhiều thách thức từ các yếu tố bên ngoài đến ngành Thuế. Công nghệ thay đổi với tốc độ “chóng mặt”, hàng loạt các công nghệ mới như: Blockchain, Cloud services, API, Machine Learning, computer vision... Cùng với đó là sự xuất hiện và phát triển của các hoạt động kinh doanh, sản phẩm mới, như: Fintech, tiền điện tử, thương mại điện tử. Trong khi các hành vi trốn thuế như áp dụng các kỹ thuật thuế, che giấu thu nhập, chuyển giá, kiều hối,... ngày càng “tinh vi”.
Bản thân ngành thuế cũng gặp những thách thức từ bên trong như dữ liệu hiện tại vẫn phân tán, rời rạc; chưa xác định mục tiêu và chiến lược chuyển đổi số rõ ràng, phù hợp và hiệu quả, thiếu nhân lực chuyên môn trong khi quy trình đầu tư công nghệ chưa theo kịp xu hướng.
“Doanh nghiệp, tổ chức nên tìm đến những nền tảng công nghệ hoàn chỉnh để dễ dàng triển khai hệ thống Big Data nhanh chóng, đơn giản và tiết kiệm nguồn lực cho việc phát triển các sản phẩm dựa trên dữ liệu”, bà Ứng Kim Phượng nói.