Dữ liệu từ Trung ương xuống địa phương: Trên chưa chia sẻ nên dưới vẫn đứng im
(DNTO) - Theo các chuyên gia, dữ liệu là trái tim của nền kinh tế số nhưng lại đang phân tán ở nhiều cơ quan, dẫn đến địa phương rất muốn phát triển kinh tế số nhưng không có dữ liệu.
Địa phương đợi Trung ương
Chia sẻ trong Diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế số và Xã hội lần thứ I, hôm 14/9, TS. Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng, cho biết thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP; trong đó công nghiệp ICT chiếm tối thiểu 15%. Đồng thời hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.
Hiện địa phương đã xây dựng Cổng dữ liệu thành phố với 860 bộ dữ liệu với hơn 1.100 cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản sử dụng. Hơn 4,6 triệu lượt truy cập và hơn 1,2 triệu lượt gọi dịch vụ từ các ứng dụng.
Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng Cổng dữ liệu mở Đà Nẵng để tạo ra sản phẩm công nghệ số mới. Ví dụ như xây dựng ứng dụng tra cứu cơ sở An toàn thực phẩm; Xây dựng ứng dụng về quản lý xe cứu thương; tạo bản đồ Covid-19, xây dựng biểu đồ số liệu Covid-19 phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch, ...
Tuy nhiên, đại diện Đà Nẵng cho biết, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Nghị định số 47 về Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử đều quy định nhiệm vụ các bộ, ngành, địa phương xây dựng Danh mục cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương. Việc xây dựng, đặc tả cơ sở dữ liệu của bộ, ngành địa phương cần tiếp cận theo hướng Top – Down (từ trên xuống). Nhưng đến nay còn nhiều bộ, ngành chưa xây dựng, ban hành Danh mục đặc tả này; do đó các địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai xây dựng Danh mục của địa phương.
Chưa kể, hiện nay, các cơ quan Trung ương như Tổng Cục Thuế, Tổng Cục Thống kê, Bảo hiểm xã hội Việt Nam... chưa thực hiện chia sẻ dữ liệu cho các địa phương do vướng các quy định pháp luật chuyên ngành trái với quy định tại Nghị định số 47, do vậy các cơ quan trên chờ sửa đổi Luật chuyên ngành mới triển khai chia sẻ dữ liệu.
Vị này đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, đặc tả rõ đối tượng quản lý và phân lớp quản lý theo ngành để các địa phương áp dụng. Đồng thời đề nghị các cơ quan trung ương rà soát, ban hành Nghị định sửa đổi một số điều hoặc có Thông tư hướng dẫn việc chia sẻ dữ liệu cho các ngành, địa phương liên quan.
Cũng theo Nghị định số 47 về Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử đã xác định rõ quan điểm phát triển dữ liệu, đó là: “Dữ liệu là tài nguyên mới. Cơ quan nhà nước mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số”.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, các cơ quan, địa phương vẫn cần các văn bản hướng dẫn cụ thể để các đơn vị có đủ khả năng triển khai. Các địa phương cần làm rõ các mức: Đóng, Chia sẻ và Mở; cơ quan nào quyết định, quy trình tuân thủ. Vị này đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, tham mưu, trình Chính phủ ban hành các Quy định về quản lý, chia sẻ dữ liệu mở và Danh mục dữ liệu mở của cơ quan nhà nước ưu tiên triển khai.
Làm những gì người dân, doanh nghiệp thấy cần
Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương, TS. Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định, địa phương đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố về chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI), cho biết bí quyết là tập trung đầu tư, xây dựng những nền tảng mà người dân, doanh nghiệp cảm thấy thật sự cần thiết.
Cụ thể, Chính quyền là người định hướng, dẫn dắt, lên kế hoạch chi tiết, khả thi với các giải pháp đồng bộ, để thu hút và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia trong hệ sinh thái chuyển đổi số.
Đó là lý do tỉnh Nam Định đã triển khai một số nền tảng hiểu quả trong năm qua như Triển khai mô hình Trường học thông minh tại 100% các trường học trên địa bàn thành phố Nam Định (Cán bộ, giáo viên được cấp 2985 chữ ký số cá nhân. giáo viên và phụ huynh được sử dụng nền tảng số trường học với chất lượng cao); Triển khai hệ thống quản lý và quảng bá Cây cảnh làng Vị Khê, xã Điền xá, huyện Nam Trực (xây dựng phần mềm quảng bá hoa, cây cảnh trên nền tảng bản đồ số; dữ liệu cây cảnh bằng mã QR; thiết kế giao diện thân thiện theo từng nhóm sản phẩm hoa, cây cảnh)…
“Những vấn đề đã có quy định hay được thực tiễn chứng minh là đúng, thì tiếp tục thực hiện. Những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì đề xuất thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, ông Quế nói.
Mở đường biên giới để lưu chuyển dữ liệu
Ông Toni Eliasz, chuyên gia cao cấp về kỹ thuật số của World Bank, theo WorlBank, nền kinh tế số tăng trưởng nhanh hơn (15-24%) so với mức tăng trưởng của kinh tế truyền thống (11-15%) và tạo ra những lợi ích đáng kể.
Cập nhật kinh tế Đông Á – Thái Bình Dương vào tháng 10/2022 của ngân hàng này cũng chỉ ra, tại Việt Nam, các dịch vụ số và hoạt động chế tạo, chế biến đã phục hồi; trong khi các dịch vụ trực tiếp (giao thông vận tải, nông nghiệp, xây dựng và bất động sản…) phục hồi chậm hơn.
Tỷ lệ cá nhân sử dụng Internet của Việt Nam đạt 78,6% vào năm ngoái. Việt Nam đứng đầu nhóm nước mới nổi về khả năng truy cập, chất lượng và chi phí kết nối băng thông rộng tại Đông Á và Thái Bình Dương. Người dùng thanh toán số tăng gấp 2 lần trong 5 năm qua.
Tuy vậy, theo WorlBank, Việt Nam vẫn đang đi sau về kĩ năng số trong nhóm dân số có hoạt động kinh tế. Hộ gia đình có máy tính ở nhà chỉ đạt 28% vào năm ngoái. Mặc dù công nghệ được lan tỏa phổ biến, nhưng việc áp dụng công nghệ tiên tiến ở Việt Nam còn non trẻ. Chủ yếu tiếp cận với công nghệ thời 3.0 như máy tính, internet, điện thoại di động. Còn ngành công nghiệp 4.0 như đám mây, robot, phân tích dữ liệu lớn còn rất thấp.
Vì vậy, theo ông Toni Eliasz, để hoàn thành mục tiêu tham vọng về chuyển đổi số, Việt Nam cần ưu tiên tạo thuận lợi sử dụng máy tính (trong hộ gia đình) và áp dụng các công nghệ số tiên tiến (trong doanh nghiệp). Khuyến khích ngành công nghệ tạo giá trị qua dữ liệu, có cơ chế quản trị dữ liệu và tạo thuận lợi cho sử dụng dữ liệu vào nền kinh tế số.
“Để làm được điều này, cần tạo thuận lợi lưu chuyển dữ liệu qua biên giới tại Đông Nam Á. Muốn vậy, cần hình thành cơ chế quản trị hài hòa, thông thoáng cho lưu chuyển dữ liệu qua biên giới sao cho hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo vệ dữ liệu cá nhân”, Toni Eliasz nhấn mạnh.