Trung tâm dữ liệu ngốn điện khủng khiếp, bằng sản lượng của nhà máy thủy điện cỡ nhỏ
(DNTO) - Trung tâm dữ liệu (data center) tại Việt Nam đang bùng nổ nhưng có nguy cơ thiếu nguồn năng lượng để duy trì. Các giải pháp xanh được doanh nghiệp đưa ra nhưng vướng luật nên khó thực hiện.
“Đốt” điện bằng sản lượng cả nhà máy thủy điện, điện gió
Trong những năm gần đây, Việt Nam thu hút đầu tư mạnh mẽ vào trung tâm dữ liệu. Năm 2020, quy mô thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đạt 858 triệu USD. Savills dự báo thị trường trung tâm dữ liệu sẽ đạt mức tăng trưởng kép hàng năm 14,64%/ năm cho đến năm 2026.
Từ năm 2010 đến nay, công suất tiêu thụ điện của các data center Việt Nam đã tăng gấp 3 lần, băng thông sử dụng tăng 10-15 lần (Theo Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông).
Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, cho biết hiện công nghệ thông tin, internet phát triển, mọi thứ đều “lên mây” (on cloud), từ dữ liệu trên điện thoại cá nhân, tức là mọi dữ liệu đều ở trong một data center nào đó. Nhưng data center là một nơi ngốn năng lượng khủng khiếp vì phải chạy hệ thống làm mát. Khi làm mát, các trung tâm dữ liệu phải tiêu thụ nguồn điện năng rất lớn để chạy hệ thống điều hòa nhiệt độ, chất lỏng và không khí.
“Một data center nhỏ nhỏ của chúng tôi có công suất 12 MW, tức tương đương lượng điện phát ra của một nhà máy thủy điện cỡ nhỏ. Còn data center mà chúng tôi đang xây, 30MW, tương đương với cả công suất của nhà máy điện gió thông thường (50MW)”, ông Tiến cho biết trong hội thảo về kinh tế tuần hoàn mới đây.
Trong bối cảnh nguồn năng lượng (điện gió, điện mặt trời) của Việt Nam giàu tiềm năng nhưng khai thác hạn chế, thì áp lực năng lượng cho các trung tâm dữ liệu giai đoạn tiếp theo là rất lớn.
Ông Trần Tuấn Anh, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các trung tâm dữ liệu đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có về tiêu thụ năng lượng và tản nhiệt. Do vậy, Việt Nam khuyến khích ứng dụng công nghệ mới để hướng tới trung tâm dữ liệu xanh nhằm giảm điện năng tiêu thụ, giảm phát thải CO2. Sắp tới vị này cho biết Cục Viễn thông sẽ nghiên cứu, ban hàng tiêu chuẩn, quy chuẩn về tiêu thụ điện cho trung tâm dữ liệu.
Hụt hơi trong cuộc đua trung tâm dữ liệu xanh
Do tiêu tốn nguồn năng lượng khổng lồ nên các trung tâm dữ liệu trên thế giới hiện nay đang đứng trước áp lực “xanh hóa”. Trung tâm nào sớm “xanh” sẽ có lợi thế trong thu hút và giữ chân khách hàng.
Theo Global Market Insights, thị trường trung tâm dữ liệu xanh dự kiến sẽ đạt hơn 175 tỷ USD vào năm 2030. Đó là lý do mà các gã khổng lồ công nghệ như Amazon, Google đang chạy đua mở rộng mạng lưới trung tâm dữ liệu ở châu Á - Thái Bình Dương.
Ngay tại quốc gia lân cận là Thái Lan, sáng kiến trung tâm dữ liệu xanh cũng được ưu tiên. SUPERNAP - liên doanh trung tâm dữ liệu và cho thuê máy chủ cấp 4 duy nhất ở Thái Lan đã triển khai trang trại pin mặt trời. Thái Lan hiện là quốc gia dẫn đầu khu vực với các trung tâm dữ liệu tiên tiến nhất.
Việt Nam hiện có khoảng hơn 30 trung tâm dữ liệu, nhưng khoảng 70-80% thị phần thuộc công ty nước ngoài, còn lại là các doanh nghiệp nội gồm Viettel, VNPT, FPT và một số khác. Mặc dù tỷ suất sinh lợi từ data center khá cao, từ 8-15%, thậm chí hơn 20%, tuy nhiên, lợi nhuận còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chi phí điện năng là một yếu tố quan trọng. Xét về quy mô, data center của Việt Nam mới chỉ bằng 1/15 của Singapore, 1/5 của Thái Lan và 1/2 của Malaysia.
Ở góc độ doanh nghiệp đầu tư trung tâm dữ liệu, đại diện FPT cho biết không thiếu công nghệ mới có thể giúp data center “xanh” hơn, quan trọng là doanh nghiệp không thể đầu tư vì vướng cơ chế.
Ông Hoàng Nam Tiến nêu ví dụ, hiện trên thế giới đã có những giải pháp có thể tiết kiệm năng lượng của các data center. Như cho phép nhúng toàn bộ server, cả hệ thống ổ cứng vào trong một loại chất lỏng, tiết kiệm năng lượng tới 80%.
Hay trên thế giới hiện đã có bộ lưu điện (UPS) chạy hoàn toàn bằng cơ. Nó không bằng ắc quy, không dùng hóa chất, ithium, niken, mà dùng những bánh đà rất lớn. Khi có dòng điện, nó sẽ chạy theo chiều kim đồng hồ, khi mất điện, nó chạy ngược trở lại để phát điện. Tức lúc điện thấp điểm nhất, rẻ nhất, nó sẽ dùng để chạy bánh đà tích trữ năng lượng, dùng cho những lúc mất điện.
“Thực sự đây là phát minh vừa đơn giản, vừa vĩ đại, cho phép tiết kiệm năng lượng một cách khủng khiếp”, ông Tiến thốt lên nhưng lại buồn bã cho biết những tiêu chuẩn kĩ thuật của Việt Nam chưa theo kịp thế giới. Điều này làm hạn chế ứng dụng công nghệ, ứng dụng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ sự bền vững.
“Chúng tôi rất mong muốn triển khai việc này ở Việt Nam, nhưng rất đáng tiếc, các luật pháp liên quan đến đấu thầu, sản phẩm này chưa có trong danh mục, dẫn đến không được chấp nhận. Nếu chúng tôi triển khai hệ thống đó, chúng tôi sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi của rất nhiều các dự án quan trọng nhất. Tức chúng ta cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, thì các hệ thống luật pháp đi kèm với những ứng dụng công nghệ mới nhất, là phải đi trước một bước. Lúc đó ứng dụng công nghệ hiện đại mới thành hiện thực”, ông Tiến nói.