Những ‘cục máu đông’ của chuyển đổi số
(DNTO) - Cục bộ dữ liệu, cục bộ đào tạo, cục bộ trong tư duy khiến tiến trình chuyển đổi số Việt Nam vẫn đang rất chậm.
Theo Cục chuyển đổi số quốc gia, tính đến tháng 6/2022, tỉ trọng kinh tế số trong GDP đạt 10,41%, vẫn còn cách khá xa mục tiêu 20% GDP vào năm 2025.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (Hội Truyền thông số Việt Nam) cho biết trong 2 năm 2021-2022, ông dành thời gian và kiên nhẫn đi tới 20 tỉnh, thành phố, làm việc với cả các cơ quan ban ngành từ trung ương tới địa phương, đào tạo chuyển đổi số đến cả các cấp xã.
Trong thời gian đi thực địa, ông Giang nhận thấy còn rất nhiều vấn đề trong chuyển đổi số ở Việt Nam. Đầu tiên là tiến trình chuyển đổi số quốc gia đang nghiêng về một số đơn vị nhất định. Tức ai phụ trách về chuyển đổi số thì người ấy hô hào và làm; còn những ai không liên quan hoặc phải làm thì sẽ làm cho có, kiểu đối phó.
“Hiện trạng này từ cơ quan trung ương đến các địa phương diễn ra đúng như thế”, ông Giang nhấn mạnh và cho biết sở dĩ tồn tại tình trạng này là do mọi người chưa nhìn thấy lợi ích của chuyển đổi số về hiệu quả công việc, mà đơn thuần chỉ coi đó là công việc phát sinh thêm. “Dẫn đến việc các tổ chức xác định chuyển đổi số như một công việc mới, giao nó cho ai, thế là xong”.
Theo vị Viện trưởng, hiện tư duy tiếp cận chuyển đổi số vẫn theo cách của sản phẩm, dịch vụ. Điều này tạo ra cuộc tranh luận đúng – sai diễn ra quá nhiều: Nên dùng phương pháp này hay sản phẩm này là đúng. Nhưng tiến trình chuyển đổi số chỉ mới bắt đầu, cần phải tìm một giải pháp hợp lý chứ không phải kết luận đúng sai.
“Mới đây, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông đã nói, về bản chất, chúng ta chưa có cơ sở lý luận cho việc thực hiện chuyển đổi số là làm gì. Từ những năm 2018, chúng tôi đã cố gắng làm việc này, đi sâu sát vào thực tiễn và đến 2023 theo đơn đặt hàng của Ban Tuyên giáo Trung ương, chúng tôi đã xây dựng được lý luận về chuyển đổi số một cách hoàn chỉnh, ứng dụng từ phương pháp, công thức, mô hình và kể cả công cụ. Rõ ràng phải bỏ qua mọi tranh luận đúng sai, tích hợp được những thực trạng và tồn tại vì mọi sự tồn tại đều có lý do của nó”.
Chúng ta đang khuyến khích nền tảng mở, dữ liệu mở. Nhưng hiện nay, dữ liệu cho chuyển đổi số hay những công cụ như AI (trí tuệ nhân tạo) có thể hoạt động được lại không mở, dữ liệu và các nền tảng vẫn cục bộ. “Tất cả mong ước của chúng ta về việc ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất, chuyển đổi số, về căn bản đang tắc nghẽn ở việc dữ liệu không mở”.
Một vấn đề mà ông Giang cho biết đã tham gia góp ý từ những dự thảo đầu tiên của Quyết định 749, là phải đào tạo về chuyển đổi số. Nhưng tại các địa phương hiện nay, tỷ lệ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin khá thấp, chưa đến 2% nhân lực trong các cơ quan nhà nước (theo Bộ Thông tin và Truyền thông). Việc đào tạo chuyển đổi số cũng đang cục bộ trong một số nhóm, công việc nhất định, dẫn đến thực tế đào tạo chuyển đổi số đang chạy theo chỉ tiêu, còn chất lượng đào tạo chưa đạt.
“Chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, chuyên gia đào tạo chuyển đổi số và chuyên gia chuyên trách thực thi đang là điểm trống, điểm thiếu, điểm yếu lớn nhất của Việt Nam. Muốn chuyển đổi số nhưng con người không có, dẫn đến tất cả đều là kiêm nhiệm, nói vui là ‘a ma tơ’ trong lĩnh vực này. Hầu hết đều là chuyển ngạch hoặc tự phong cho các chuyên gia, dẫn đến việc thực hiện chuyển đổi số tốc độ nhanh, khối lượng công việc lớn, yêu cầu cao với một đội ngũ cán bộ mang tính nửa chừng”, ông Giang nêu thực tế.
Viện trưởng Giang cho hay, hiện mọi người vẫn đang đi tìm mô hình chuyển đổi số từ nơi khác để áp dụng. Nhưng chuyển đổi số là một tiến trình, nên không có mẫu số chung cho tất cả các nơi. Nhưng do hiểu sai chuyển đổi số là một mô hình, dẫn đến các nơi đang “ngồi nhìn nhau, chờ nhau”, xem nơi khác làm như thế nào để học theo. Điều quan trọng nhất, các địa phương, tổ chức không hiểu đúng về chuyển đổi số, vừa làm vừa dò, dẫn đến càng làm càng sai, càng làm càng rối.
Để đập tan “cục máu đông” chuyển đổi số, theo ông Giang, đầu tiên phải biết rõ chuyển đổi số là gì. Hiện các khái niệm chuyển đổi số Việt Nam đều rất mơ hồ. Người Việt Nam có nhược điểm coi thường lý thuyết, lý luận, không chịu làm rõ ngôn từ đến nơi đến chống, thích kiểu “fast food” (đồ ăn nhanh). Vì vậy trong tất cả các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ đầu tiên vẫn là chuyển đổi nhận thức.
“Chúng ta phải làm thực sự chuyển đổi nhận thức đó, cho biết rõ chuyển đổi số là chuyển đổi cái gì. Khi biết rõ mới có thể nắm chắc, hiểu sâu và biết được ta muốn gì, làm gì và làm như thế nào", ông Giang nói.