‘Tân binh’ VieON tiết lộ cách dùng dữ liệu để đấu với Netflix, Apple TV
(DNTO) - Chỉ mới ra mắt gần 3 năm, nhưng hãng truyền hình trả tiền nội địa đã khẳng định có đủ khả năng để cạnh tranh với các hãng ngoại.
Thị trường truyền hình trả tiền qua internet (OTT) Việt Nam hiện có tới 22 doanh nghiệp hoạt động và dự kiến quy mô sẽ đạt 54 tỷ USD vào năm 2026. Các hãng OTT cung cấp các loại phim điện ảnh, hoạt hình, tài liệu, phim truyền hình, các chương trình chương trình truyền hình thực tế, trò chơi truyền hình…
Năm 2022, thị trường OTT Việt Nam thu về 1.550 tỷ đồng, nhưng 80% doanh thu rơi vào tay của các hãng ngoại như Netflix, Apple TV (Mỹ), IQIYI (Trung Quốc), iFlix (Malaysia) … Với Netflix, chỉ cần một nửa trong số 1,5 triệu người Việt đang dùng trả phí mức thấp nhất là 108.000 đồng/tháng, doanh thu đã đạt gần 1.100 tỷ đồng/ năm. “Miếng bánh” còn lại chia cho các doanh nghiệp nội còn lại như VieON (DatVietVAC) MyTV (VNPT), Next TV (Viettel), FPT Play (FPT)… rất nhỏ.
3 năm trở lại đây, VieON – đơn vị phát hành đứng sau nhiều chương trình ăn khách như Rap Việt, Người ấy là ai, Running Man Vietnam, Cây táo nở hoa… đã có màn khởi động ấn tượng trong thị trường OTT. Theo báo cáo mới nhất của Samsung, VieON là Top 1 ứng dụng phổ biến nhất tại Việt Nam, Top 4 ở toàn cầu. VieON hiện có khoảng 43 triệu thiết bị đăng kí sử dụng, hơn 1,6 triệu thuê bao hàng tháng để xem truyền hình và nội dung.
Tuy nhiên, hành trình 3 năm cạnh tranh với các đại gia ngoại không hề dễ dàng. Và VieON đã chọn con đường sử dụng triệt để công nghệ và dữ liệu trong hoạt động, để đưa ra những nội dung hấp dẫn cho người dùng.
Ông Huỳnh Long Thủy, CEO Công ty Cổ phần VieON cho biết, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, khó khăn của công ty là làm sao vẫn phải sản xuất các chương trình để phục vụ người xem. VieON lúc này phải đưa cả đội ngũ Runing Man Vietnam sang Hàn Quốc để quay, vì Việt Nam thời điểm đó không thể ghi hình. Các nhân viên sản xuất cũng phải sử dụng công nghệ để quay hình tại nhà, quay online và sau đó cắt ghép.
Tuy nhiên, điều đặc biệt của VieON, theo ông Thủy, là trong điều hành và quản trị, doanh nghiệp đã tích cực chuyển đổi số để đưa ra quyết định tốt hơn. Hiện nay, toàn bộ các vấn đề điều hành của doanh nghiệp đều dựa vào dữ liệu và ra quyết định bằng dữ liệu. Dữ liệu được thu thập từ tất cả các nguồn, từ ứng dụng, các điểm chạm trên hành trình người dùng… đều được đưa về hệ thống xử lý. Dữ liệu sau đó sẽ được tổng hợp thành các biểu đồ, báo cáo gửi xuống từng các phòng ban.
“Các nhân viên nhìn được tình trạng lượng người dùng đăng kí, rời bỏ dịch vụ. Mỗi buổi sáng, các anh em điều hành chỉ cần nhìn vào đó là biết được bộ phận nào chưa làm tốt, các nội dung nào đang hot…”, ông Thủy nêu ví dụ.
Dữ liệu cũng giúp VieON tiên đoán về việc người dùng rời mạng hoặc trở thành khách hàng trung thành. Sau khi hiểu được chân dung, hành trình người dùng, doanh nghiệp có thể kích hoạt các hoạt động khác.
“Ví dụ sau 6 tháng khi người dùng mua gói dịch vụ, chúng tôi biết được người đó vào VieON qua chương trình nào. Từ đó chúng tôi tìm những người có hành động giống họ trên mạng, thì những người như vậy sẽ trung thành hơn”, đại diện VieON nói.
Hiện có rất nhiều bức tranh và góc nhìn về chuyển đổi số. Một số người cho rằng cứ lên số hóa là chuyển đổi số. Nhưng theo quan điểm của VieON, việc quản trị, vận hành, điều hành, tất cả mọi thứ dựa vào số liệu, thì đó mới là chuyển đổi số. Dữ liệu chỉ có giá trị khi người dùng biết cách đọc, hiểu và sử dụng. Bởi trong quá trình chuyển đổi số sẽ có khối lượng dữ liệu rất lớn (big data), nhưng các data có giá trị (value data) mới là dữ liệu đúng nghĩa.
“Nếu cách đây 10 năm về trước, chúng ta chỉ xây một ứng dụng đưa lên mạng giống như Nhaccuatui là sẽ thành công. Nhưng 10 năm trở lại đây, nếu chúng ta không có nền tảng chuyển đổi số, thu thập dữ liệu và dùng dữ liệu để quản trị điều hành thì chắc chắn những ứng dụng đó không thành công”, đại diện VieON cho hay.
Tuy nhiên, ông Thủy cho biết, khi áp dụng data vào quản trị, vận hành, doanh nghiệp sẽ đối diện với một số vấn đề. Đó là việc con người có phù hợp với mô hình vận hành đó không? Vì việc áp dụng data có nhiều cấp độ khác nhau. Cấp độ 1 là phân loại data, nhưng cấp độ cuối cùng là kể chuyện data, tức ứng với mỗi phòng ban, họ phải hiểu dữ liệu đó là gì.
“Thay vì trước đó họ phải tốn rất nhiều thời gian tìm kiếm vấn đề tại sao người dùng không sử dụng dịch vụ nữa, thì hiện nay có một phân tích rất hay, chỉ ra 5 điểm. Mỗi buổi sáng, các nhân viên nhìn thấy 5 vấn đề cần phải thay đổi, giúp họ tăng hiệu suất công việc. Điều này sẽ giúp thay đổi cơ cấu tổ chức doanh nghiệp, giảm chi phí và có không gian mở rộng lĩnh vực mới”, ông Thủy nhấn mạnh.