'Mỏ vàng' cho doanh nghiệp công nghệ khi gần 1/2 dân số thế giới chưa kết nối internet
(DNTO) - Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có cơ hội nối gót “anh cả” Viettel, FPT tiến ra thị trường thế giới, thu về hàng tỷ USD khi nhu cầu của thị trường còn rất lớn.
Theo thống kê của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), thế giới vẫn còn khoảng 49% dân số (tức gần 4 tỷ người) chưa được kết nối internet và tiếp cận với các dịch vụ công nghệ số.
“Đây chính là thời cơ cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mở rộng thị trường, mang sản phẩm dịch vụ số Make in Vietnam ra nước ngoài, giải bài toán về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của các nước, trở thành những tập đoàn, doanh nghiệp số toàn cầu”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Phan Tâm, nói trong hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới”, sáng 23/2.
Cũng theo ông Tâm, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, vì vậy trong năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền Thông sẽ đặt trọng tâm kết nối các nguồn lực để giúp doanh nghiệp Việt “mang chuông đi đánh xứ người”.
Theo đánh giá của Cục Công nghiệp công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), thị trường công nghệ thế giới có rất nhiều cơ hội nhưng quy mô thị trường của Việt Nam quá nhỏ hẹp. Cụ thể, thị trường phần mềm dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam hiện chỉ khoảng 2 tỷ USD, chiếm 0,1% so trong “miếng bánh” là 1.803 tỷ USD của thế giới.
“Do đó, nếu phục vụ thị trường nước ngoài thì đích đến sẽ là không có giới hạn.Vì doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không chỉ có thế mạnh về nguồn nhân lực năng động và sáng tạo mà còn có khả năng cạnh tranh về giá cả so với thị trường toàn cầu”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin, chia sẻ.
Thực tế những năm qua, nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã mạnh dạn vươn ra thế giới và bước đầu thu về nhiều trái ngọt. Năm 2022, doanh thu đầu tư ra nước ngoài của Viettel lần đầu tiên chạm mốc 3 tỷ USD. FPT cũng đã có mặt tại nhiều thị trường phát triển như Mỹ, Nhật, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho các thị trường này và thu về doanh số 1 tỷ USD.
Nhận định nhiệm vụ “mở cõi” của doanh nghiệp công nghệ thông tin là con đường đầy khó khăn, nhưng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết đây là sứ mệnh để giúp doanh nghiệp Việt “hóa rồng, hóa hổ”, giúp Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
“Cơ hội lớn nhất khi thế giới có những thay đổi lớn, cuộc cách mạng công nghiệp mới đang diễn ra với nhiều công nghệ mới. Cơ hội để một quốc gia thay đổi thứ hạng chính là lúc này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Với quan điểm “Nhà nước mở đường, người đi trước kéo người đi sau”, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết mỗi tháng sẽ tổ chức ít nhất một sự kiện xúc tiến đầu tư cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ở nước ngoài; tham mưu chính phủ ký kết các Hiệp định về đối tác số với các quốc gia.
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông ra mắt “Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài” với 16 thành viên. Đây là cầu nối để phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển.