Công nghệ thông tin Việt Nam đang thoát dần cảnh làm gia công
(DNTO) - Theo chuyên gia, chi phí thuê nhân lực công nghệ thông tin ở Việt Nam đang rẻ hơn 30-50% so với quốc gia Đông Âu và Mỹ La tinh, nhưng chất lượng không thua kém nhiều. Đây là điểm thuận lợi để Việt Nam đón sóng công nghệ của thế giới.
20 năm để trưởng thành
Năm 2000, đóng góp của công nghiệp công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông (ngành ICT) chỉ khoảng 0,5% GDP, với doanh thu 300 triệu USD và số lao động chỉ chiếm khoảng 0,11% tổng số lao động của Việt Nam.
Thế nhưng, sau 20 năm, từ một ngành công nghiệp nhỏ bé, thua xa các ngành khác như nông nghiệp, dầu khí, thương mại, xây dựng, công nghệ ICT đã trở thành ngành kinh tế (cấp 2) lớn nhất Việt Nam với doanh thu đạt 120 tỉ USD, gấp 400 lần.
Số lượng lao động dù chỉ ở mức 1,03 triệu người, chiếm 1,88% tổng số lao động của cả nước, nhưng đã đóng góp 14,3% vào GDP. Xuất khẩu của ngành đạt 89,2 tỷ USD, chiếm 33,7% xuất khẩu của cả nước và giá trị xuất khẩu mỗi lao động tạo ra trong 1 năm cao gấp 18 lần mức bình quân. Sự phát triển vượt bậc của ngành ICT đã khiến cho thế giới phải thay đổi cái nhìn về Việt Nam.
“Cách đây hơn 20 năm, đã có những công ty đấu tiên đặt nền móng cho IT Outsourcing (dịch vụ IT thuê ngoài) ở Việt Nam như TMA Solutions, FFT Việt Nam. Thời điểm đó, lúc đó đơn thuần Việt Nam như xưởng may, các công ty ở nước ngoài đến Việt Nam vì có lượng công nhân đông, giá rẻ. Từ 3-4 năm trở lại đây, những công ty lớn trên thế giới đã xem Việt Nam như nơi có trình độ công nghệ khá cao và họ bắt đầu đưa những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao cho Việt Nam thiết kế”, ông Nguyễn Hữu Quang, Đồng sáng lập Công ty Công nghệ phần mềm EXE Corp, Chủ tịch GITS, cho biết.
Cũng theo ông Quang, sau đại dịch, nhu cầu IT Outsourcing tăng rất cao vì 2 lý do. Thứ nhất, công nghệ là yếu tố sống còn cho các công ty tồn tại, kể cả các công ty từ trước không có nhu cầu công nghệ cũng bắt đầu nghĩ đến việc này.
Thứ hai là việc làm việc từ xa phổ biến, khoảng cách địa lý không còn tồn tại và công nghệ là thứ có thể xóa nhòa ranh giới khoảng cách. Trước làn sóng đó, Việt Nam là quốc gia được đánh giá Kearney Global Services Location Index đánh giá là một trong 5 điểm đến hấp dẫn trên thế giới về IT Outsourcing, đặc biệt là với những nước như Nhật Bản.
“Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia có lượng kỹ sư IT ra trường lớn nhất thế giới. Trong đó Topdev, năm nay, Việt Nam có trên 57.000 kỹ sư ra trường. Chi phí vận hành Việt Nam hiện tại đang rẻ hơn 30-50% so với quốc gia Đông Âu và Mỹ La tinh. Đây là con số ấn tượng vì chất lượng không thua kém nhiều nhưng chi phí rẻ hơn”, ông Quang thông tin.
Chuyển dịch từ làm thuê sang làm chủ
Theo ông Nguyễn Hữu Quang, từ việc chỉ cho thuê nhân sự, Việt Nam đang có bước tiến như Trung Quốc là tiến tới làm chủ công nghệ. Trong đó, nhiều công ty đã bước đầu làm sản phẩm và thành công. Họ dùng những kinh nghiệm trong IT Outsourcing như thị trường, nhân sự, chức năng để bước đầu đưa sang sản phẩm của họ. Ví dụ như KMS, hiện tại họ đã có công cụ là QA và đã được định giá trăm triệu USD.
“Hình thức gia công theo kiểu cũ, đơn thuần là cho thuê về nguồn nhân lực đã lỗi thời rồi. Các công ty IT Outsourcing thời gian tới sẽ chuyển dịch mạnh sang dịch vụ, tư vấn giải pháp và thậm chí có sẵn sản phẩm”, ông Quang nhận định.
Dù nhiều tiềm năng phát triển nhưng doanh nghiệp trong ngành ICT cũng xác định con đường đi dài hơi. Bởi theo ông Vũ Thành Công, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật, Công ty Cổ phần Công nghệ Nessar Việt Nam, con người là khoản đầu tư lớn nhất và quan trọng nhất của các công ty trong ngành, dẫu vậy, để tìm được nhân sự phù hợp không dễ.
Theo mặt bằng chung, về thu nhập, các chuyên gia đó rất cao so với thị trường để sở hữu kĩ năng mà doanh nghiệp mong muốn. Bên cạnh đó là đầu tư về quy trình, công nghệ hay ngay cả marketing. Do đó, ngay từ ban đầu, chưa thể có nguồn thu tương ứng với chi phí.
“Chúng tôi phải xác định đi lùi lại. Một thực tế tại thị trường Việt Nam, khi bắt đầu một dự án, từ giai đoạn giới thiệu sản phẩm cho khách hàng, sao đó phải vẽ sơ đồ kế hoạch cho khách hàng, phải mất từ 2-3 năm dự án đó mới được hiện thực hóa. Toàn bộ những thời gian đó là thời gian chúng tôi phải duy trì đội ngũ, những chi phí cho nhân sự và chi phí liên quan rất lớn. Do đó giai đoạn ban đầu chưa thể có nguồn thu bù đắp cho chi phí, nhưng về lâu dài, sẽ đồng hành cùng ngân hàng, đối tác, theo mục tiêu đi đường dài. Tại vì để bảo vệ cho hệ thống khách hàng phải hiểu về hệ thống của họ, nhu cầu, mong muốn, sau đó mới đến thiết kế sản phẩm phù hợp”, ông Công cho biết.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu ngành công nghiệp ICT lên tới hơn 72 tỷ USD, nhưng các doanh nghiệp nội mới chỉ chiếm hơn 26%, tương đương với hơn 19 tỷ USD, phần còn lại vẫn là đến từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Vì vậy, về lâu dài, để đáp ứng mục tiêu về phát triển kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025, cần gia tăng hơn nữa giá trị “Make in Viet Nam” trong các sản phẩm của ngành công nghiệp ICT, để tiến tới tự chủ, bởi nếu quá phụ thuộc vào các doanh nghiệp ngoại, ngành phát triển sẽ thiếu tính bền vững. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển, Nhà nước cũng cần có chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực và thể hiện vai trò cầu nối để đưa sản phẩm công nghệ Make in Việt Nam ra toàn cầu.