Tập trung làm sạch dữ liệu để hạn chế các giao dịch tài khoản ngân hàng bất hợp pháp
(DNTO) - Hàng loạt quy định về cho vay trực tuyến đã được luật hóa kể từ ngày 1/9/2023. Tuy nhiên, để "khai tử" các giao dịch bất hợp pháp, bắt buộc ngân hàng phải tập trung làm sạch, số hóa những dữ liệu đã có, dùng công nghệ để tạo ra dữ liệu sạch trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Thông tin tại Hội thảo với chủ đề “Tạo lập, khai thác và kết nối dữ liệu: Định hình tương lai ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số”, ngày 6/10, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết, hiện nay, huy động vốn đã hoàn toàn số hóa. Từ ngày 1/9, NHNN đã có thông tư cho phép cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng với hạn mức tối đa 100 triệu đồng bằng phương tiện điện tử; còn với hoạt động thanh toán, hiện các ngân hàng đã xác thực mở tài khoản bằng eKYC.
“Nhờ những chính sách này, đến nay tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản đã lên tới gần 75%. Đây là con số rất ấn tượng. Nếu không có tài khoản ngân hàng thì không làm được gì, nhưng bắt người dân trực tiếp ra điểm giao dịch để mở tài khoản thì nhiều người sẽ không đến”, ông Dũng chia sẻ.
Đặc biệt, ông Dũng nhấn mạnh, trong quá trình chuyển đổi số cũng như áp dụng các mô hình mới dựa trên công nghệ hiện đại, ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó, đau đầu nhất là việc duy trì sự cân bằng giữa khai thác và bảo vệ dữ liệu. Hiện nay, các ngân hàng lớn đã chuyển mình, đã có những kho, những trung tâm về dữ liệu. Cả 3 hoạt động chính của ngân hàng là huy động vốn, cho vay, thanh toán đều được số hóa mạnh mẽ.
Riêng với cho vay, dù đã có thông tư cho phép cho vay trên môi trường điện tử với hạn mức là 100 triệu đồng. Tuy nhiên, để cho vay trên môi trường điện tử, ngân hàng phải trả lời được câu hỏi: Anh là ai? uy tín của anh thế nào? liệu có trả nợ được không?
“Để trả lời cho câu hỏi này, chỉ có thể là dữ liệu số, các ngân hàng cần sử dụng dữ liệu căn cước công dân như là một trong những nguồn dữ liệu đầu vào để quyết định việc cho vay của mình”, ông Dũng nhận định.
Chỉ rõ, hiện nay, nhiều ngân hàng đã có số lượng giao dịch trên kênh số đạt trên 90%, cá biệt có những ngân hàng lên tới 97 - 98%, do đó, ông Dũng cho rằng việc quản trị ngân hàng cũng phải thay đổi hoàn toàn, phải sử dụng dữ liệu quản trị, ứng xử. Đơn cử như, ngân hàng không thể sử dụng những phương pháp phòng chống rửa tiền bằng cách "lật từng chứng từ" được.
"Ví dụ, người thực hiện giao dịch chuyển tiền phải đúng là chủ tài khoản hoặc là người được chủ tài khoản ủy quyền. Có như vậy, ngành ngân hàng có nguồn dữ liệu đúng, không thể để tình trạng lợi dụng tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp", ông Dũng dẫn chứng.
Để ngăn chặn tình trạng lợi dụng tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp. Phó Thống đốc cũng đề nghị Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia CIC cung cấp thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ để giúp các ngân hàng đánh giá được khả năng trả nợ của khách hàng.
Về hạ tầng, NHNN cũng đã cung cấp hai hạ tầng cơ bản là thanh toán, CIC... Bên cạnh phát triển dịch vụ, các ngân hàng cũng phải đảm bảo sự hoạt động liền mạch, liên tục của hệ thống và đảm bảo an ninh, an toàn. Toàn ngành ngân hàng đang tích cực triển khai Đề án 06 để ngày càng cung cấp tốt hơn dịch vụ cho khách hàng, đảm bảo dữ liệu "đúng đủ sạch".
Sắp 'cởi trói' toàn diện về cho vay online
Mặc dù Thông tư 06 có hiệu lực từ 1/9 đã đặt viên gạch lát đường hợp thức hóa cho vay điện tử, song theo các chuyên gia cho rằng, hành lang pháp lý vẫn cần hoàn thiện hơn nữa.
Nêu bất cập khi triển khai cho vay online, ông Ngô Minh Sang, Giám đốc khối khách hàng cá nhân Viet Capital Bank cho rằng, tốc độ triển khai cho vay online đối với khách hàng doanh nghiệp chậm hơn khách hàng cá nhân. Năm ngoái, 94% khách hàng của Viet Capital Bank tiếp cận với dịch vụ cơ bản như: mở tài khoản, mở tiết kiệm online, thẻ ghi nợ… trên online. Tuy nhiên, với dịch vụ vay vốn vẫn còn vướng một số quy định của NHNN. Vì vậy, Viet Capital Bank sẽ chia thành một số công đoạn.
Đơn cử, có thể áp dụng vay online với các gói vay nhỏ lẻ, tuy nhiên, đối với nhóm khách hàng "có máu mặt", việc vay vốn phải thực hiện theo hình thức bán tự động do quy trình vay vốn phức tạp hơn. “Theo quy định hiện nay, khách hàng vay vốn vẫn phải đến ngân hàng để thẩm định, đánh giá, đối chiếu con người. Do đó, cho vay khách hàng doanh nghiệp qua kênh online mới chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận hồ sơ”, ông Sang cho hay.
Về vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, cho biết: Nghị định sửa đổi Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, cùng với đó là Nghị định về sandbox đã được NHNN trình Chính khoảng 2 năm nay. Ngày 8/8 vừa qua, Thường trực Chính phủ đã họp để xem xét, về cơ bản thống nhất với đề xuất trong Dự thảo Nghị định sửa đổi và đã có thông báo yêu cầu NHNN hoàn thiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
"Nếu 2 nghị định trên được Chính phủ ký ban hành, ngay lập tức NHNN sẽ ban hành 7 thông tư hướng dẫn liên quan. Trong thời gian tới, sau khi Nghị định được ký, thì Thông tư cũng sẽ được đăng báo để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội và các bộ, ban, ngành liên quan. Trên cơ sở đó, NHNN sẽ chính thức ban hành các thông tư liên quan, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024", ông Tuấn cho hay.
Như vậy, cùng với Thông tư 06, việc Nghị định sửa đổi Nghị định 101 và Nghị định về sandbox ra đời, có hiệu lực từ năm 2024, sẽ khiến thị trường cho vay tiêu dùng, cho vay online khởi sắc. Thống kê của NHNN cho thấy, trong tổng số lượng giao dịch 6 tháng đầu năm 2023, các giá trị giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên chỉ chiếm khoảng 10%, còn từ 20 triệu đồng trở lên chỉ trên dưới 5%, như vậy mức độ ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng là rất ít. Mặc dù vậy, cho vay online là xu hướng và sẽ phát triển như vũ bão thời gian tới. Việc cởi trói về mặt pháp lý sẽ khiến thị trường cho vay online ngày càng cạnh tranh với sự tham gia của nhiều chủ thể: ngân hàng, trung gian thanh toán, fintech, công ty tài chính...