Tín dụng tăng trưởng âm, nguy cơ 'bốc hơi' tài sản, ngân hàng 'tung chiêu' co kéo lợi nhuận
(DNTO) - Để không hao hụt tín dụng, hàng loạt ngân hàng tung chiến lược cho khách hàng cá nhân vay vốn với lãi suất thấp để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác, cuộc cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà băng khiến người vay hồ hởi được hưởng lợi nhưng cần lưu ý hàng loạt khoản chi phí phát sinh.
Các "ông lớn" tranh nhau cho khách vay trả nợ ngân hàng khác
Mới đây Ngân hàng Nhà nước đã công bố số liệu, tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng tại thời điểm 31/7/2023 ở mức hơn 18.442.412 tỷ đồng, "bốc hơi" 327.488 tỷ đồng so với cuối tháng 6, tương đương giảm 1,7%.
Sự sụt giảm chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước giảm hơn 157.000 tỷ so với cuối quý 2, xuống còn 7,501 triệu tỷ đồng (tương đương giảm 2,1%), nhóm ngân hàng thương mại cổ phần giảm gần 127.200 tỷ đồng xuống còn gần 8,382 triệu tỷ đồng (tương đương giảm 1,5%); nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài cũng sụt giảm gần 45.200 tỷ đồng, xuống còn 1,72 triệu tỷ đồng; tổng tài sản của các công ty tài chính giảm 6.000 tỷ đồng, còn 287.500 tỷ đồng.
Việc tổng tài sản của ngành ngân hàng sụt giảm mạnh trong tháng 7 là do quy mô tín dụng toàn ngành (cấu phần lớn nhất của tổng tài sản) tăng trưởng âm so với tháng trước. Cụ thể, tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 7 đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022, giảm nhẹ so với mức 4,7% được công bố vào cuối tháng 6. Tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm nay đạt khoảng 9,54%, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm nay lên tới 14-15%.
Theo đó, để không hao hụt lợi nhuận, gần đây, đã có một số "ông lớn" ngân hàng công bố triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn với lãi suất thấp để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác.
Cụ thể, trước đây, nếu muốn đảo khoản nợ giữa các ngân hàng, khách hàng phải sử dụng một tài sản khác để thế chấp vay từ ngân hàng này, trước khi trả nợ và rút tài sản đảm bảo ở khoản vay cũ. Thì giờ đây, các ngân hàng sẽ xem xét và quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác. Đặc biệt, quy định này không chỉ giới hạn cho khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh mà còn cho cả khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống, trong đó có cả vay mua nhà, mua xe, từ đó người vay sẽ được lợi.
Điển hình như ngày 1/9, Vietcombank thông báo triển khai chính sách cho vay để trả nợ trước hạn tại ngân hàng khác đối với các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống của khách hàng cá nhân. Để lôi kéo khách hàng, hiện ngân hàng này áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu, 8,0%/năm trong 24 tháng đầu, sau đó sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế.
Không chịu thua kém, ngay sau đó, BIDV cũng chính thức triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất thậm chí còn ưu đãi hơn khi áp mức chỉ từ 6%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 6,8%/năm đối với khoản vay trung dài hạn.
Thời gian ân hạn gốc lên đến 24 tháng và không vượt quá thời gian ân hạn trả nợ gốc còn lại của khoản vay, thời hạn vay đến 30 năm và không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác giúp giảm áp lực trả nợ…
Sau khi hai “ông lớn” ngân hàng cho ra chính sách mới, các ngân hàng khác cũng rục rịch triển khai nhằm lôi kéo khách hàng với các lãi suất ưu đãi. Nhiều ý kiến cho rằng, thông tư mới này sẽ góp phần giúp các ngân hàng tạo ra mặt bằng lãi suất mới, hấp dẫn hơn cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Nhất là trong thời điểm hiện nay, tình hình kinh tế khó khăn khiến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân thắt chặt chi tiêu, giảm vay, giảm mở rộng sản xuất kinh doanh dù lãi suất thời gian qua liên tục điều chỉnh giảm.
Kích cầu vay, người dân có được lợi về lãi suất?
Với quy định mới, khách hàng tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, có thêm cơ hội chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các ngân hàng khác . Ý nghĩa của sự nới lỏng này là cho phép lựa chọn ngân hàng có lãi vay tốt hơn còn thời hạn trả khoản vay vẫn không đổi. Những quy định mới hiện có thể chưa đáp ứng kỳ vọng của số đông, nhưng ít nhất khách hàng cá nhân đã có thêm lựa chọn để tự quyết định.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định: Với việc mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại tổ chức tín dụng khác áp dụng đối với cả khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh và nhu cầu đời sống, không chỉ giúp ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng cuối năm mà còn tạo nên làn sóng cạnh tranh lãi suất theo chiều giảm để giữ chân khách hàng, đồng thời tạo thuận lợi cho khách hàng “đảo nợ”, tránh nguy cơ rơi vào nợ xấu.
"Thị trường tài chính tiêu dùng lãi suất sẽ dễ chịu hơn. Các ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay khoảng 0,2-2,5% trong 6 tháng cuối năm 2023, tùy đối tượng khách hàng và lĩnh vực. Với tác động của độ trễ chính sách và cam kết giảm lãi suất, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới”, ông Hiếu nhận định.
Vệc áp dụng chính sách mới của các ngân hàng không chỉ giữ chân được khách hàng cũ mà kiếm thêm được khách hàng mới. Dưới góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ, người đi vay sẽ được lợi hơn khi thị trường lãi suất cạnh tranh bởi các quy định của Thông tư 06 có hiệu lực, hay nói cách khác muốn giữ được khách, ngân hàng phải có lãi suất phù hợp với cung cầu thị trường tại từng thời điểm.
Cũng theo ông Hưng, các khoản vay ưu đãi thường lãi suất thấp trong một khoảng thời gian nhất định và thả nổi vào thời kỳ sau. Trong thời kỳ ưu đãi lãi suất cho khách hàng, ông Hưng cho biết các ngân hàng phải "gánh" lỗ. Do đó, trong hợp đồng tín dụng luôn luôn có điều khoản về phí trả nợ trước hạn để bù đắp cho khoản lỗ đó trong trường hợp khách hàng không giữ cam kết và "phá" hợp đồng trước thời hạn.
"Lúc đó khách hàng phải cân nhắc rằng, phí trả nợ trước hạn đó cộng với ưu đãi mình nhận trong tương lai khi vay mới tại ngân hàng khác để trả nợ trước hạn có đủ lớn, đủ tốt hoặc lợi hơn so với việc duy trì hợp đồng hiện tại hay không. Ngoài ra còn có những vấn đề khác phát sinh chẳng hạn như phải đi công chứng giải chấp, thế chấp lại, đăng ký giao dịch đảm bảo,… có khi mất thời gian và liệu những công sức và khoản tiền bỏ thêm có bù được khi lãi suất giảm xuống", ông Hưng lưu ý.