'Doanh nghiệp SME mong được vay tín chấp đến 35%, phần còn lại là tài sản bảo đảm'
(DNTO) - Hiện, tỷ lệ vay tín chấp của doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chỉ chiếm 15-20%, các doanh nghiệp mong được vay tín chấp đến 35%, phần còn lại là tài sản bảo đảm. Đồng thời, doanh nghiệp muốn ngân hàng giảm khoảng 50% điều kiện cho vay, chỉ giữ lại những điều kiện cho vay cơ bản.
Theo các chuyên gia, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là các doanh nghiệp thiếu đơn hàng để sản xuất, trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến hiệu quả hoạt động suy giảm. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì thua lỗ, dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm.
Cụ thể, kết quả khảo sát 10.000 doanh nghiệp gần đây do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho thấy, hơn 59% cho rằng khó khăn lớn nhất là đơn hàng, trên 51% gặp vướng mắc liên quan tiếp cận vốn, còn lại là thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó kinh tế khó khăn, nguồn lực của doanh nghiệp bị cạn kiệt dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng mặc dù, hiện nay lãi suất cho vay đã giảm đáng kể so với trước, phổ biến ở mức 7,5 - 8%/năm với các khoản vay trung hạn và 8 - 10%/năm với các khoản vay ngắn hạn. Song, một số doanh nghiệp muốn vay nhưng không đáp ứng được các điều kiện vay như phương án kinh doanh phải khả thi và tài sản thế chấp. Phần lớn các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn là những doanh nghiệp mới thành lập, có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế và hiện chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại, nợ đến hạn.
Trong khi đó, bản thân ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay mà vẫn phải theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hệ thống.
Mới đây, tại chương trình kết nối “Các giải pháp vốn - Tín dụng”, đại diện các ngân hàng cho biết, dù rất muốn nhưng nhiều khi ngân hàng "lực bất tòng tâm" trong giải ngân vì không đủ dữ kiện để đánh giá tình trạng tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây cũng là nút thắt lớn nhất khi cho vay nhóm khách hàng này. Trong khi đó, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp; đảm bảo thu hồi vốn và duy trì an toàn hệ thống, hạn chế tối đa nợ xấu là ưu tiên của ngân hàng.
Ông Đinh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Khối khách hàng doanh nghiệp của SHB, nêu rõ, sở dĩ doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận tín dụng là vì họ còn thiếu năng lực kinh nghiệm.
“Các doanh nghiệp này thường duy trì 2 hệ thống báo cáo tài chính, sổ sách kế toán. Ngân hàng khi thẩm định năng lực, tính khả thi của phương án sẽ thấy báo cáo tài chính như vậy có độ tin cậy thấp, không đánh giá được năng lực kinh doanh của khách hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động đơn lẻ, xây dựng phương án kinh doanh chưa có cơ sở chứng minh tính khả thi của phương án nên gửi hồ sơ khó đánh giá để cho vay, đặc biệt doanh nghiệp thiếu tài sản đảm bảo”, ông Dũng cho hay.
Trong bối cảnh khó tiếp cận vốn, để "lách" tín dụng cho doanh nghiệp "thấp cổ bé họng", Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HANOISME Mạc Quốc Anh cho rằng, các ngân hàng có thể cân nhắc các giải pháp linh hoạt như cho phép thế chấp khoản phải thu, quyền đòi nợ hình thành trong tương lai từ hợp đồng thương mại, thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay… để hỗ trợ doanh nghiệp.
"Các doanh nghiệp mong muốn cắt giảm điều kiện vay vốn và tăng tối đa tỷ lệ vay tín chấp. Hiện tỷ lệ vay tín chấp chỉ chiếm 15-20%, doanh nghiệp mong muốn được vay tín chấp đến 35%, phần còn lại là tài sản bảo đảm", Phó Chủ tịch SME đề xuất.
Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngân hàng nghiên cứu nới các điều kiện vay, hạ thêm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời hơn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thủ tướng cho rằng, ngoài những biện pháp Chính phủ, bộ ngành đã triển khai vừa qua như giảm thuế, giãn hoãn nợ, phí, NHNN cần điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng hơn qua tăng cung tiền, tăng tín dụng, giảm lãi suất và nới điều kiện cho vay để vốn vào sản xuất kinh doanh.
"Ngân hàng cần lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn, có trách nhiệm và cùng với doanh nghiệp gỡ khó khăn. Tiếp tục rà soát và sửa đổi quy trình thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt khoản vay, đồng thời tích cực nghiên cứu thị trường và thực hiện “may đo” sản phẩm phù hợp từng nhóm khách hàng để khách hàng tiếp cận vốn dễ hơn", Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu các địa phương vào cuộc cùng ngân hàng, doanh nghiệp tháo gỡ từng lĩnh vực, dự án.