Lãi suất tín dụng có gói dưới 9%, bất động sản kỳ vọng dòng tiền đầu tư 'chảy' trở lại
(DNTO) - Việc khó khăn trong giảm lãi suất cho vay được xem là "đòn giáng chí mạng" khiến thanh khoản thị trường bất động sản nằm đáy hơn 10 tháng qua. Gần đây, việc thị trường xuất hiện một số gói vay lãi suất dưới 9%, đã nhóm lên hy vọng sẽ tạo thanh khoản và động lực cho việc mua bán.
Lãi vay tín dụng đang "dễ thở" hơn
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5-2%/năm. Cùng với các gói kích cầu phân khúc nhà ở cho người có thu nhập thấp, chính sách tín dụng cũng đang từng bước mở ra đối với hoạt động cho vay bất động sản khi giảm hệ số rủi ro với các khoản khó đòi từ 250% xuống 150% và tăng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 30% lên 60%.
Ghi nhận lãi suất bình quân trên thị trường hiện nay đã được kéo giảm khá mạnh so với đầu năm 2023 - thời điểm lãi suất cho vay mua nhà của hầu hết các ngân hàng đều trên 10%, còn tính đến tháng 8 hiện nay, trên thị trường có những gói lãi suất trên dưới 9% cố định trong 12 tháng, thậm chí là hơn 9% một chút nhưng cố định trong 24 tháng.
Cụ thể, hiện Woori Bank áp dụng mức lãi suất 7,8%/năm; Shinhan Bank: 7,99%/năm trong 6 tháng đầu và 10,5%/năm cho 54 tháng còn lại. HDbank (8,2%/năm); VIB (8,5%/năm); Eximbank (8,5/năm); SeABank (9,29%/năm); UOB (9,49%/năm); Sacombank (9,5%/năm)...
Các chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản sắp "có sóng" trở lại nhờ vào lãi vay tín dụng đang hạ nhiệt. Bởi lẽ, thị trường bất động sản có tính đàn hồi kém khi suy thoái kinh tế vì giá trị lớn. Hiện tại, nhu cầu đầu cơ giảm mạnh nhưng nền kinh tế cần có tín hiệu phục hồi mạnh mẽ hơn để dòng vốn được lưu thông tốt hơn trong nền kinh tế.
Thêm vào đó, ngày 15/8, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm, đây cũng nằm trong chính sách vĩ mô "bơm máu cho nền kinh tế" của Chính phủ với mục đích giúp kinh tế Việt Nam sớm hồi phục.
"Lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6%/năm vào cuối năm 2023. Việc giảm lãi suất cho vay có thể xuất hiện rõ rệt trong nửa cuối năm 2023 do chi phí vốn của các ngân hàng đang giảm", VNDirect kỳ vọng.
Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) Nguyễn Văn Đính cho rằng, nếu lãi suất cho vay giảm áp dụng với cả khoản vay mới và cũ sẽ giúp áp lực tài chính của các nhà đầu tư giảm xuống. Theo đó, không còn tình trạng giảm giá, bán bất chấp sản phẩm bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền.
"Quý 4/2023 là giai đoạn thử thách quan trọng quyết định cơ hội phục hồi tăng trưởng của thị trường địa ốc. Đồng thời là mốc gần nhất để kiểm tra lại vùng kháng cự của lực cầu trên thị trường bất động sản khi lãi suất tiết kiệm hạ và lãi suất cho vay điều chỉnh, cửa tín dụng nới dần", Chủ tịch VARS nhận định.
Dòng tiền kỳ vọng sẽ "nóng" trở lại?
Đến thời điểm hiện tại, mức lãi suất huy động quay trở về thời điểm đầu năm 2022 tức tỷ suất lợi nhuận ngân hàng không còn hấp dẫn. Các chuyên gia đánh giá, nếu lãi suất huy động được điều chỉnh xuống mức 5%, dòng tiền đầu tư đáo hạn tới đây sẽ được rút ra khỏi ngân hàng để quay trở lại giao dịch trên thị trường bất động sản, nhất là khi giá đất, nhà cơ bản đã giảm khá sâu.
Ông Ngô Thành Huấn, chuyên gia Hoạch địch Tài chính Cá nhân, Giám đốc điều hành FIDT nhận định, khi lãi suất 9% xuất hiện trên thị trường, người mua nhà, nhà đầu tư có thể bắt đầu sở hữu bất động sản. Đáng chú ý, các chủ đầu tư ngày càng đưa ra các chính sách bán hàng tốt hơn, như kéo dài thời gian ân hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi suất hay nhận nhà ở ngay không phải chờ đợi 2-3 năm như trước kia mà vẫn được hỗ trợ lãi suất.
"Đây là "cửa sáng" giúp cho các gia đình trẻ giảm áp lực về nhu cầu chỗ ở, sớm hiện thực hóa mục tiêu, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Đặc biệt là trong những giai đoạn mà thị trường bất động sản đang có sự phục hồi với tốc độ tốt thì việc trì hoãn mua nhà 2 – 3 năm nhiều khả năng sẽ khiến cho việc sở hữu bất động sản về sau sẽ khó khăn hơn", vị chuyên gia cho hay.
Song, phải nhìn nhận, giảm lãi suất cho vay có thể giúp người mua đang vay mua nhà hiện nay dễ thở hơn, nhưng để thị trường bất động sản xuất hiện một làn sóng bức tốc, cần nhiều hơn nữa lực đẩy từ phục hồi kinh tế chung và các chính sách điều hành cũng như hạ tầng cơ sở...
Tuy nhiên, trước mắt, nguồn vốn sẽ chỉ tập trung cho khách hàng cá nhân mua nhà. Bởi sự thận trọng của các ngân hàng với các chủ đầu tư bất động sản là điều hoàn toàn hợp lý, vì tổng cung nhà, cơ cấu thị trường, tồn kho nhà, giá nhà... vừa mới "chập chững" thoát khỏi trạng thái đóng băng, lượng cung vẫn nhiều nên trước mắt chỉ kỳ vọng tín dụng phân khúc nhà ở hồi phục, sau đó thị trường chung mới có thể ấm lên.
Bất động sản bắt đầu có những chuyển biến khởi sắc với phân khúc nhà ở có mức giá phù hợp và khả năng dần lan tỏa đến phân khúc khác, tác động đến nhiều lĩnh vực khác, tạo đà ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô. Với đà phục hồi này, cùng các điều kiện nói trên có nghĩa là chi phí vốn tự có của các ngân hàng sẽ được giảm đi. Đây chính là động thái nhằm kích thích việc cho vay bất động sản của các ngân hàng và cũng chính là cơ hội để các khách hàng cá nhân vay vốn ưu đãi mua nhà, căn hộ để ở.