Cần cơ chế hỗ trợ ngân hàng 'bơm' gói tín dụng nhỏ cho doanh nghiệp SME
(DNTO) - Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, tất cả các chính sách hỗ trợ hầu như đã triển khai nhưng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp vẫn rất khó trăm bề. Theo đó, để tạo thuận lợi cho tiếp cận nguồn vốn, các ngân hàng có thể linh hoạt cho vay những gói tín dụng nhỏ.
Phát biểu tại Hội nghị “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh”, ngày 15/3, ông Hoàng Minh Nhật, Giám đốc CTCP Hoàng Minh Nhật chuyên về xuất khẩu gạo, nhận định, ngân hàng nhà nước (NHNN) đã có chủ trương rất rõ ràng, các SME không thể thiếu vốn trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt ở đây là ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, do đó khi đầu tư cho một doanh nghiệp vay thì phần khả năng thu hồi vốn và quản lý tốt được cho doanh nghiệp vay thì vấn đề này chưa gặp được nhau.
“Các ngân hàng có chuẩn cho doanh nghiệp vay. Đạt chuẩn thì "qua cửa" còn dưới chuẩn thì xác định cứ "chạy vòng quanh". Trong khi đó, ngành hàng lúa gạo nông sản có tính chất thời vụ. Do đó, khi doanh nghiệp có nhu cầu thời vụ thì lại gặp khó khăn. Tôi nêu lên cái này để NHNN xem làm sao để tháo gỡ điểm thắt này, làm sao để SME kinh doanh ngành nghề này tìm được điểm chung với ngân hàng để tháo gỡ khó khăn”, ông Nhật nói.
Còn bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hưng Yên, cũng chia sẻ, đặc thù của Hiệp hội Doanh nghiệp Hưng Yên có trên 95% là các SME, thậm chí là siêu nhỏ. Hiện quy mô vốn bình quân rất thấp, chỉ khoảng 10-20 tỷ đồng nên việc cân đối để đánh giá năng lực tài chính rất khó. Bên cạnh đó, các SME không có tài sản thế chấp nên cũng cần thời gian nâng cấp hoàn thiện minh bạch hệ thống sổ sách kế toán.
Bà Hà cho biết hiện nay, một số doanh nghiệp cần phải được giãn nợ, hoãn nợ, nếu các ngân hàng siết nợ có thể dẫn đến phá sản. Nguyên do là kinh doanh khó khăn, tỷ suất lợi nhuận hiện không đủ trả nợ ngân hàng, sức cạnh tranh rất kém. Các SME thì không dám vay, khả năng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh là không có.
Từ những khó khăn trên, đại diện Hiệp hội SME TP. Hà Nội kiến nghị, để tạo thuận lợi cho tiếp cận nguồn vốn, các ngân hàng có thể linh hoạt cho SME vay những gói tín dụng nhỏ. Ngoài ra, các ngân hàng đề xuất đưa ra những tiêu chuẩn cao về tài sản bảo đảm, phương án kinh doanh, sổ sách lịch sử thì có thể nâng cao tín chấp thông qua phương án kinh doanh; đồng thời cần có chỉ đạo từ phía NHNN về việc nâng cao tỷ lệ vay tín chấp dựa vào dòng tiền ra, vào của SME, phương án sản xuất kinh doanh.
Chẳng hạn, ngân hàng thương mại có thể cho vay tín chấp nhưng mọi tài khoản phải mở ở ngân hàng đó để kiểm soát dòng tiền, các giao dịch mua, bán, thanh toán phải trả về thông qua ngân hàng.
Đặc biệt, cần có những quy định cụ thể từ phía điều hành chính sách Nhà nước, như khi tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng nào thì yêu cầu phải tăng tỷ lệ cho vay SME lên một mức cụ thể.
Cũng với ý kiến này, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội SME cho rằng, câu chuyện ở đây muốn giúp SME cần phải đồng hành từ Chính phủ xuống, thông qua NHNN rồi mới đến các ngân hàng thương mại. Nếu các ngân hàng bị "bó" về mặt thể chế thì doanh nghiệp dù rất mong muốn tháo gỡ nhưng cũng không được như mong muốn. Làm sao giảm điều kiện cho vay xuống và phải được Chính phủ cho phép.
“Nên chăng NHNN đề nghị Chính phủ cho phép các điều kiện cho vay đối với SME thấp hơn bởi những gì làm được đã làm hết rồi, đặc biệt là đã có chương trình hỗ trợ 2% nhưng vẫn chưa tiếp cận được”, ông Thân nói.
Với những vấn đề doanh nghiệp nêu ra, tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, đối với SME, luôn là một trong 5 đối tượng ưu tiên lãi suất vay. Về mặt chính sách, hiện tại đã có 2 nghị định, 4 thông tư NHNN đều dành cho lĩnh vực SME. Sắp tới NHNN chuẩn bị rà soát lại Nghị định 55 về lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trong đó có SME, sẽ tiếp tục sửa, nới, mở theo đúng định hướng hỗ trợ của Nhà nước để tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho SME trong thời gian tới.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với SME tăng 8,28% so với cuối năm 2021. Trong giai đoạn 2017-2020, tỷ lệ dư nợ tín dụng cho SME trên tổng dư nợ có xu hướng tăng, từ 17,86% lên 19,78%, tuy nhiên từ 2021 đến nay có xu hướng giảm từ 19,78% xuống còn 18,33% năm 2022.