Áp lực dòng tiền kinh doanh ngày càng lớn trong bối cảnh 'room' chưa đầy
(DNTO) - Vấn đề "cân não" hiện nay là giải quyết thanh khoản của các ngân hàng thì chính sách tiền tệ mới bớt xáo trộn, từ đó giảm lãi suất, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.
Đỏ mắt “ngóng” tín dụng
Tuần qua, thị trường "nóng" lên với thông tin ngân hàng nhà nước (NHNN) sắp cấp room tín dụng cho các ngân hàng thương mại, dự kiến ngay trong tháng 1/2023. Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị NHNN phân bổ chỉ tiêu tín dụng từ đầu năm để các tổ chức tín dụng có cơ sở xây dựng kế hoạch kinh doanh thông qua đại hội đồng cổ đông vào tháng 4.
Đại diện các ngân hàng cho biết, dư nợ tín dụng thường tăng cao trong mùa kinh doanh cao điểm quý IV và ngân hàng luôn trông chờ vào quý này để kết thúc một năm hoạt động với kết quả khả quan, nhưng tình hình năm nay có thể không như kỳ vọng, do room tín dụng eo hẹp. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất huy động tăng dần khiến NIM chịu áp lực giảm.
Quan sát từ thị trường cho thấy, không chỉ các ngân hàng chờ room tín dụng, các doanh nghiệp cũng ngóng chỉ tiêu này để nắm bắt cơ hội và hy vọng tận dụng được vốn vay, nhằm giải cơn khát vốn đã chịu đựng từ nhiều tháng. Cuối năm 2022, nhiều hiệp hội, ngành nghề đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng, phản ánh tình trạng khát vốn của doanh nghiệp.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho biết, nhu cầu vốn hiện nay của các doanh nghiệp rất cao, không những sản xuất kinh doanh mà cả thương mại dịch vụ cũng cần vốn cho mùa Tết. Tuy nhiên, doanh nghiệp gặp khó mọi bề trong tìm kiếm nguồn tài trợ vốn. Thực tế, thị trường chứng khoán suy yếu, khiến doanh nghiệp không thể tự chủ huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu, trái phiếu... Các doanh nghiệp trông chờ chính vào kênh cấp tín dụng ngân hàng. Dòng chảy vốn tín dụng đầu năm 2023 trở nên cần thiết hơn các năm khác, do có rất nhiều doanh nghiệp mong đợi trợ lực này để đi qua khó khăn.
“Chúng tôi đang cần vốn nên mặc dù nghe lãi suất vay có lên cao 12 - 13%/năm thì vẫn phải chấp nhận, miễn là được giải ngân sớm. Nếu không có vốn bổ sung sẽ bỏ lỡ nhiều hợp đồng cũng như các kế hoạch hoạt động cho năm mới đều không thể triển khai được. Thậm chí nhiều đơn vị nếu không có vốn vay và với những chi phí cố định cũng sẽ phải ngừng hoạt động luôn”, ông Hưng trần tình.
Trên thị trường vốn quốc tế, câu chuyện chính sách tiền tệ năm 2023 sẽ nới hơn hay thắt chặt vẫn là một dấu hỏi. Biên bản cuộc họp mới nhất được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố mới đây cho biết, không có quan chức nào tham gia cuộc họp nhận định rằng năm 2023 là thời điểm phù hợp để bắt đầu giảm mục tiêu lãi suất quỹ liên bang, mà cần duy trì chính sách thắt chặt cho đến khi xu hướng lạm phát giảm một cách bền vững trở nên rõ ràng.
Với Việt Nam, tại báo cáo đánh giá kinh tế vĩ mô phát hành ngày 6/1/2023, Ngân hàng Standard Chartered nhận định, NHNN sẽ tiếp tục thận trọng với lạm phát, sự suy yếu của đồng Việt Nam và rủi ro bất ổn tài chính phát sinh từ các khoản cho vay rủi ro trong lĩnh vực bất động sản. Nhóm nghiên cứu của SSI Research thì cho rằng, mục tiêu điều hành trong năm 2023 sẽ không có nhiều khác biệt với hiện tại. Do bối cảnh kinh tế trong năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, SSI Research kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ có xu hướng nới lỏng hơn và kết hợp với chính sách tài khóa mở rộng nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Theo dự báo với tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 6,5%, lạm phát 4,5%, NHNN có thể xem xét tăng cung tiền để hỗ trợ nền kinh tế do áp lực từ bên ngoài giảm và Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu lạm phát cao hơn (4,5%). Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng, tín dụng năm 2023 sẽ giảm tốc, chỉ tăng khoảng 12-13%, xuất phát từ nền cao năm 2022.
Nói thêm về vấn đề này, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, dư địa điều hành tín dụng rất hạn hẹp, xét tỷ lệ tín dụng/GDP, hiện nay Việt Nam đã đạt 124%, là mức cao nhất đối với các nước có mức thu nhập trung bình thấp theo thống kê của Ngân hàng Thế giới.
“Tổng dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng tiến tới xấp xỉ 12 triệu tỷ đồng, đó là một con số rất lớn. Vì vậy, dư địa điều hành tín dụng trong bối cảnh nêu trên là rất hạn hẹp”, ông Quang nhấn mạnh.
Linh hoạt "xoay" dòng tiền
Xoay dòng vốn trước tình hình lãi suất tăng cao, bồi thêm cơ chế siết tín dụng của NHNN khiến các gói vay đều khó giải ngân, doanh nghiệp chắc chắn sẽ có một năm 2023 đầy “sóng gió” với áp lực dòng tiền kinh doanh. Bài toán đặt ra phải linh động trong việc "co kéo" dòng tiền như thế nào để duy trì sản xuất.
Ông Thái Nguyễn Huệ Chí, chuyên gia cố vấn Hiệp hội Điều Việt Nam chia sẻ, trong lúc ai cũng thiếu tiền, nếu chỉ xoay quanh ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng, tăng khoản đặt cọc hay thu tiền hàng nhanh chóng, càng khiến cho doanh nghiệp khó tìm được lối ra, nhưng nếu như các doanh nghiệp bắt tay nhau, liên kết nhau không dùng tiền, mọi thứ sẽ dần được giải quyết.
"Khi không thể xoay sở dòng tiền, doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu có thể liên kết với doanh nghiệp chế biến để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy mà không thu tiền trước, chờ nhà máy chế biến xong, bán hàng thì sẽ được trả tiền mua hàng trước đó. Đây là một giải pháp bán trước mua sau, vừa có thể giúp cho nhà máy có nguyên liệu hoạt động, doanh nghiệp bán nguyên liệu tiêu thụ được nguyên liệu.
Đối với doanh nghiệp có nhà máy chế biến, khi đã có nguồn hàng chế biến, các đơn hàng được giao đi, tiền hàng được thu về chính là dòng tiền xoay xở trả lại cho doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu, lại vừa có thêm khoản lợi nhuận sau bán hàng. Dòng tiền này giúp cho cả doanh nghiệp chế biến lẫn doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu trong lúc chưa thể vay vốn từ ngân hàng", ông Thái Nguyễn Huệ Chí nhấn mạnh.
Ngoài ra, cũng theo chuyên gia ngành điều, trong thời điểm doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu phải gồng mình trả lãi với lãi suất 12%/năm. Sau khi doanh nghiệp giao hàng, nguồn tiền thu hồi về có thể gửi vào chính ngân hàng đã vay, giúp cho doanh nghiệp trả được một phần tiền lãi hàng tháng. Bài toán này xem như giải quyết được lãi suất vay cao của doanh nghiệp. Còn trong trường hợp doanh nghiệp mang toàn bộ số tiền thu hồi từ bán hàng gửi vào ngân hàng, thì lãi suất tiền gửi có thể chi trả thêm phần lãi suất vay còn lại, thì doanh nghiệp có thể yên tâm về khoản vay đó.
"Sau khi đã tính toán xong khoản vay và khoản lãi suất phải trả được an toàn, các doanh nghiệp có thể tính đến bài toán lập hồ sơ vay khoản khác phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Với doanh nghiệp chưa rơi vào nợ xấu, ngân hàng lại có nguồn tiền gửi huy động, thì sẽ xét duyệt hồ sơ vay, giải ngân nguồn vốn cho doanh nghiệp này. Cách làm này chính là với khoản vay nào, giải quyết khoản vay đó, đúng quy tắc vay vốn ngân hàng, thì doanh nghiệp có dòng tiền xoay sở cho các hợp đồng tiếp theo", ông Thái Nguyễn Huệ Chí phân tích.