Áp lực cân đối vốn cho vay, ngân hàng cấp tập 'gõ cửa' trái phiếu
(DNTO) - Trong bối cảnh phải tự lực tăng vốn, hàng loạt kế hoạch đã được các nhà băng tung ra trong quý 4/2022. Trong đó, việc gấp rút triển khai kế hoạch phát hành trái phiếu để làm dày vốn dài hạn nhằm nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh, giúp các ngân hàng đối phó với cơn "biến" lãi suất.
Trong bối cảnh lãi suất không ngừng tăng "nóng" khiến nguồn vốn kinh doanh của các ngân hàng chịu rất nhiều áp lực, nhiệm vụ tăng vốn điều lệ càng trở nên cấp thiết. Từ cuối tháng 11 đến nay, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng vọt, khi mốc lãi suất huy động 10%/năm ngày càng trở nên phổ biến.
Với việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục nới mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong năm nay thêm 1,5-2%, cuộc cạnh tranh huy động vốn đầu vào có thể sẽ ngày càng trở nên nóng bỏng hơn. Trong khi các ngân hàng cũng phải thực thi nhiệm vụ giữ ổn định lãi suất cho vay, thể hiện qua việc nhiều nhà băng gần đây bất ngờ giảm lãi suất cho vay trong hai tháng cuối năm, hoặc kéo dài sang tháng 1/2023, như là cách đã cam kết với NHNN để nhận được room tín dụng cao hơn.
Như vậy, với việc chi phí vốn huy động đầu vào của hầu hết các ngân hàng đã tăng mạnh trong năm nay, trong khi việc huy động vốn từ khách hàng vẫn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) có xu hướng sụt giảm, việc tiếp cận nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng ít nhiều có những hạn chế gần đây và đặc biệt là lãi suất cũng duy trì ở mức cao, thì mục tiêu tăng vốn điều lệ thành công càng trở thành điều kiện quan trọng để giúp các ngân hàng hướng đến nhiệm vụ giữ ổn định lãi suất cho vay.
Thống kê cho thấy trong năm nay, có đến 22 ngân hàng dự kiến sẽ tăng thêm vốn điều lệ, với tổng giá trị tăng thêm lên đến 154.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, theo số liệu đến hết quý 3, các ngân hàng chỉ mới tăng thêm được chưa đến 37.800 tỷ đồng, tương ứng 25% kế hoạch tăng thêm đặt ra trong năm nay. Trong đó, các ngân hàng tăng khá là Vietcombank tăng thêm 10.236 tỷ đồng, ACB tăng 6.755 tỷ đồng, VIB tăng 5.545 tỷ đồng, SeaBank tăng 5.024 tỷ đồng, LienVietPostBank tăng 3.000 tỷ đồng, ABBank tăng 2.439 tỷ đồng… Như vậy, các ngân hàng sẽ phải tiếp tục nỗ lực và đẩy nhanh việc tăng vốn trong thời gian còn lại của năm nay nếu muốn hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Theo đó, để về đích thành công, kế hoạch được hầu hết các nhà băng đưa ra thực hiện năm nay là tăng vốn “khủng” qua chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm mục đích tăng vốn cấp 2 (nguồn vốn bổ sung), tạo thêm nguồn vốn dài hạn và bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của NHNN.
Mới đây, ngày 20/12, ngân hàng Agribank thông báo đã được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng trong tháng 12/2022. Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành 100 triệu trái phiếu mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Tổng giá trị trái phiếu chào bán theo mệnh giá là 10.000 tỷ đồng. Kỳ hạn trái phiếu là 8 năm, trả lãi định kỳ một năm/lần.
VPBank cũng vừa được chấp thuận cho phép tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.377 tỷ đồng, từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 50%, từ các nguồn như lợi nhuận chưa chia, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, với số cổ phần phát hành dự kiến là hơn 2,24 tỷ cổ phiếu. Theo đó, ngân hàng này đã vươn lên trở thành ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống, vượt qua cả những ngân hàng thương mại cổ phần gốc quốc doanh...
Nhận xét về động thái "ồ ạt" phát hành trái phiếu trong tháng cuối năm của các ngân hàng, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tăng vốn vẫn là nhu cầu thường trực của các ngân hàng nhằm đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn khi vốn chủ sở hữu còn mỏng mà tín dụng lại tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu.
"Với tỷ lệ tiền gửi ngắn hạn cao, người dân có thể thường xuyên rút tiền, khiến có nhiều thời điểm ngân hàng gặp khó khăn thanh khoản. Chính vì vậy mà hình thức phát hành trái phiếu với kỳ hạn huy động dài trên 1 năm không những giúp tăng quy mô vốn hoạt động còn bổ sung nguồn vốn huy động trung dài hạn đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng", TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Tuy nhiên, trước tình hình chứng khoán ảm đạm như hiện nay, cộng với việc các quy định về an toàn hoạt động kinh doanh ngân hàng trên thế giới đang theo hướng ngày càng thắt chặt khi sau Basel 3, Basel 5 đang hình thành chính thức và Basel 4 đang được nghiên cứu xây dựng. Đối với tổ chức tín dụng Việt Nam, dù vốn điều lệ của hệ thống tổ chức tín dụng tăng khá tốt các năm qua thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, song áp lực tăng vốn vẫn kéo dài từ năm trước.
Vì thế, để "ăn chắc mặc bền", các ngân hàng tiếp tục lên kế hoạch hút thêm vốn ngoại để tăng năng lực tài chính, sức cạnh tranh, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Thực tế cho thấy, dù số thương vụ khá ít ỏi do thị trường tài chính quốc tế không thuận lợi, nhưng vẫn có những thương vụ được công bố.
Cụ thể, theo kế hoạch đã công bố, VPBank bán 49% cổ phần FE Credit cho SMBC. Đồng thời, ngân hàng này đã nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,607% vốn điều lệ. Dù chưa tiết lộ cụ thể thời gian hoàn thành kế hoạch bán vốn, nhưng đại diện VPBank cho biết, sẽ sớm thực hiện trong 2022- 2023.
Trước đó, việc SMBC chấm dứt liên minh với Eximbank khiến thị trường đồn đoán nhà đầu tư Nhật Bản này cũng sẽ thoái 15% vốn tại Eximbank để mở đường rót vốn vào VPBank - nhất là sau khi mối quan hệ hai bên trở lên gắn bó sau thương vụ SMBC hoàn tất mua 49% cổ phần của FE Credit.
HDBank đang được đánh giá cao nhờ khả năng có thể được nới room vốn ngoại lên 49% theo lộ trình quy định trong thỏa thuận thương mại tại Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Nếu được chọn trở thành ngân hàng thí điểm, thì đây sẽ là một điểm sáng hỗ trợ giá của cổ phiếu, khi việc nới giới hạn sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư dài hạn hơn.