Nới room tín dụng có đẩy lãi suất vào 'cuộc chơi' mới?
(DNTO) - Các chuyên gia cho rằng, việc nới room tín dụng không ảnh hưởng nhiều đến mặt bằng lãi suất đặc khi thời gian qua các ngân hàng thương mại đã nỗ lực co kéo trung hòa nguồn vốn. Song, các động thái này không phản ánh xu hướng chung của thị trường, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống vẫn còn gặp nhiều áp lực.
Như Doanh Nhân Trẻ đưa tin, ngày 5/12/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát đi thông cáo cho biết, cơ quan này quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Như vậy, thay vì định hướng ở mức 14% đề ra hồi đầu năm, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể lên tới 16%, ước tính quy mô tín dụng cho nền kinh tế có thể tăng thêm 156.000-200.000 tỷ đồng.
Thực tế, vấn đề thanh khoản cho nền kinh tế đang “nóng” trong thời gian gần đây bởi “chạm trần” tín dụng. Theo đó, quyết sách này như cơn mưa rào tưới mát những doanh nghiệp đang trầy trật vì khát vốn có thêm cơ hội tiếp cận dòng tiền để tái hoạt động những kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong năm 2023 tới đây.
Theo các chuyên gia, động thái này cho thấy chính sách của Ngân hàng Nhà nước rất linh hoạt, mềm dẻo, kịp thời để giải quyết vấn đề thanh khoản của nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp thêm nguồn vốn tín dụng duy trì sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm và đầu năm 2023. Bởi ngân hàng nhà nước (NHNN) cũng được chỉ đạo là đảm bảo thanh khoản trong mọi điều kiện, kể cả kéo dài các khoản tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại hơn, thậm chí qua Tết âm lịch.
Nhất là việc tăng room tín dụng sẽ không làm gia tăng lạm phát bởi NHNN đã yêu cầu tín dụng phải rót vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hạn chế lĩnh vực rủi ro.
Trên thực tế, tại nước ta hiện nay đã có hiều tín hiệu cho thấy áp lực đối với lãi suất có xu hướng giảm, từ đó giảm áp lực lên lạm phát. Hơn nữa, NHNN đã áp dụng nhiều công cụ để kiểm soát cung tiền, không chỉ bằng room tín dụng mà còn qua công cụ bán ngoại tệ bình ổn tỷ giá, bơm hút tiền thông qua thị trường mở (OMO)... Do đó, việc nới room tín dụng nhận được nhiều ý kiến đồng tình là sẽ không gây tác động bất lợi tới lạm phát.
"Hiện, room tín dụng hiện nay vẫn còn 2% và sẽ chỉ phân bổ cho một số ngân hàng thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp. Bên cạnh đó, chúng ta đang giữ ổn định kinh tế vĩ mô rất tốt, tỷ giá giữa VND với USD tương đối ổn định, mức độ mất giá giữa VND so với USD đã về khoảng 4-5%. Điều này rất tốt cho cả xuất khẩu, nhập khẩu và cho nền kinh tế", TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia nhận định.
Song, nhiều câu hỏi đặt ra lúc này, nới room tín dụng tác động đến lãi suất như thế nào? Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, chúng ta cũng không cần quá lo lắng bởi trong thời gian vừa qua khi room tín dụng chưa được nới thêm thì các ngân hàng đã tự củng cố tiềm lực của mình.
Song song đó, NHNN luôn phát đi thông điệp yêu cầu các ngân hàng thương mại cố gắng giữ mặt bằng lãi suất. Thậm chí cuối tháng 11, đầu tháng 12 vừa rồi còn có động thái hạ lãi suất cho vay. Do đó, việc nới room tín dụng này không ảnh hưởng nhiều đến mặt bằng lãi suất đặc biệt là lãi suất cho vay.
Củng cố thêm niềm tin, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát 4%-4,5%. Áp lực về thanh khoản với hệ thống tổ chức tín dụng sẽ được cải thiện, người dân sẽ quay trở lại gửi tiền vào ngân hàng. Ngoài ra, áp lực với lãi suất sẽ giảm trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương, trong đó có Fed giảm dần tốc độ tăng lãi suất đầu quý 2 của năm tới...
Cần sự giúp sức để điều hành hiệu quả “van” tín dụng
Dù có thêm room mới không "đe dọa" lãi vay bật tăng, song, các động thái này không phản ánh xu hướng chung của thị trường, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống vẫn còn gặp nhiều áp lực.
Thực tế, tốc độ tăng lãi suất huy động đang được nhiều ngân hàng đẩy nhanh hơn lãi suất cho vay. Cụ thể, lãi suất huy động trên 6 tháng đã tăng khoảng 3,5 - 4%/năm so với cuối năm ngoái. Trong khi lãi suất cho vay chỉ tăng thêm từ 1 - 3%/năm tùy trường hợp.
Không những thế, thanh khoản trên hệ thống vẫn chưa được cải thiện nhiều trong bối cảnh sự chênh lệch giữa cho vay và huy động đang ở mức cao. Tăng trưởng cung tiền đạt 7,4% so với cùng kỳ, trong khi tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 17%, tính đến số liệu cuối quí 3-2022. Bên cạnh đó, tỷ lệ LDR tại các ngân hàng thương mại vẫn ở mức khá cao, thậm chí tỷ lệ này ở một số ngân hàng đã gần chạm ngưỡng quy định.
Các chuyên gia phân tích, ngay từ đầu năm NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ rất chặt chẽ. Mặc dù không tăng nhiều về lãi suất điều hành nhưng cung tiền được quản lý rất chặt thông qua nhiều công cụ. Song, trong bối cảnh khó khăn của cả nền kinh tế, hai chính sách lớn nhất là chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá cần có sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía để điều hành hiệu quả “van” tín dụng
Về vấn đề này, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc nới room tín dụng cho các ngân hàng là nhiệm vụ của NHNN, nhưng cần có sự phối hợp với Bộ Tài chính trong việc "đo lường" những tiêu chí của riêng NHNN như hoạt động hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu thấp, tính tuân thủ các quy định của NHNN...
Cũng theo ông Hiếu, Bộ Tài chính nên tích cực mở các diễn đàn đối thoại với người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước để lắng nghe và tiếp thu ý kiến đa chiều từ nhiều thành phần. Đây sẽ là điều kiện tiên quyết để giải quyết các khó khăn tài chính của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các thành phần kinh tế.