Mở 'room' tín dụng: Dòng chảy kinh tế có được trơn tru như kỳ vọng?
(DNTO) - Sau nhiều ngày mong chờ, quyết định nới "room" tín dụng không chỉ cởi trói cho các ngân hàng mà còn giúp nguồn vốn được khơi thông. Liệu “cú nhấn ga” đúng lúc này có mang đến luồng sinh khí mới cho cộng đồng doanh nghiệp bứt tốc trong giai đoạn nước rút?
Suốt thời gian qua, “cơn khát” vốn đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thậm chí phá sản.
Khảo sát nhìn lại 8 tháng đầu năm 2022 của World Bank cho thấy, ngay từ tháng 1-3/2022, 56% doanh nghiệp có doanh số giảm so với cùng kỳ. Đơn cử, 30% doanh số xuất khẩu được khảo sát phải hủy đơn hàng trong thời gian từ tháng 12/2021-2/2022 do thiếu nguyên vật liệu đầu vào, doanh số sụt giảm khoảng 35%. Còn trong số 12,2% doanh nghiệp trong nước đang cung ứng cho các công ty đa quốc gia trước dịch Covid-19, có tới 8% số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô của hoạt động cung ứng hàng.
Theo đó, việc chính thức nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là thông tin được mong chờ nhất lúc này đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Cụ thể, Sacombank dẫn đầu danh sách được nâng room tín dụng ở mức 4%. Các ngân hàng khác như Agribank 3,5%, MB 3,2%, SHB 3,2%, VIB 3%, Vietcombank 2,7% TPBank 1,2%...
“Chúng tôi sắp được cứu rồi”, đại diện doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ uống đóng chai tại Hà Nội, hào hứng chia sẻ khi chuyến xe nguyên liệu đầu tiên về đến nhà máy sau hơn 3 tháng gián đoạn.
Suốt từ tháng 6, doanh nghiệp này phải tìm mọi mối quan hệ để vay vốn nhập nguyên liệu sản xuất hàng Tết, nhưng gõ cửa ngân hàng nào cũng bị lắc đầu vì hết room tín dụng. Vay nóng thì lãi suất quá cao, lợi nhuận chẳng còn được bao nhiêu. Toàn bộ kế hoạch sản xuất có nguy cơ đổ bể.
“Ngành hàng thực phẩm cả năm chỉ trông chờ vào vụ Tết nên việc các ngân hàng cho vay trở lại, với chúng tôi, chẳng khác gì nắng hạn gặp mưa rào. Doanh nghiệp mừng, nhà cung cấp mừng, người lao động cũng mừng”, đại diện doanh nghiệp hào hứng.
Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam nói, hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rất thiếu vốn vì ngân hàng siết chặt tín dụng do đã sử dụng hết hạn mức được ngân hàng nhà nước giao, khiến doanh nghiệp như "ngồi trên đống lửa".
“Thông tin ngân hàng nới tín dụng sẽ giúp doanh nghiệp sớm có kế hoạch tăng tốc sản xuất, kinh doanh, từ đó khôi phục tốt hơn sau đại dịch. Nếu không có vốn thì muốn làm việc gì cũng khó. Tôi hy vọng, tới đây các doanh nghiệp đang "đói" vốn sẽ hoạt động trơn tru hơn khi có kinh phí đầu tư mở rộng xưởng sản xuất để phục vụ thị trường dịp cuối năm và Tết", ông Phục cho hay.
Không chỉ doanh nghiệp mà các chuyên gia cũng cho rằng việc nới room tín dụng cho ngân hàng là cần thiết phải làm ngay vì đó là "liều thuốc" để phục hồi nền kinh tế.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, nới room tín dụng lúc này là đúng đắn và kịp thời. Doanh nghiệp có khoẻ thì nền kinh tế mới vững. Khi doanh nghiệp có vốn mở rộng sản xuất, đầu tư mua nguyên liệu và sẽ quay vòng, tính thanh khoản lớn và tạo ra lợi ích nhanh. Do vậy, quyết định nới room không chỉ "cởi trói" cho các ngân hàng mà còn giúp nguồn vốn được khơi thông, từ đó sẽ hạn chế được tình trạng nợ đọng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp giúp dòng chảy kinh tế sớm sôi động trở lại.
"Các ngân hàng đang trở lại đúng với vai trò điểm tựa tài chính cho doanh nghiệp và người dân như trước đây, tạo sức sống mới cho nền kinh tế. Tuy nhiên, phải nhắm đúng và trúng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tạo ra giá trị cho xã hội. Tránh để dòng tiền chảy vào các kênh đầu cơ làm lợi cho một số cá nhân, phá rối thị trường", ông Hiếu nhấn mạnh.
Về vấn đề này, lên kế hoạch khi được "đặc cách" nới tín dụng ở mức cao, các "ông lớn" ngân hàng như MB, VIB, Sacombank..., cho biết, định hướng trong vòng 1 tháng tới, khoảng 90% vốn tín dụng sẽ được phân bổ về cho vay hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là mảng trong 2 tháng qua nhu cầu vay vốn rất lớn.
Ngoài ra, đại diện lãnh đạo ngân hàng MB cho biết ngân hàng cũng quan tâm đến mảng cho vay tiêu dùng, cho vay bán lẻ để kích thích tiêu dùng, chi tiêu của người dân, tạo sức tiêu thụ của doanh nghiệp...
Room vẫn chỉ như 'muối bỏ bể'?
Tuy nhiên, một số ngân hàng cho rằng việc nới room lần này thực chất là ngân hàng nhà nước phân lại hạn mức tăng trưởng tín dụng trong tỉ lệ còn lại của mục tiêu 14% của năm nay, chưa kể không phải tất cả nhà băng đều "có phần".
Lo ngại lạm phát và sức nóng thanh khoản, tỷ giá, khiến mức bổ sung room được cho là khá hạn chế, dao động từ gần 1% đến 4% so với trần tín dụng cũ. Theo đó, dư địa cho vay mới của các nhà băng được cấp thêm dao động vài nghìn tỷ đến tối đa 50.000 tỷ đồng (tùy từng nhà băng) trong 4 tháng còn lại của năm.
Cụ thể, tại Vietcombank, hạn mức tín dụng mới của cả năm sau khi được cấp thêm 2,7%, tức tính tổng từ đầu năm hạn mức tín dụng mà ngân hàng này đã nhận được là là 17,7%. Tuy nhiên, đến hết tháng 8/2022, Vietcombank này đã tăng trưởng tín dụng 14,7% so với đầu năm 2022. Do đó, ngân hàng còn dư địa cho vay mới tối đa khoảng 32.000 tỷ đồng trong 4 tháng còn lại của năm.
Hay tại Sacombank, tính trên tổng quy mô dư nợ hơn 400.000 tỷ đồng vào cuối quý II/2022, với room tín dụng vừa được cấp thêm 4%, nhà băng này chỉ còn dư địa tăng trưởng hơn 11.000 tỷ đến hết năm nay...
Việc nới room với dư địa cho vay khiêm tốn, dè dặt, ví như "muối bỏ bể" khó lòng đáp ứng hết nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay, khiến giới ngân hàng vẫn phải co kéo, xoay sở và khả năng giải ngân hồ sơ mới là không cao.
Trần tình về vấn đề này, Giám đốc chi nhánh một ngân hàng TMCP lớn tại TP.HCM cho biết đến chiều 7/9 ngân hàng này vẫn chưa có thông báo chính thức cho chi nhánh nhưng đã cho phép giải ngân thêm 1% trên tổng dư nợ chốt đến ngày 31/8. Ngay khi có thông tin này, một số hồ sơ xếp hàng chờ trước đó đã được giải ngân.
Tuy nhiên, do ngân hàng đã cạn room từ hơn 3 tháng qua, nên danh sách chờ này rất dài, trong khi room được nới thêm rất hạn chế nên khả năng sẽ khó lòng giải quyết hết hồ sơ cũ. Với hồ sơ mới, ngân hàng vẫn làm nhưng giữa việc duyệt cho vay và giải ngân lại là hai câu chuyện khác nhau.
Theo đó, trong bối cảnh tiếp cận cửa vốn hạn hẹp, phía các doanh nghiệp cũng phải tính toán lại phương án đi vay, tìm cách đa dạng các nguồn vốn huy động, tránh phụ thuộc quá mức vào vốn vay ngân hàng, đặc biệt cần kiểm soát dòng tiền.
Có thể nói, việc điều hành tín dụng trên quan điểm cởi mở của ngân hàng Nhà nước đã cho thấy sự cầu thị và biết lắng nghe phản hồi từ thị trường. Quyết định nới room chắc chắn đã được đưa ra từ những đánh giá toàn diện và thận trọng về lợi ích với cả nền kinh tế. Đây cũng là quan điểm tích cực cần được tiếp tục duy trì để đảm bảo sự thông suốt của dòng vốn tín dụng, cũng là huyết mạch của nền kinh tế.
Song, về lâu dài, cần thay thế room tín dụng bằng các công cụ quản lý linh hoạt hơn bởi cơ chế này mang dáng dấp quản lý kiểu bao cấp, không còn phù hợp bối cảnh hiện nay. Việc bỏ room tín dụng còn hạn chế tình trạng điều hành “giật cục”, đồng thời giúp hệ thống ngân hàng phát huy tối đa vai trò bệ đỡ tài chính của nền kinh tế.