Nới hạn mức tín dụng cho nhà băng, liệu đã đến thời điểm?
(DNTO) - Câu chuyện nới hạn mức tín dụng của các nhà băng ngày càng nóng hơn trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị thắt chặt, áp lực lạm phát và tình trạng doanh nghiệp đói vốn để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Đã đến thời điểm?
Tính đến ngày 26/7, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 9,42%, tăng nhanh so với mức tăng 9,35% của ngày 30/6. Nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế ngày càng lớn hơn trong đà phục hồi của doanh nghiệp sau giai đoạn dài của dịch bệnh.
Tuy nhiên hiện nay, room tín dụng của nhiều ngân hàng đã trong tình trạng cạn kiệt. Nhiều nhà băng phải rón rén cân nhắc chờ đợi việc nới hạn mức tín dụng từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nguy cơ lạm phát, Cục dự trực liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, tình hình vĩ mô bên ngoài nhiều biến động, đang khiến cơ quan này thận trọng hơn trong các quyết định của mình. Cùng đó, với những chính sách tiền tệ linh hoạt thời gian qua, NHNN đang góp phần quan trọng cân bằng các yếu tố lạm phát, tỷ giá và lãi suất.
Kỳ vọng NHNN nâng hạn mức tín dụng trong quý 3 này là điều nhiều chuyên gia kỳ vọng với mong muốn được khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, áp lực lạm phát đã hạ nhiệt khi giá nhiều mặt hàng trong đó có giá xăng dầu giảm, lãi suất liên ngân hàng điều chỉnh giảm, diễn biến tỷ giá dần ổn định hơn.
"Chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ tạo điều kiện tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại vào cuối Q3/2022", chứng khoán Yuanta cho biết. Hay từ phân tích của SSI Research: "Đồng USD dự kiến sẽ không có nhiều biến động mạnh trước cuộc họp FED tháng 9 và bên cạnh đó, NHNN vẫn có thể sử dụng dự trữ ngoại hối và do vậy thời gian tới có thể là thời điểm thích hợp để NHNN cân nhắc viêc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại".
Tất nhiên vẫn chỉ là kỳ vọng. Mặc dù áp lực dư luận ở thời điểm này không phải là nhỏ, nhưng theo phân tích của PGS.TS Phạm Thế Anh, giảng viên cao cấp về Kinh tế Vĩ mô tại Đại học Kinh tế Quốc dân, có lẽ NHNN thận trọng vì những lý do sau.
Thứ nhất, có thể thấy thị trường tài sản đang tăng trưởng quá nóng trong 2 năm qua, NHNN đang muốn chậm tín dụng lại để xem dòng tiền chảy về đâu. Và thứ hai theo ông, không loại trừ khả năng NHNN muốn chia “miếng bánh tín dụng” sang các ngân hàng thương mại nhỏ hơn hoặc ưu tiên cho một số đơn vị nào đó.
Dù là lý do gì chăng nữa, thực tế là việc nới room tín dụng cho nhiều ngân hàng thương mại là vô cùng cần thiết. Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM trong cuộc trả lời báo chí cách đây ít ngày chia sẻ: "Tôi cho rằng ngay bây giờ NHNN có thể nên nới “room” được rồi, do áp lực lạm phát đã giảm nhờ giá xăng dầu đã hạ nhiệt".
Theo ông Huân, "tác động của chính sách thường có độ trễ, cụ thể sau khi nới “room” thì quá trình tác động của nó đến nền kinh tế cũng phải qua vài tháng". Nếu bây giờ NHNN thực thi chính sách này thì ít nhất quý 4 mới thấy rõ tác động vì ngân hàng cần thời gian triển khai, doanh nghiệp cần thời gian hấp thụ vốn.
Phía NHNN cần sự phối hợp hài hòa giữa bơm hút tiền trong nền kinh tế làm sao đảm bảo kiểm soát lạm phát nhưng vẫn dư địa cho tăng trưởng. Và tất nhiên để đạt được mục tiêu này, theo ông, cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng để có hiệu quả cao nhất.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV phân tích, cầu tín dụng tăng mạnh là do nền kinh tế phục hồi. Dòng tiền sau khi chạy nhiều vào chứng khoán, đầu cơ bất động sản thì giờ quay trở lại với sản xuất kinh doanh nên dòng tiền hiện tại chất lượng hơn, vì vậy không đáng lo về tăng trưởng mạnh của tín dụng.
Theo chuyên gia, "NHNN nên cân đối lại, tính toán lại nhiều chiều" và kỳ vọng đầu tháng 9 này hoặc chậm nhất là đầu quý 4, room tín dụng sẽ được nới.
Ngân hàng nào sẽ được nhận nhiều nhất?
Theo đánh giá từ các chuyên gia SSI, việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng sẽ có mức tăng sẽ không mạnh và phân hóa giữa các ngân hàng.
Hay theo Chứng khoán Yuanta, "các ngân hàng như MBB và VCB có chất lượng tài sản tốt và đang tham gia vào hoạt động tái cấu trúc ngân hàng yếu kém, có thể sẽ nhận được hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác".
Chắc chắn, các ngân hàng có tình hình hoạt động kinh doanh khác nhau sẽ nhận được hạn mức khác nhau. PGS.TS Phạm Thế Anh đưa ví dụ, chẳng hạn, các ngân hàng mạnh đứng ra tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thì có cơ hội tăng tín dụng mạnh hơn, thể hiện sự hỗ trợ từ phía NHNN với tổ chức này. Và đây cũng có thể là cách NHNN dùng quyền phân bổ tín dụng để xác lập trật tự giữa các ngân hàng.
Vietcombank, MBBank và HDBank là những ngân hàng có kế hoạch tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng thông qua việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng.Ba ngân hàng được kỳ vọng sẽ được phân bổ hạn mức tín dụng ở mức cao trong nửa còn lại của năm 2022 và trong các năm tới.
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Tuấn Anh sáng lập FinPeach, việc nới room chỉ là thời điểm. Quan trọng là vấn đề, khi được nới room thì liệu dòng vốn ấy có hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh không hay chỉ cho các hoạt động đầu cơ?
"Kỳ vọng sau khi được nâng hạn mức tín dụng, các ngân hàng xem mình là các thành viên phát triển đất nước, dành vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh thực sự", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.