TS. Phạm Chi Lan: 'Kiểm soát tín dụng với bất động sản, đúng nhưng chậm'
(DNTO) - Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tín dụng vào các dự án bất động sản có tính đầu cơ là đúng lúc nhưng hơi chậm, nhất là khi tính chất đầu cơ của thị trường quá lớn đang gây nên nhiều tác động khó lường, TS. Phạm Chi Lan cho biết.
Thông tin từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng chia sẻ tại hội nghị phát triển thị trường bất động sản chiều 14/7 cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản tính đến cuối tháng 5 là hơn 2,3 triệu tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cuối năm ngoái và chiếm hơn 20% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước, cũng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, một minh chứng rõ nét cho sức nóng thị trường bất động sản những tháng đầu năm.
Quan điểm của NHNN giai đoạn tới là kiểm soát tín dụng với bất động sản, đặc biệt với các dự án mang tính đầu cơ, có thể gây lũng đoạn giá. Và với một lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế, việc ban hành đầy đủ hành lang pháp lý là cần thiết để có thể nắn dòng vốn chảy đúng hướng vào sản xuất và kinh doanh trong giai đoạn tới.
Theo TS Phạm Chi Lan, trong buổi talkshow về vấn đề "Kiểm soát tín dụng vào bất động sản, làm sao để lành mạnh hóa thị trường" mới diễn ra gần đây, động thái của NHNN thật đáng tiếc không thể sớm hơn, trong khi đáng lẽ phải có ngay khi mà giá nhà tại Hà Nội hay TP.HCM trở nên đắt đỏ ngang ngửa các thành phố lớn trên thế giới như Hong Kong, Tokyo chứ không phải bây giờ.
"Đáng tiếc là chúng ta đã để giá nhà đất tăng cao kéo dài suốt thời gian vừa qua để Việt Nam không thể cạnh tranh nổi so với Bangkok của Thái Lan hay Kuala Lumpur, Malaysia… Họ phát triển hơn Việt Nam rất nhiều mà không bị tình trạng giá nhà đắt đỏ. Trong khi đó mức sống người dân của họ cao hơn rất nhiều so với ta. Người dân của họ đâu phải chịu cảnh vừa thiếu nhà, giá nhà ngày càng cao vượt tầm với, thậm chí có người làm cả đời không mua nổi", bà Lan cho biết.
Những bất cập trên thị trường bất động sản trong nước, đặc biệt tính chất đầu cơ không chỉ đẩy giá bất động sản lên quá cao mà còn khiến mặt bằng chung cũng bị tăng giá theo, đây mới là vấn đề lớn.
Đáng sợ nhất, theo bà Lan, là tâm lý làm giàu từ đất hiện đã ăn sâu trong tâm lý nhiều người, trong đó có cả giới trẻ. Nhiều gia đình không cho con em đầu tư ngành nghề mới mà chỉ dành tiền kinh doanh bất động sản.
"Nền kinh tế đang cần vốn, không chỉ vốn tài chính, tín dụng, vốn đất đai mà còn nguồn vốn con người, là tài năng kinh doanh cho sự phát triển của đất nước. Chương trình công nghiệp hóa của Việt Nam chậm, đã lỡ nhịp rồi, phải lưu lại 10 năm sau nhưng nếu nguồn lực nói chung hoặc tâm trí người dân chỉ nghĩ đầu tư bất động sản là làm giàu thì lấy đâu cho sự phát triển", bà Phạm Chi Lan chia sẻ.
Và hậu quả là nhiều dự án bất động sản bỏ hoang, người mua để đó chờ tăng giá rồi bán, không chỉ khiến nhà đầu tư mất, xã hội mất mà nhà nước mất nguồn thu lớn. Vì vậy, theo bà Lan, rất cần sự chia sẻ và đồng tình của người dân với chính sách của chính phủ và NHNN.
Quan điểm của NHNN đưa ra khá rõ, cái gì cần xem xét thận trọng, thậm chí đưa ra biện pháp chặt chẽ để tránh các mặt tiêu cực; cái gì cần khuyến khích phát triển. Các biện pháp mới hiện nay không có nghĩa là thắt chặt nguồn tín dụng với bất động sản. Và ngược lại, bất động sản phát triển được hay không không chỉ nhờ tín dụng mà còn nhờ hàng loạt các chính sách khác hậu thuẫn.
Tuy nhiên, điều khiến bà Lan băn khoăn nhất hiện nay là việc thực thi chính sách của các cơ quan chức năng không được như mong muốn. "Đôi khi chủ trương đúng nhưng về các cấp thực hiện lại phụ thuộc vào nhận thức, trình độ hoặc lợi ích riêng khiến chính sách bị thực hiện méo mó; gây phương hại oan đến những người đáng lẽ được khuyến khích; gây cản trở phát triển", bà nhận định.
Giải pháp nào cho thị trường bất động sản?
Bà Lan đưa ra nhiều giải pháp hướng tới lành mạnh hóa thị trường. Trước hết, các thủ tục hành chính cần đơn giản để hỗ trợ các dự án bất động sản: "Tôi mong chúng ta có thể làm thủ tục hành chính bớt phiền hà. Dự án nhanh hơn thì vốn không chôn, đất thuê có thời hạn, nếu thủ tục hành chính kéo dài sẽ giảm đi nguồn thu dự án, khiến giá bị đội lên cao".
Ngoài ra, vấn đề quy hoạch đất đai phải rõ ràng. "Tôi sợ quy hoạch Việt Nam thay xoành xoạch làm khó nhà đầu tư. Họ phải tính thêm rủi ro tiềm ẩn vào chuyện quy hoạch, giả dụ biết đâu sau này dự án không được làm thì tiền của đổ vào biết tính sao, nên nhà đầu tư sẽ tính thêm cái rủi ro đó và làm tăng giá", bà chia sẻ.
Việc sửa đổi Luật Đất đai cũng vô cùng quan trọng, nhất là khi đất đai có quá nhiều vấn đề, gây tổn hại cho người dân, tham nhũng, lợi ích nhóm...
Đánh thuế bất động sản cũng là biện pháp cần thiết. Bà Lan cho biết: "Tôi mong đợi thuế bất động sản, thuế tài sản trên bất động sản từ lâu mà Quốc hội chưa đưa ra, kể cả lần gần đây nhất, nhiều đại biểu không đồng tình".
Nếu thuế bất động sản được thực thu sẽ đóng góp lớn cho ngân sách và tạo công bằng cho xã hội. Xã hội phân hóa không chỉ về thu nhập mà còn vấn đề chênh lệch về tài sản còn lớn hơn nhiều, gây bức xúc.
"Hãy nhìn vào các vụ án tham nhũng, người dân thường quan sát các quan chức dính líu có nhà cửa như thế nào, biệt thự ra sao", bà nhấn mạnh.