Câu chuyện nới 'room' tín dụng và bài học kinh tế vĩ mô
(DNTO) - Nhiều ý kiến lo ngại ngân hàng nhà nước lỏng tay nới room tín dụng, khi con số không dừng lại ở 16%, rất dễ dẫn đến những bất ổn vĩ mô sau này. Song, những động thái gần đây của nhà điều hành cho thấy, việc "chống đỡ" những bất lợi vẫn đang diễn ra tích cực như kỳ vọng.
Vào cuối tháng 7/2022, ngân hàng nhà nước cho biết vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, mức tăng so với cùng kỳ tính đến cuối tháng 6 đã là 17%. Trên cơ sở định hướng đó, dư địa tín dụng từ nay đến cuối năm chỉ còn khoảng 457.450 tỷ đồng, nghĩa là chưa đến 1/2 nhu cầu tín dụng (tính đến 15/8).
Trong 8 tháng năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước. Điều này hàm ý rằng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và đầu tư mới vẫn còn khá lớn.
Đặc biệt, vào những tháng cuối năm, nhu cầu vốn cho doanh nghiệp chuẩn bị các đơn hàng kinh doanh phục vụ cho mùa vụ lễ, Tết, cuối năm..., tăng mạnh. Nhiều doanh nghiệp than thở: Với việc room tín dụng hạn chế khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng.
“Khoảng 2 tháng gần đây, ngân hàng giải ngân cho vay rất chậm so với cam kết trong hợp đồng tín dụng vì hết room. Trong khi đó mùa du lịch nở rộ, lượng khách đông, các khoản chi vé máy bay, khách sạn, nhà hàng...doanh nghiệp phải trả đúng hẹn để khởi hành tour khiến doanh nghiệp phải tăng dự trữ tiền mặt khi ngân hàng giải ngân chậm, làm chi phí vốn tăng”, ông Bùi Thế Duy, Giám đốc điều hành Công ty Lửa Việt Tours cho biết.
Dựa vào bức tranh tín dụng chung và triển vọng phục hồi của nền kinh tế, các chuyên gia đánh giá việc siết room tín dụng trong phần lớn thời gian của quý III sẽ phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và mở rộng của các doanh nghiệp trong thời gian còn lại của năm. Điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế khi sau 3 tháng thực hiện, số tiền lãi đã hỗ trợ chỉ đạt 1,02 tỷ đồng.
"Áp lực nới room tín dụng đang mạnh nên Ngân hàng Nhà nước có thể phải linh hoạt hơn trong việc "mở hầu bao". Sắp tới, chúng tôi kỳ vọng ngân hàng nhà nước có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho phù hợp hơn với nhu cầu thực tế, tăng trưởng tín dụng cả năm ước có thể đạt 16%”, Chuyên gia của VDSC dự báo.
Theo đó, nhiều kỳ vọng việc ngân hàng Nhà nước phân bổ room tín dụng còn lại của năm 2022 tương đương với việc sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng, với mức dự báo hạn mức bổ sung sẽ vào khoảng 3-5% - tùy vào tình hình "sức khỏe' của từng ngân hàng.
Bài toán ổn định kinh tế vĩ mô
Cũng có những ý kiến lo ngại khi nới “room” tín dụng, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, đánh giá, mức tăng trưởng tín dụng 14%,cao hơn mức tăng 13,6% của năm trước, là mức tăng trưởng phù hợp trong năm nay khi mà các nền kinh tế khác đang thắt chặt chính sách tiền tệ.
“Nhiều người kỳ vọng phải nới hơn mức 14% thì tôi thấy hơi quá đà. Bởi vì nới room tín dụng lên 15%,16% hay 17% rất dễ nhưng cũng dẫn đến những bất ổn vĩ mô sau này", ông Ngọc nhận định.
Điều này là có cơ sở khi tỉ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam theo đánh giá của World Bank là cao nhất thế giới, ở mức 124%; tỉ lệ tín dụng trên huy động vốn đã là 99%, nghĩa là huy động 100 đồng đã cho vay 99 đồng. Vì vậy, nếu quá "lỏng tay" nới room tín dụng thì có thể đẩy cuộc đua lãi suất quay trở lại như từng diễn ra vào các năm 2007-2008 và gây ra nhiều hệ luỵ xấu.
Từ đầu năm đến nay, VND đã mất giá 2,8%, thuộc nhóm đồng tiền mất giá ít nhất so với USD trên thế giới. Việc ngân hàng nhà nước giảm dự trữ ngoại hối từ đầu năm tới nay và giữ chênh lệch lãi suất VND luôn hấp dẫn so với USD đã giúp VND không bị mất giá quá nhiều trước diễn biến tăng giá mạnh của USD. Theo thống kê của một số chuyên gia phân tích, trước áp lực tỷ giá lớn, từ đầu năm đến hết tháng 7/2022, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 13 tỷ USD để can thiệp thị trường, khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm khoảng 12%.
Trong lịch sử, Việt Nam đã phải trải qua nhiều giai đoạn lạm phát tăng cao, tỷ giá biến động mạnh, ngân hàng đua lãi suất, đứng trên bờ vực thanh khoản… Bài học cho thấy, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối là điều quan trọng nhất để nền kinh tế hồi phục nhanh, bền vững. Đây cũng là lý do khiến ngân hàng nhà nước tung ra nhiều giải pháp để ổn định thị trường ngoại tệ trong thời gian qua.
Tuy nhiên, ở góc nhìn lạc quan, luận bàn về vấn đề đặt ra với tiền tệ - tín dụng vào cuối năm, các chuyên gia cho rằng, vai trò quan trọng nhất của tiền tệ - tín dụng là góp phần kiềm chế lạm phát.
Trong khi, chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm thời kỳ 2014-2021 được kiểm soát theo mục tiêu, thấp xa so với 2004-2013 (2,78% so với 10,53%). Trong 8 tháng đầu năm 2022, CPI bình quân tăng 3,6% - còn thấp hơn mục tiêu cả năm (khoảng 4%) và chỉ bằng khoảng 1/3 của nhiều nền kinh tế.
Quan sát động thái của ngân hàng Nhà nước nửa tháng gần đây, có thể thấy, nhà điều hành đã có sự cảnh giác với biến động tỷ giá trước khi Hội nghị Jackson Hole diễn ra và liên tục hút tiền về, thiết lập mặt bằng lãi suất mới trên thị trường liên ngân hàng.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước đã bán giao ngay một khối lượng lớn USD trong dự trữ ngoại hối, qua đó làm giảm khối lượng tiền đồng trên thị trường. Động thái này cũng khiến lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tăng, từ đó tạo một khoảng cách khá an toàn với lãi suất USD.
"Mặc dù tỷ giá đang có dấu hiệu căng thẳng, nhất là khi thời điểm Fed tăng lãi suất tháng trong tháng 9 sắp đến gần, song cuối năm nay, lãi suất của Fed đạt đỉnh, sau đó sẽ hạ nhiệt khiến áp lực với tỷ giá trong nước giảm dần. Chưa kể, cuối năm nay, dòng vốn FDI giải ngân mạnh hơn, kiều hối cũng tăng mạnh... sẽ bổ sung nguồn cho dự trữ ngoại hối. Nền kinh tế phục hồi tốt và lạm phát được kiểm soát hiệu quả cũng hỗ trợ tích cực cho tỷ giá", các chuyên gia nhìn nhận.
Theo đó, việc không nên quá lo ngại về bất ổn thị trường mà "chùn tay" nới hạn mức tín dụng sẽ bóp nghẹt nền kinh tế mất cơ hội phục hồi, song, cùng với đó, khả năng dự báo, linh hoạt với diễn biến thị trường, giảm bớt sự lệch pha không cần thiết trong điều hành chính sách tiền tệ sẽ là những vấn đề ngân hàng Nhà nước sẽ cần cân nhắc trong thời gian tới.