Đâu sẽ là 'lực kéo' thúc tăng trưởng tín dụng ngân hàng 6 tháng cuối năm?
(DNTO) - Nhiều dự báo lợi nhuận ngân hàng 6 tháng cuối năm sẽ tăng trưởng tích cực khoảng 20-25% so với năm 2021, nhờ hoạt động kinh doanh ngoài lãi khởi sắc, áp lực trích lập dự phòng rủi ro giảm..., trong đó yếu tố tiên quyết là kinh tế được dự báo sẽ phục hồi tốt sẽ giúp ngân hàng đẩy mạnh nhịp tăng trưởng.
Đầu năm nay, ngân hàng nhà nước đưa ra dự báo tăng trưởng tín dụng là khoảng 14%. Song, dù mới kết thúc nửa năm 2022 nhưng nhiều ngân hàng đã ghi nhận lợi nhuận vượt mốc 10.000 tỷ, tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước, giới chuyên gia cho rằng tín dụng cả năm 2022 có thể tăng trưởng đến 15%, thậm chí có thể vượt xa hơn mục tiêu này.
Các tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng tiếp tục “tăng” trong quý 3 và cả năm 2022, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng tăng nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 4,1% trong quý 3 và tăng 15% trong năm 2022.
Để có cái nhìn bao quát hơn, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đến 20/6, tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế đã đạt 8,51%, cao hơn nhiều so với con số cùng kỳ năm trước là 5,47%.
Tín dụng được bơm ra nhanh cũng đồng nghĩa với việc "cỗ máy" tạo ra 80% - 90% lợi nhuận của các ngân hàng đã được mở rộng rất mạnh. Đây là một trong những động lực chính giúp các ngân hàng tự tin hơn với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, có nhà băng thể hiện tham vọng lớn khi đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận tới ba chữ số.
Nhận định về triển vọng ngành ngân hàng nửa cuối năm 2022, Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho rằng, yếu tố tiên quyết thúc tăng trưởng tín dụng là kinh tế được dự báo sẽ phục hồi tốt hơn năm 2021.
"Nếu Việt Nam thực hiện tốt chương trình phục hồi thì tăng trưởng năm nay sẽ đạt khoảng 6,5-7%, kéo theo những nhu cầu về tín dụng và dịch vụ ngân hàng, hoạt động của doanh nghiệp tốt hơn. Qua đó tăng khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Theo đó, tín dụng năm nay sẽ rất lạc quan", chuyên gia này nhận định.
Theo kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước 6 tháng cuối năm vừa được công bố, nhu cầu tín dụng tiếp tục cải thiện hơn so với 6 tháng đầu năm 2022 ở tất cả các lĩnh vực. Các tổ chức tín dụng dự kiến giữ nguyên hoặc có xu hướng nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn cho vay tổng thể, dự kiến áp dụng đối với tất cả các nhóm khách hàng. Trong đó tập trung nới lỏng hơn đối với nhóm khách hàng là doanh nghiệp và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên.
"Các tổ chức tín dụng đánh giá, cơ sở để dự kiến nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2022 tiếp tục là kỳ vọng lạc quan về các yếu tố triển vọng kinh tế vĩ mô, chính sách và định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cùng với năng lực tài chính của tổ chức tín dụng”, báo cáo nêu rõ.
Theo quan điểm của SSI Research, động lực tăng trưởng tín dụng cho 6 tháng cuối năm 2022 có thể sẽ khác với nửa đầu năm, khi siết van bất động sản và hướng trọng tâm chuyển sang cho vay dài hạn đối với các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất, giáo dục, y tế...
"Ngay cả khi hoạt động cho vay chủ đầu tư bất động sản bị hạn chế, nhu cầu tín dụng từ các lĩnh vực khác vẫn đủ lớn để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2022. Dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất, lĩnh vực cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực đang phục hồi sẽ tăng trưởng tốt, với khoảng 1,2 triệu tỷ đồng sẽ được giải ngân thông qua chương trình hỗ trợ lãi suất 2%", chứng khoán SSI Research dự báo.
Ngoài ra, thu nhập ngoài lãi gia tăng tỷ trọng chiếm trung bình 27% trong cơ cấu thu nhập của các ngân hàng với đóng góp chủ yếu từ thu nhập dịch vụ cũng giúp các ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận tích cực.
Trong khi đó, cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị cùng với điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng được kỳ vọng là những nhân tố khách quan quan trọng nhất thúc lợi nhuận của các nhà băng.
"Khi tín dụng cũng được khơi thông thì tốc độ sinh lời cũng như doanh thu của ngân hàng cũng sẽ có thêm đà để phát triển. Với khuynh hướng chuyển dịch số và một thế hệ trẻ gia nhập thị trường như hiện nay sẽ là cơ hội cho ngân hàng phát triển. Thế nhưng cơ hội sẽ đến với ngân hàng nào có thể nắm bắt được điều đó và đưa ra những chiến lược chuyển đổi số bài bản, dựa trên khả năng thấu hiểu khách hàng hơn là chỉ đơn thuần cho vay và huy động", các chuyên gia nhận định.
Bức tranh lợi nhuận vẫn nhiều gam màu xám
Trong bối cảnh cạn room tín dụng, liệu các ngân hàng có tiếp tục giữ được nhịp tăng trưởng cao trong 6 tháng cuối năm đang là điều mà nhiều nhà đầu tư quan tâm.
TS. Châu Đình Linh, Giảng viên Học viện Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc một số ngân hàng có thể không còn nhiều “room” trong nửa cuối năm 2022, thì việc tăng trưởng lợi nhuận từ cho vay có thể sẽ bị chậm lại. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,35%, theo đó, các ngân hàng bình quân đã sử dụng hết khoảng 2/3 hạn mức tăng trưởng 14% mà Ngân hàng Nhà nước giao. Đây có thể sẽ là một thế khó cho các ngân hàng trong thời gian tới nếu Ngân hàng Nhà nước không cho nới “room”.
Bên cạnh đó, yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm 2022 là lãi suất. Các công ty chứng khoán dự báo sau đợt mở thêm room tín dụng cho các ngân hàng thương mại, mặt bằng lãi suất huy động sẽ được nâng cao thêm. Theo đó, lãi suất huy động dự báo có thể tiếp tục tăng thêm 0,3 - 0,5 điểm % trong 6 tháng cuối năm 2022.
Trong khi đó lãi suất cho vay chưa thể tăng ngay mà có độ trễ nhất định. Điều này sẽ làm biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng nửa cuối năm có nguy cơ giảm, ngoại trừ một số ngân hàng duy trì được tỷ lệ CASA cao.
"Về mặt dài hạn, lãi suất nếu tiếp tục tăng nữa do ảnh hưởng của lạm phát, thì hệ quả có thể xảy ra là gia tăng nợ xấu nếu khách hàng gặp khó khăn không có khả năng trả nợ", các chuyên gia nhận định.
Bên cạnh đó, hiện nay các ngân hàng vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách quy định tại các văn bản về hoãn, giãn nợ, phí, cho các khách hàng bị khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (theo các Thông tư 01, 03, 14).
Câu chuyện hiện hữu là áp lực nợ xấu nội bảng sẽ tăng lên tại các ngân hàng chưa trích lập đủ nợ tái cơ cấu khi thời hạn cơ cấu nợ hết hiệu lực vào ngày 30/6/2022 theo Thông tư số 14. Hơn nữa, những rủi ro tiềm ẩn do khả năng vỡ nợ chéo khi thị trường trái phiếu gặp khó khăn cũng là yếu tố cần theo dõi.
Đáng chú ý, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, ảnh hưởng của ngành bất động sản đến lợi nhuận hệ thống ngân hàng là rất lớn trong những tháng cuối năm 2022. Ông Nghĩa tính toán, hiện giao dịch bất động sản trong thời gian gần đây chủ yếu là giao dịch của các nhà đầu tư dự án và nhà đầu tư thứ cấp (đầu cơ), các giao dịch mua nhà để ở rất ít.
“Đây cũng là một chỉ báo cho thấy nguy cơ bong bóng bất động sản đang đến gần. Mặt khác, việc đứt gãy chuỗi phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua cũng giáng một đòn nặng nề vào thị trường bất động sản khi phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp do không thể phát hành để đảo nợ hoặc triển khai dự án. Điều này sẽ đe dọa tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng nợ của các ngân hàng, trong đó các khoản cho vay nhà ở có mức NIM cao, cho dù ít rủi ro hơn do được phân tán", ông Nghĩa nhìn nhận.