'Cánh cửa' vốn đang dần mở ra với doanh nghiệp
(DNTO) - Trong vòng 1 tuần trở lại đây, 4 ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay từ 1-3,5%, động thái này được ví như “làn gió mát”, giúp giảm bớt áp lực về lãi suất cho vay với doanh nghiệp, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.
Hiện đang là giai đoạn chạy nước rút về đích. Một trong những vấn đề đang được doanh nghiệp quan tâm hiện nay là làm sao có đủ nguồn vốn cho sản xuất, trong bối cảnh hạn mức tín dụng của các ngân hàng vẫn đang bị giới hạn ở mức 14% để ưu tiên cho mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo báo cáo mới đây của Tổng cục thống kê, 11 tháng năm nay, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 4,2% của năm ngoái. Con số cho thấy hoạt động sản xuất vẫn tiếp tục phục hồi.
Tuy nhiên, một báo cáo khác của S&P Global về Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 11 lại cho thấy, số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm lần đầu tiên trong 14 tháng, chủ yếu do nhu cầu trên thị trường quốc tế yếu đi. Vì vậy, để có thể cạnh trạnh giữ được đơn hàng, các doanh nghiệp hết sức cần sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay giá rẻ.
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất liên tục tăng "nóng" thì một số ngân hàng bất ngờ tiên phong triển khai chương trình giảm lãi suất tiền vay cho các nhóm khách hàng ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước như: cho vay xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu... Đây được xem là “cơn gió mát” giúp hạ nhiệt “cơn sốt” dồn dập tăng lãi suất huy động và cho vay trong thời gian gần đây.
Cụ thể, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên công bố giảm đồng loạt lãi suất cho vay tới 1%/năm đối với các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu. Chương trình này được Vietcombank công bố tối 24/11. Theo đó, hơn 175.000 khách hàng đang vay vốn tại Vietcombank sẽ được giảm tới 1% lãi suất cho vay dịp cuối năm. Đây là đợt giảm lãi suất với quy mô dư nợ lớn nhất của Vietcombank, nhằm chia sẻ khó khăn cùng người vay vốn.
"Rất nhiều đối tượng khách hàng được giảm trong đợt này, trong đó là nhóm sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, hoạt động nông nghiệp, môi trường... Quy mô dư nợ khoảng 500.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% danh mục tín dụng của chúng tôi", Phó Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Việt Cường cho biết.
HDBank cũng vừa công bố sẽ giảm lãi vay cho khoảng 43.000 khách hàng từ nay đến cuối năm. Mức giảm 0,5 - 3,5%/năm cho cá nhân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thuộc các lĩnh vực ưu tiên như: xuất nhập khẩu, nông nghiệp, chế biến chế tạo… ước tính, số lãi giảm khoảng 120 tỷ đồng.
Sau Vietcombank và HDBank, Agribank cuối tuần qua thông báo giảm lãi suất 20% so với lãi suất hiện hành để hỗ trợ khách hàng khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh. Thời gian áp dụng từ ngày 1-31/12/2022.
Cụ thể, với dư nợ phát sinh trong tháng 12/2022, Agribank sẽ giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Ngoài ra, khách hàng doanh nghiệp, cá nhân có dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01, hoặc có mục đích vay vốn kinh doanh xăng dầu… cũng được áp dụng chính sách giảm lãi suất này.
Góp mặt trong "làn sóng" này, trong thông báo phát đi mới nhất sáng nay, 5/12, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thông tin vừa đưa ra các giải pháp hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp bằng hình thức giảm lãi suất vay 1%/năm đối với khách hàng.
Cụ thể, từ 06/12/2022 đến 31/01/2023, đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp hiện đang có khoản vay và có giao dịch chính tại ACB sẽ được giảm 1%/năm cho lãi vay. Mức giảm lãi suất vay này cũng được áp dụng cho khách hàng đang có khoản vay đến kỳ tái định lãi suất và khoản vay giải ngân mới.
ACB cũng chuẩn bị một hạn mức tín dụng 4.000 tỷ với lãi suất ưu đãi giảm 1%/năm để giải ngân cho các khoản vay phù hợp với yêu cầu và quy định của ngân hàng đối với khách hàng mới chọn ACB làm ngân hàng giao dịch chính trong hoạt động kinh doanh và đang có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh thời điểm cuối năm.
Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 tuần qua, đến nay đã có 4 ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế với mức giảm từ 1-3,5%/năm. Đối tượng khách hàng được giảm lãi suất tập trung ở nhóm sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, mức giảm lãi suất cho vay càng có ý nghĩa hơn khi được áp dụng trong 2 tháng cuối năm, vốn được xem là cao điểm nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Sự quyết tâm tạo một mặt bằng lãi suất hợp lý của ngành ngân hàng càng được thể hiện rõ khi mới đây, ngân hàng nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cũng đã có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục cho vay và xem xét giảm lãi suất đối với các doanh nghiệp để giữ ổn định giá thành, giá bán, góp phần ổn định thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu cuối năm, đặc biệt năm nay Tết Nguyên đán Quý Mão và năm mới Dương lịch 2023 gần nhau...
Thời gian qua, ngành ngân hàng đã có rất nhiều hành động thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp. Minh chứng là lũy kế đến cuối tháng 6/2022, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng (TCTD) đã giảm, hạ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch là khoảng 50.000 tỷ đồng; tổng số phí các đã miễn/giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng khoảng 13.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã áp dụng nhiều chính sách miễn, giảm phí tài khoản, thẻ cho khách hàng; triển khai các gói sản phẩm dịch vụ “zero fee”…
Các chuyên gia đánh giá, việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay dù ít hay nhiều cũng là hỗ trợ quý giá đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại, cho thấy nỗ lực của các ngân hàng trong việc cân đối các chi phí, chỉ tiêu kinh doanh để “tiếp sức” doanh nghiệp.
Tuy vậy, giới chuyên gia kinh tế và bản thân các ngân hàng cũng thừa nhận khó có chuyện giảm lãi suất cho vay diễn ra đồng loạt, trên diện rộng tại các ngân hàng ở thời điểm này. Nguyên nhân chính là do lãi suất huy động liên tục leo dốc mạnh trong 2 tháng gần đây, tạo sức ép chi phí vốn lớn đối với ngân hàng. Do đó, chỉ ngân hàng nào có nền tảng tài chính tốt, lợi thế vốn rẻ mới có dư địa giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.
Về vấn đề này, nêu quan điểm tại một diễn đàn kinh tế vừa diễn ra, TS Cấn Văn Lực- thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cũng thừa nhận, áp lực tỉ giá hiện tại đã "hạ nhiệt". Trong bối cảnh đó, NHNN không còn phải quá lo lắng về vấn đề tăng lãi suất để ổn định tỉ giá. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất sẽ được giữ ổn định, còn khả năng giảm tương đối khó. Điều này cũng có nghĩa trong ngắn hạn, người dân và doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng, để giải quyết bài toán nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thời gian tới cần đẩy mạnh việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ. Nếu gói hỗ trợ này nhanh chóng được giải ngân sẽ góp phần giảm áp lực gánh nặng chi phí vốn, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục vụ sản xuất cuối năm và kế hoạch kinh doanh năm mới.