Nỗ lực 'co giãn' tỷ giá và thế khó của nhà điều hành
(DNTO) - "Trong ngắn hạn để đánh đổi mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, đành chấp nhận tỷ giá tăng cao. Tăng trưởng kinh tế chậm lại một chút, song sau này có điều kiện tăng tốc, phát triển trở lại", Tư lệnh ngành ngân hàng nhìn nhận.
Nếu như các năm trước đây, giá đồng bạc xanh chỉ tăng tầm 2 - 3% nhưng nay đã bị "thổi" lên gần 10%, hướng tới mốc kỷ lục. Giá USD tăng nóng khiến các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu đang phải căng mình gánh khoản chênh lệch không hề nhỏ.
Đơn cử, ông Trần Văn Trường, Giám đốc chuỗi siêu thị Hải sản Hoàng Gia, cho biết mỗi tháng công ty nhập khẩu hải sản từ gần 10 nước như Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Úc… Các hợp đồng nhập khẩu chủ yếu được thanh toán bằng USD và một số ít thanh toán bằng đô la Canada. Vì vậy, khi tỷ giá USD/VND thay đổi là tác động ngay đến kết quả kinh doanh của công ty.
"Cứ 1 triệu USD nhập khẩu hàng hóa trước đây chỉ trả khoảng 23 tỉ đồng thì nay đã chi lên hơn 25,3 tỉ đồng. Ước tính mỗi tháng công ty phải mất thêm vài tỉ đồng do chênh lệch tỷ giá. Trong khi đó, công ty chưa dám điều chỉnh tăng giá bán ra trong nước vì sức mua tương đối thấp", ông Trường chỉ rõ.
Đại diện nhiều doanh nghiệp khác ước tính chi phí sản xuất sẽ tăng mạnh nhưng việc điều chỉnh giá bán ngay thời điểm này rất khó khăn vì khách hàng không dễ dàng chấp nhận. Đó là chưa kể giữa thời buổi mặt hàng nào cũng tăng giá thì khi giá sản phẩm đắt lên cũng sẽ khiến người tiêu dùng tính toán, thận trọng hơn trong chi tiêu và sẽ sử dụng sản phẩm ngày càng tiết kiệm hơn.
"Chúng tôi luôn giữ ổn định giá bán sản phẩm vì thông thường, chúng tôi đã có kế hoạch tăng giá sản phẩm theo quý, theo năm trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng giữa lạm phát như hiện tại. Do đó, các sản phẩm bị lỗ do tỷ giá tăng cao hiện vẫn chưa có cách khắc phục", vị đại diện doanh nghiệp trần tình.
Đây cũng là những lo ngại nóng hổi tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội chiều 28/10, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, sau động thái nâng trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 9 và 10, cùng việc nới biên độ tỷ giá ngoại hối... khiến lãi suất vay của doanh nghiệp ngày càng tăng, trong khi họ đang khát vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Nêu "thế khó" trong việc điều hành, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thừa nhận năm nay có những biến động lớn và "khó khăn hơn nhiều so với đánh giá vào cuối năm ngoái". Bên cạnh yếu tố tác động từ lạm phát tăng cao trên toàn cầu, diễn biến bất ổn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp trong nước, cũng tác động mạnh tới thị trường tiền tệ, ngân hàng.
Bà Hồng nhấn mạnh, nguyên nhân khiến Ngân hàng nhà nước (NHNN) phải cân lại tỷ giá là do USD đã tăng giá rất mạnh thời gian qua, các đồng tiền trên thế giới đã "lao dốc" tới 30-40% so với USD. Bên cạnh đó, cán cân vãng lai đang chịu sức ép lớn do cán cân dịch vụ thâm hụt lớn, cán cân tài chính đang trong trạng thái yếu, theo đó phải điều chỉnh tỷ giá hối đoái để cân bằng cung cầu là cần thiết. Bởi nếu ổn định lãi suất thì không thể kiểm soát được thị trường ngoại hối mà ổn định thị trường này rất quan trọng với nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
"Trong ngắn hạn phải đánh đổi mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, đành chấp nhận tỷ giá tăng cao. Với doanh nghiệp lãi suất cao có thể ảnh hưởng tới sản xuất nhưng tăng trưởng kinh tế chậm lại một chút, thị trường ngoại hối, ngân hàng ổn định, sau này có điều kiện tăng tốc, phát triển trở lại", bà Hồng nhìn nhận.
Thực tế, áp lực điều hành đang đè nặng lên NHNN khi phải đánh đổi giữa việc kiểm soát lạm phát, giữ giá tiền đồng và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Trong một tháng, Ngân hàng nhà nước đã hai lần quyết định tăng trần lãi suất điều hành, do áp lực lạm phát toàn cầu ở mức cao và USD lên giá mạnh.
"Chúng ta phải sẵn sàng chuẩn bị tâm thế để ứng phó với những biến động đó. Điều quan trọng là trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ, chúng ta phải xác định mục tiêu trọng tâm trọng điểm trong giai đoạn đó là gì để đưa ra quyết sách, song đích ngắm vẫn là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Đồng thời khẳng định, mức "co giãn" biên độ tỷ giá như hiện nay đã nằm trong tính toán tác động với nhiều chiều cạnh như lạm phát, lãi suất, xuất khẩu, nhập khẩu, lợi ích người gửi tiền đồng, USD.
Đường đi của NHNN là linh hoạt hơn, tìm điểm cân bằng mới với tất cả các chiều cạnh của nền kinh tế để giảm thiểu tác động tiêu cực, trong chừng mực vẫn giữ được ổn định vĩ mô tương đối, hỗ trợ xuất khẩu, mà không tác động quá tiêu cực tới nhập khẩu, lạm phát.
Nhìn chung, tại các Tọa đàm gần đây, các chuyên gia cũng đánh giá cao điều hành tỷ giá của NHNN trong bối cảnh phải giải nhiều bài toán cùng lúc. Bởi, trước đó, để ổn định tỷ giá, NHNN cũng đã dùng các biện pháp như: Sử dụng Quỹ dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất, chuyển phương thức giao dịch ngoại tệ từ bán kỳ hạn 3 tháng sang phương thức bán giao ngay…
Chính vì vậy, việc "kích hoạt" biên độ này nằm trong tổng thể nhiều công cụ khác, ở chừng mực nhất định, không quá tiêu cực tới nền kinh tế. Mặc dù còn một vài thời điểm để thị trường rơi vào trạng thái “hoang mang” khi đẩy lãi suất liên ngân hàng lên tới 9%, nhưng về cơ bản NHNN đã hoàn thành tương đối tròn vai.
Song, nhìn về cuối năm, với lộ trình tăng lãi suất của Fed, không ai đoán trước được sóng gió nào sẽ ập đến với tỷ giá USD/VND. Điều này đòi hỏi hoạt động điều hành chính sách tiền tệ phải nỗ lực hơn nữa, nhất là khi không gian xoay xở dần bị thu hẹp.
Trong bối cảnh lúc này lại đặt ra một câu hỏi rằng, liệu không gian dự trữ ngoại hối có còn "đủ rộng" để cân đối thị trường? Rõ ràng, điều này không đơn giản song theo các chuyên gia chúng ta đang có năng lực để làm được việc đó.
"Thứ nhất, chúng ta đã trải qua nhiều biến động trong thời gian dài, đối phó với nhiều cú sốc nên có kinh nghiệm ứng xử với cú sốc đó. Thứ hai, chúng ta có nhiều công cụ, giải pháp, để chọn mục tiêu ưu tiên trong mỗi giai đoạn. Thứ ba, mặc dù hệ thống ngân hàng Việt Nam còn một số vấn đề tồn tại nhưng thực tế nó đã khá ổn định so với giai đoạn cách đây trên dưới 10 năm”, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, nêu quan điểm.