Thấy gì từ động thái ngân hàng Nhà nước tăng biên độ tỷ giá ngoại tệ lên 5%?
(DNTO) - Sáng nay, 17/10, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5%. Các chuyên gia cho rằng, động thái nới biên độ tỷ giá của ngân hàng Nhà nước nhằm cân bằng cung cầu thị trường trong bối cảnh áp lực với tỷ giá tăng mạnh.
Ngân hàng Nhà nước chính thức điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ từ 3% lên 5% từ sáng nay 17/10. Đây là lần đầu tiên ngân hàng nhà nước tăng biên độ tỷ giá sau 7 năm. Lần gần nhất là tháng 8/2015, ngân hàng nhà nước điều chỉnh biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%.
Với biên độ mới này, giá USD tại các ngân hàng thương mại sẽ được điều chỉnh tăng hoặc giảm tối đa 5% so với tỷ giá trung tâm mà Ngân hàng Nhà nước công bố hàng ngày. Nói cách khác, tỷ giá tại các ngân hàng sẽ có thêm dư địa 2% để điều chỉnh tăng hoặc giảm so với trước.
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá và tăng tỷ giá trung tâm, giá mua/bán USD tại các ngân hàng thương mại trưa nay đã áp sát mức trần mới.
Cụ thể, sáng nay, tỷ giá trung tâm là 23.586 đồng, tăng 45 đồng so với cuối tuần trước. Theo đó, các ngân hàng thương mại sẽ được phép giao dịch USD với giá sàn (mức thấp nhất) 22.406 đồng và giá trần (mức cao nhất) 24.765 đồng.
Chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh đồng bạc xanh giao dịch ở mức 113,1 điểm, tăng hơn 17,5% so với hồi đầu năm và vẫn ở vùng giá cao nhất 20 năm.
Trong nước, giá USD tại các ngân hàng thương mại đầu ngày cũng tăng vọt sau khi biên độ được nới. Mở cửa, tỷ giá VND/USD tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank đang dao động ở mức 23.980 - 24.180 đồng cho giá mua và 24.290 - 24.480 đồng cho giá bán.
Đến 11h10 cùng ngày, Vietcombank tiếp tục tăng mạnh giá mua bán USD thêm 170 đồng lên 24.160 - 24.460 đồng. BIDV cũng lần thứ 4 điều chỉnh tỷ giá trong buổi sáng lên 24.180 - 24.460 đồng. Giá USD ngân hàng gần đây liên tục đi lên và tính tới nay đã tăng hơn 6,7% so với đầu năm.
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho hay, có 2 lý do khiến Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh biên độ tỷ giá đồng thời nâng tỷ giá trung tâm.
Thứ nhất, USD đã tăng giá rất mạnh thời gian qua do Fed liên tục tăng lãi suất với cường độ cao. Hầu hết các đồng tiền trên thế giới đã mất giá mạnh so với USD: Yên Nhật mất giá khoảng 40%, euro và bảng Anh mất giá khoảng 30%, Trung Quốc - quốc gia có mức độ mất giá nội tệ thấp nhất cũng mất giá khoảng 8%.
Việc Việt Nam phải điều chỉnh giá trị đồng tiền là khó tránh. Bên cạnh giải pháp tăng lãi suất điều hành như Ngân hàng Nhà nước đã làm, việc phối hợp các chính sách khác, trong đó có chính sách điều chỉnh tỷ giá hối đoán để hạn chế bán ngoại tệ ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu là cần thiết. Hơn nữa, biên độ biến động tỷ giá +/-3% đã có từ năm 2015 và cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
Thứ hai, nguyên nhân nữa khiến Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh biên độ tỷ giá còn có thể là do sức ép từ cán cân vãng lai. Mặc dù cán cân thương mại nước ta vẫn thặng dư tương đối, nhưng cán cân dịch vụ thâm hụt lớn trong khi cán cân tài chính cũng đang trong trạng thái yếu... Với các sức ép về tỷ giá lớn như vậy, Ngân hàng Nhà nước buộc phải áp dụng điều chỉnh tỷ giá trung tâm và biên độ tỷ giá hối đoái.
"Động thái nới biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là nhằm cân bằng cung cầu thị trường trong bối cảnh áp lực với tỷ giá tăng mạnh. Qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ thực hiện các mục tiêu đề ra tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ", ông Nghĩa nhấn mạnh.