Cân não với 'bài toán' điều hành tỷ giá và lạm phát để trợ lực cho doanh nghiệp
(DNTO) - Tỷ giá USD/VND lập đỉnh, cộng với nguy cơ và sức ép từ lạm phát, là gánh nặng cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam nửa cuối năm 2022. Điều này khiến nhà điều hành phải có chính sách điều hành tiền tệ phù hợp, cân đối giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.và giữ tỷ giá hối đoái.
Nhiều biến động bất lợi cho doanh nghiệp
Đồng USD biến động và tăng giá cao trong thời gian qua cùng với việc tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ được cho là sẽ tác động tới tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022.
Theo đó, nhìn về nửa cuối năm, các chuyên gia nhận định, có ba rủi ro chính đang đè nặng doanh nghiệp, đó là tỷ giá, lạm phát và tăng lãi suất.
Cụ thể, tỷ giá USD/VND đạt mức cao nhất trong 2 năm qua, đang tạo không ít áp lực trong hoạt động xuất nhập khẩu. Vẫn còn đó lắm mối lo khi giá hàng hoá tăng, sản xuất khó khăn hơn, bán hàng khó khăn hơn, ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, phân tích, hiện nay, VND đang neo theo đồng USD, bởi nếu VND không tăng theo, Mỹ sẽ cho rằng Việt Nam phá giá, thao túng tiền tệ. Tuy nhiên so với các đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á như NDT (Trung Quốc), Baht (Thái Lan), Won (Hàn Quốc)... mức giảm của VND có phần khiêm tốn hơn chỉ 0,53% trong tháng 4 và 0,57% so với cuối năm 2021.
Ngược lại, đồng Won của Hàn Quốc có diễn biến giảm mạnh nhất; đồng NDT cũng bốc hơi hơn 4%. Điều này khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này biến động tương đối.
Cho nên hiện tại Việt Nam đang cố gắng ổn định tỷ giá hối đoái, chủ yếu là để ổn định lạm phát, vì nếu không hàng nhập khẩu đã đắt lên rồi nhân với tỷ giá hối đoái tăng thêm 3-5% nữa thì sẽ là vấn đề rất lớn.
"Các doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch huy động vốn từ thị trường quốc tế sẽ chịu 2 rủi ro chính. Thứ nhất là phải tăng lãi suất để cạnh tranh với lãi suất ở các quốc gia khác khi lãi suất toàn thế giới đang tăng cao, làm tăng chi phí vay nợ của doanh nghiệp.
Thứ hai là rủi ro về tỷ giá trong tương lai khi đồng USD tăng giá so với VND, nên doanh nghiệp sẽ phải trả nợ nhiều hơn. Hai rủi ro này là tác động kép khi đồng USD tăng giá so với VND và gây bất lợi với các doanh nghiệp huy động vốn quốc tế", ông Nghĩa nhận định.
Cùng với đó, lo ngại suy giảm trong 6 tháng cuối năm nếu lạm phát tiếp tục tăng cao ngày càng rõ nét.
Đơn cử như với các mặt hàng thực phẩm trong những ngày cuối tháng 7, vẫn đang tiếp tục vào đợt tăng giá mới (đặc biệt là tăng mạnh ở khâu bán lẻ) với mức cao hơn trước đó, do chi phí sản xuất không ngừng “leo thang”.
Cụ thể, mặt hàng trứng gia cầm vốn tương đối ổn định về giá cũng tăng lên khoảng 30-50% so với hồi đầu năm. Với nhóm thịt heo, bò, gà tăng 10-20% so với đầu năm và tăng nhanh trong hơn một tháng nay và tăng 40-60% so với cùng kỳ năm ngoái. Dầu ăn, nước mắm, đường... tăng 30% so với đầu năm.
Rủi ro về lạm phát và lãi suất sẽ đẩy chi phí đầu vào của doanh nghiệp lên. Không những thế, thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam có thể đối mặt với rủi do Mỹ và EU đi vào suy thoái. Thậm chí, ảnh hưởng có thể lan rộng chứ không chỉ trong phạm vi các ngành xuất khẩu.
Chẳng hạn như các doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng tiêu cực thì phúc lợi dành cho công nhân, người lao động cũng sẽ giảm. Như vậy, vô hình chung sức mua của tầng lớp lao động phổ thông sẽ giảm. Chúng ta phải theo dõi những thêm những yếu tố rủi ro này.
Nhìn xa hơn, các chuyên gia nhận định, lạm phát ở các nước đối tác thương mại của Việt Nam sẽ tác động mạnh vào Việt Nam chỉ ngay trong một chuyến hàng đầu tiên. Đơn cử như ở Mỹ - một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, điều đó chúng ta đã nhận ra rất rõ không chỉ có giá xăng dầu, mà giá các nguyên vật liệu cơ bản nhập khẩu đều tăng cao.
Trong khi giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào thì không tăng, đồng nghĩa với việc họ đang chèn ép đầu ra của chúng ta, tạo xung lực khiến cho nhiều doanh nghiệp dần bị thôn tính bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng có thể coi là một vấn đề mang tính chiến lược.
"Đã đến lúc chúng ta cần phải có một chính sách tổng thể để hỗ trợ doanh nghiệp. Tác động lần này của lạm phát vào Việt Nam làm sâu sắc thêm câu chuyện M&A, mua bán sáp nhập trong thời gian tới tăng lên, chủ yếu là buộc các doanh nghiệp phải bán tháo doanh nghiệp của mình cho nước ngoài”, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa phân tích.
Cân não với bài toán điều hành
Ổn định kinh tế vĩ mô cực kỳ quan trọng, song kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Do đó, trong trường hợp này, ngân hàng nhà nước phải hết sức khéo léo trong điều hành tỷ giá, làm sao để VND không bị mất giá quá mạnh, nhưng vẫn có sự giảm giá ở mức độ phù hợp để duy trì vị thế của xuất khẩu.
Nêu quan điểm, TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM), nhìn nhận rằng, nếu các đồng tiền khác mất giá mạnh, nhưng chúng ta neo giữ giá VND với USD, thì đương nhiên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ trở nên đắt đỏ, khó cạnh tranh hơn so với các nước khác.
"Theo tôi, VND có thể giảm khoảng 5% trong năm nay là hợp lý. Chúng ta cũng không nhất thiết phải “neo” tỷ giá ở mức cố định theo USD, vì sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu cũng như nền kinh tế. Hiện nay, đồng tiền các nước đều mất giá khá mạnh so với USD. Đơn cử, euro từ chỗ cao hơn nhiều so với USD đã mất giá tới 30-40%, giá ngang ngửa với USD.
Vừa hỗ trợ xuất khẩu vừa ổn định được kinh tế vĩ mô là bài toán khó, đòi hỏi sự khéo léo trong điều hành của NHNN. “Neo cứng” tỷ giá không có lợi, song nếu để VND mất giá mạnh thì cũng gây ra rất nhiều hệ lụy như mất ổn định vĩ mô, tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài", ông Huân nhận định.
Ở góc nhìn khác, ông Trương Văn Phước, Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cho rằng, nên tiếp cận tỷ giá dưới góc độ cung cầu thị trường. Vì vậy, nếu mức lạm phát của Việt Nam xấp xỉ 4% trong năm nay, tỷ giá VND/USD tương đối ổn định thì sẽ cải thiện cán cân thanh toán của Việt Nam. Nhờ đó, một mặt, dự trữ ngoại hối tăng; mặt khác, tỷ giá ổn định và tăng khả năng kêu gọi các dòng vốn từ bên ngoài vào Việt Nam.
"Việt Nam là quốc gia nhập khẩu rất lớn, với mức dự báo lên tới 300 – 400 tỷ USD trong năm nay, nếu hàng nhập khẩu về nhiều, trong khi tỷ giá hối đoái tăng sẽ gây áp lực gay gắt lên lạm phát. Bởi vậy, nếu tỷ giá biến động tăng ở mức dưới 4% sẽ góp phần giải quyết được nhiều bài toán tổng thể", ông Phước cho hay.
Mới đây, tại hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho hay, ngân hàng nhà nước cam kết sẽ theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế; theo dõi lạm phát và lãi suất thị trường để linh hoạt và kịp thời điều hành lãi suất, tỷ giá cho phù hợp.
"Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài, vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá. Từ đó, góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát", ông Hà nhấn mạnh.
Song hơn hết, trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay, để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, các doanh nghiệp đều phải lên phương án ứng phó, chẳng hạn như tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu từ các thị trường ít chịu ảnh hưởng bởi tỷ giá, tăng tỷ lệ nguyên liệu đầu vào sản xuất tại Việt Nam… cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường nhiều tiềm năng hơn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp cần chú ý đến tỷ giá hối đoái để lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi, doanh nghiệp cũng nên đa dạng hoá các đồng tiền thanh toán quốc tế, tránh việc chỉ sử dụng đồng USD.