VND giảm giá, ngược chiều với nhiều đồng tiền trong khu vực
(DNTO) - Tiền đồng đã giảm 1,5% từ đầu năm đến nay, tuy nhiên theo các chuyên gia mức giảm này nằm trong vùng chấp nhận được. Và về dài hạn, nhiều yếu tố tích cực cũng sẽ hỗ trợ VND.
Diễn biến trái ngược với nhiều đồng tiền trong khu vực
Báo cáo về thị trường tiền tệ tuần qua vừa công bố của SSI Research cho biết, tiền đồng tiếp tục giảm giá trong bối cảnh đồng USD đã bắt đầu hạ nhiệt trong nhiều tuần tăng giá. Nhiều yếu tố tạo sức ép khiến USD suy yếu như biên bản cuộc họp tháng 4 cho thấy khả năng ECB sẽ bắt đầu tăng lãi suất ngay trong tháng 7 (dự kiến 25 điểm cơ bản); Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ phát biểu khẳng định sẵn sàng can thiệp vào thị trường ngoại hối , đặc biệt Trung Quốc bất ngờ hạ một số lãi suất chính sách để hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản.
Tuần qua, trên thị trường liên ngân hàng, USD/VND tăng 0,3% lên 23.170/USD trong khi tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại tăng 80 đồng, kết tuần ở mức VND 23.000-23.310.
Điều này trái ngược với diễn biến nhiều đồng tiền chủ chốt trên thế giới như EUR tăng 1,46%, CHF tăng 2,66%, CNY tăng 1,42%,… Một số đồng tiền trong khu vực cũng phục hồi tốt như THB (bath Thái Lan) tăng 1,49%, PHP (Peso Philippines) tăng 0,44%, MYR (Ringgit Malaysia) tăng 0,22%,…
Như vậy, tiền đồng đã giảm 1,5% kể từ đầu năm.
"Diễn biến này một phần đến từ áp lực vĩ mô, áp lực lạm phát tăng trong khi lãi suất được Ngân hàng nhà nước giữ đi ngang nhằm hỗ trợ nền kinh tế", SSI Research nhận định.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức mất giá của VND vẫn thấp hơn mức đỉnh thời điểm tháng 3 năm 2020 và ở trong vùng chấp nhận được khi so sánh với các đồng tiền khác như CNY (Nhân dân tệ) mất giá 5,3% kể từ đầu năm, KRW (Won Hàn Quốc) mất 6,7%, INR (Rupee Ấn Độ) mất 4,3%...
Trong thời gian qua, thanh khoản trên hệ thống phần nào được hỗ trợ thông qua nghiệp vụ mua ngoại tệ từ Kho bạc Nhà nước (KBNN). Với tỷ giá hiện tại, dự kiến KBNN sẽ bơm khoảng 46 nghìn tỷ đồng. Trước đó vào tháng 3, KBNN cũng đã thực hiện bơm khoảng 57 nghìn tỷ đồng ra thị trường.
Liệu có tiếp tục giảm?
Xét về dài hạn, nhiều yếu tố sẽ hỗ trợ tiền đồng đến từ nguồn cung USD tích cực được kỳ vọng trong thời gian tới như giải ngân FDI, thặng dư cán cân thương mại và lượng kiều hối dồi dào.
Theo chuyên viên phân tích Đinh Thế Hinh từ Vndirect, trong năm nay, tiền đồng có thể sẽ chỉ dao động trong biên độ tương đối hẹp (+/-1%) so với USD, tỷ giá USD/VND ổn định ở mức 22.600-23.050.
Điều này là do các yếu tố cơ bản để giữ cho VND ổn định trong những năm gần đây vẫn được duy trì, bao gồm thặng dư tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối cao. Theo đó, thặng dư tài khoản vãng lai được chuyên gia kỳ vọng sẽ tăng lên 1,9% GDP trong năm nay từ mức thâm hụt dự kiến là 1,0% GDP vào năm 2021, cùng đó dự trữ ngoại hối cũng sẽ đạt 122,5 tỷ USD vào cuối năm nay (tương đương 4 tháng nhập khẩu) từ mức hiện tại là 105 tỷ USD.
Trong khi đó, theo VCBS đánh giá, nguồn cung ngoại tệ có xu hướng diễn biến không quá thuận lợi so với các năm trước do việc tăng nhập khẩu hàng hóa trong giai đoạn giá cả tăng cao, triển vọng xuất khẩu hàng hóa kém hơn kỳ vọng khi triển vọng kinh tế toàn cầu không được như mong đợi.
"Nhìn chung trong bối cảnh không thuận lợi từ thị trường thế giới đi cùng với những dự báo về triển vọng nguồn cung ngoại tệ đang tiếp tục ủng hộ cho kịch bản VND giảm giá so với USD. Chúng tôi duy trì dự báo giảm giá tương đối so với USD, với mức biến động không quá 2% cho cả năm 2022", VCBS nhận định.