'Nền kinh tế và thị trường chứng khoán đang chuyển sang trạng thái mới'
(DNTO) - SGI Cappital nhận định, giai đoạn cực đại của dòng tiền rẻ đã đi qua, cùng đó là sự chấm dứt của các gói kích thích kinh tế, sự vắng bóng của dòng tiền FOMO, kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán thời gian tới được cho là sẽ chuyển sang một trạng thái mới.
"Biển rộng sông dài mới có cá to"
Theo phân tích của các chuyên gia SGI Capital, chưa bao giờ các nhà đầu tư trong nước lại ngổn ngang nỗi lo như hiện nay, như lạm phát, lãi suất, Trung Quốc lockdown, Fed... tới việc chính phủ siết chặt với bất động sản và thị trường trái phiếu... Và điều này đang để lại hệ lụy khi mức định giá VN30 fw 2022 rơi vào mức 11.x, là mức thấp hiếm thấy, tương đương các giai đoạn khủng hoảng.
Tuy nhiên theo SGI, tin xấu và sự bi quan luôn là bạn tốt của nhà đầu tư bởi "Tin xấu càng nhiều, lo lắng và thận trọng càng lớn, định giá càng rẻ, và hiệu quả đầu tư sẽ càng cao".
Ngay cả với các chính sách, việc siết chặt hơn với thị trường thời gian vừa qua, trong khi nhiều nhà đầu tư lo lắng về việc “ném chuột vỡ bình” hay “nước quá trong thì không có cá” thì theo các chuyên gia, điều này lại là "điềm tốt".
"Việc siết lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp giúp giảm bớt sự cạnh tranh không lành mạnh của những doanh nghiệp yếu kém phát hành bằng mọi giá. Kiểm soát chặt hoạt động đầu cơ trên thị trường bất động sản và chứng khoán cũng giúp ổn định thị trường tài chính chung và hướng dòng tiền tới những địa chỉ lành mạnh, bền vững và hiệu quả hơn", SGI nhận định.
Có thể trước mắt việc thanh lọc và chấn chỉnh thị trường sẽ tạo những xáo trộn khiến dòng tiền đầu cơ ngắn hạn co lại, nhưng về lâu dài, điều này sẽ góp phần thu hút dòng tiền lớn và dài hạn tìm đến bởi "Ao tù nước đục chỉ có cá bé bơi, biển rộng sông dài mới là nơi cá to đàn lớn vẫy vùng".
Hiện tại, giai đoạn được tận hưởng dòng tiền rẻ và dễ dãi không còn nữa. Không chỉ nền kinh tế mà cả thị trường chứng khoán sẽ bước sang sự thay đổi mới. Các doanh nghiệp buộc phải đi bằng hai chân trong giai đoạn bình thường mới sau dịch bệnh, không còn gói kích thích, không còn dòng tiền FOMO (sợ bỏ lỡ) mà chỉ còn ở đó năng lực cạnh tranh và khả năng tận dụng cơ hội.
Những doanh nghiệp biết tận dụng tốt sẽ tăng trưởng với giá trị thực, tự tạo nên sự khác biệt của bản thân và giá trị cổ phiếu của họ.
Áp lực chưa qua
Theo SGI, thị trường đang đứng trước nhiều áp lực ngắn hạn mà nhà đầu tư phải thận trọng.
Thứ nhất, việc siết thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như tín dụng bất động sản tạo nhiều xáo trộn ngắn hạn lên thị trường vốn.
"Những doanh nghiệp là tâm điểm phát hành nhiều (có áp lực đáo hạn trong 1 năm - 2 năm tới) và những tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ, ngân hàng có quan hệ tín dụng trực tiếp sẽ chịu ảnh hưởng nhưng không tác động lên an toàn hệ thống chung", các chuyên gia nhận định.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài VN30 vẫn phát hành cổ phiếu ở mức cao đang tạo sức ép cho cổ đông của những doanh nghiệp này, nhất là trong bối cảnh dòng tiền không còn dễ dãi và mặt bằng định giá của nhiều cổ phiếu trong VN30 đã về mức thấp.
Những tháng tiếp theo, nhà đầu tư cũng cần lưu ý hai yếu tố. Trước hết, Trung Quốc thực hiện chính sách lockdown, nói không với Covid-19 có thể tác động tới kinh tế Việt Nam, đặc biệt những ngành phụ thuộc trực tiếp. Ngoài ra, chính sách thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng có thể tạo áp lực lên thị trường tài sản.
"We’re far from the shallow now” (tạm dịch: Bây giờ chúng ta không còn nông cạn nữa) là lời bài hát mà SGI Cappital muốn gửi nhà đầu tư trong tháng 5 này.