Mây đen bao phủ thị trường, lại một phiên đầy thử thách nhà đầu tư
(DNTO) - Lại tiếp tục một phiên giảm sâu của thị trường chứng khoán khi VN-Index thậm chí không thể giữ nổi mốc 1.400 điểm.
Phiên giảm điểm hôm nay đánh dấu phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp của thị trường chứng khoán, Vn-Index từ 1.477 điểm ngày 13/4 thì ngày 20/4 chỉ còn 1.384 điểm.
Bắt đầu từ phiên chiều thị trường chứng khoán đổ dốc theo chiều thẳng đứng, dẫu đâu đó có lực cản tuy nhiên khá mong manh không đỡ được đà đi xuống. Lại màu đỏ nhức nhối phủ trùm, sắc xanh chỉ le lói đâu đây khi toàn thị trường ghi nhận 162 mã tăng giá, nhưng có tới hơn 600 mã giảm giá.
Trong giai đoạn khó khăn, dòng tiền khá cẩn trọng với nhóm MidCap hay SmallCap khiến chỉ số của hai nhóm này giảm mạnh trên 2,8%. Trong khi đó, VN30 lại chứng tỏ được "bản lĩnh", trở thành nơi trú ẩn tốt của dòng tiền khi liên tục tăng giá vào cuối phiên sáng, tuy nhiên do sức ép của thị trường, kết phiên chỉ số này cũng quay đầu giảm nhẹ 0,3%.
GAS, VHM, GRV là ba mã bị bán tháo nhiều nhất trong phiên. Ở chiều ngược lại, MSN, VCB, SCB là ba mã được mua nhiều nhất, tuy nhiên so với thị trường chung thì lực mua vẫn yếu, không đủ sức nâng đỡ chỉ số Vn-Index.
Kết phiên, toàn thị trường ghi nhận duy nhất ba nhóm ngành tăng điểm là chế biến thủy sản, thực phẩm đồ uống, công nghệ thông tin với mức tăng trung bình lần lượt là 1,8%, 1% và 0,2%. Còn lại tất cả các nhóm ngành khác đều chung tình trạng mất điểm.
Chỉ hơn 24 ngàn tỷ đồng thanh khoản trong phiên, một con số quá khiêm tốn. Chứng khoán đang thử thách tâm lý nhà đầu tư quá lâu. Suốt hai tuần qua, sóng gió đã khiến nhiều người không giữ vững thành quả lâu nay đạt được. Sự chờ đợi dường như cũng đến giới hạn. Có lẽ vì vậy mà thị trường ghi nhận tình trạng tháo chạy rõ nét, nhiều nhà đầu tư kiên quyết rút chân bằng mọi giá.
"Sau cơn mưa trời lại sáng"
Nêu quan điểm về thị trường, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI, Nguyễn Duy Hưng cho biết, theo quan điểm của ông, so với giai đoạn thị trường tăng nóng ở đỉnh, thì hiện nay thị trường đang mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro cho nhà đầu tư.
Ông giải thích, trong bối cảnh lãi suất giá vốn không còn rẻ, cả thế giới đang kiểm soát cung tiền ra thị trường thì thị trường chứng khoán tất nhiên sẽ giảm điểm. Trong khi đó, việc cơ quan chức năng có biện pháp nặng tay với số nhóm thao túng thị trường, cũng như chấn chỉnh việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã ảnh hưởng giảm sâu đến thanh khoản và giá của một số mã chứng khoán. Tuy nhiên theo ông, điều này vẫn theo xu thế chung của thị trường thế giới.
Cũng theo ông Hưng, theo thống kê, thị trường luôn có điều chỉnh giảm 2 tháng đầu tiên sau khi tăng lãi suất, tuy nhiên chỉ sau 12 tháng thì đa số thị trường tăng điểm cao hơn so với trước. "Theo Bloomberg, P/E dự báo của thị trường Việt Nam cho 2022 tầm 13.5, khá là thấp. Trong đó có nhiều ngành nghề sẽ hưởng lợi trước tình hình hiện tại của thế giới", ông Hưng thông tin.
"Thị trường giảm bất kể vì lý do gì thì các nhà đầu tư đang giữ danh mục cổ phiếu đều thấy mất tiền và có cảm giác bi quan nhưng “qua cơn mưa trời lại sáng”, việc lành mạnh hoá thị trường luôn là yếu tố tích cực nhằm bảo vệ nhà đầu tư và cả nền kinh tế", ông Hưng nhận định.