Điểm mặt 10 cổ phiếu tăng giá theo chiều thẳng đứng, mặc 'sóng gió' bủa vây thị trường
(DNTO) - Hai tuần vừa qua, bấp chấp thị trường đầy biến động, nhiều cổ phiếu tăng giá thẳng đứng, đạt mức giá chạm đỉnh lịch sử.
Hai tuần vừa qua, tính trung bình, 10 cổ phiếu "sáng giá" nhất thị trường chứng khoán bao gồm: MSH (Công ty May Sông Hồng), CNG (Công ty CNG Việt Nam), DPR (Công ty Cao su Đồng Phú), BWE (Công ty Nước - Môi trường Bình Dương), MIG (Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội), TRC (Công ty Cao su Tây Ninh), BQS (Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Bình), VND (Công ty Chứng khoán VNDIRECT), VHC (Công ty Vĩnh Hoàn) và FMC (Công ty Thực phẩm Sao Ta).
Đặc biệt, 10 mã cổ phiếu tăng giá lập đỉnh mới trong bối cảnh thị trường biến động, chỉ số VN-Index từ mốc 1.516 điểm thì phiên hôm nay, 15/4, chỉ còn 1.458 điểm, tương đương với mức giảm 3,8%, thị trường trồi sụt lên xuống (có phiên tăng tới 24 điểm nhưng cũng có phiên mất tới 26 điểm).
Tăng mạnh nhất trong hai tuần qua, đầu tiên phải kể đến là MSH, với mức tăng trung bình 16,4%. Ngày 31/3, MSH mới chỉ dừng ở mốc 87.000 đồng/cp, thì hôm nay mã này đã đạt 101.000 đồng/cp.
Theo đánh giá từ các chuyên gia của Chứng khoán VCBS, thị trường xuất khẩu chủ đạo của MSH là tại Mỹ, trong khi đó nhu cầu tại thị trường này dự kiến tiếp tục tăng trưởng trong năm nay để đáp ứng nhu cầu bị dồn nén do Covid-19. Khách hàng lớn của MSH là Walmart cũng vừa công bố kết quả kinh doanh lạc quan.
Trong khi đó, nhà máy Sông Hồng 10 tại Nghĩa Hưng dự kiến đạt 100% công suất vào giữa năm nay, nâng tổng công suất lên 10%-20%. Lượng đơn hàng của MSH dự kiến gia tăng và chính sách mở cửa giúp xuất khẩu của doanh nghiệp này phục hồi tốt vào đầu năm sau.
Ngay sau MSH là cổ phiếu thuộc họ CNG, với mức tăng trung bình trong hai tuần qua là 16,2%, từ 37.000 đồng/cp ngày 31/3 lên mức 43.000 đồng/cp ngày 15/4.
Năm 2021, CNG ghi nhận kết quả kinh doanh khá ấn tượng khi doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 3.058 tỷ đồng và 108 tỷ đồng, tăng 31% và 65% so với năm 2020. Với kết quả này, CNG đã vượt 29% mục tiêu tổng doanh thu và 79% mục tiêu lãi trước thuế năm 2021.
Nhóm cao su với DPR và TRC giữ mức tăng trung bình lần lượt 14,9% và 11,3% trong hai tuần qua. Nhóm ngành này được hưởng lợi từ tình hình địa chính trị thế giới với giá dầu không ngừng tăng lên. Cao su cũng là sản phẩm quan trọng trong ngành lọc hóa dầu nên giá cao su cũng đạt đỉnh đầu năm qua.
Bên cạnh đó, giai đoạn 2022- 2024 được dự báo là chu kỳ tăng mạnh của giá cao su do nguồn cung đang giảm dần (diện tích vườn cao su trên thế giới giảm và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu). Xuất khẩu cao su của Việt Nam sang các thị trường lớn được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022.
Một trong những cổ phiếu khá im tiếng trên thị trường nhưng lại giữ được đà tăng khá tốt là BWE, thuộc nhóm ngành nước. Cuối tháng 3, mã này mới chỉ dừng lại tại 51.900 đồng/cp thì ngày cuối tuần hôm nay, mã này đã lên 59.000 đồng/cp. Ngày 14/4, mã này đã tăng kịch trần với mức gần 7%.
Thành quả hôm nay của BWE được hỗ trợ từ kết quả kinh doanh ấn tượng của doanh nghiệp này. Quý 1, BWE dự kiến tổng doanh thu đạt 891 tỷ đồng, tăng 19% và lợi nhuận sau thuế 198 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia của SSI Research, nhu cầu tiêu thụ nước dự báo sẽ tăng ổn định 6% trong năm tới. Theo định hướng đến năm 2025, Việt Nam hướng đến mục tiêu tỷ lệ tiếp cận nước sạch được cung cấp tập trung ở khu đô thị là 100% với tiêu chuẩn tiêu thụ 120 lít/người/ngày, cũng là tiền đề tốt cho các doanh nghiệp ngành nước phát triển.
Các mã thuộc nhóm ngành thủy hải sản như VHC, FMC cũng được dự đoán sẽ có đà tăng tốt trong năm 2022 khi nhu cầu xuất khẩu tăng lên. Một số yếu tố khác hỗ trợ cổ phiếu ngành này như các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây với Nga kỳ vọng sẽ tạo khoảng trống thị trường cho các quốc gia đối thủ, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường.
Kết phiên giao dịch ngày 15/4, VN-Index giảm hơn 13 điểm còn 1.458,56 điểm, HNX-Index giảm 6,98 điểm xuống 416 điểm, UPCoM-Index giảm 1,05 điểm (0,93%) về 112 điểm.