VIC 'ngược chiều' tăng giá mặc thị trường lao đao
(DNTO) - Một phiên giao dịch giảm mạnh khi VN-Index tiếp tục đánh mất thêm 20 điểm, hoàn toàn xuyên thủng mốc 1.500 điểm. VIC bất ngờ trở thành điểm sáng nỗ lực cứu nguy cho thị trường.
Mã VIC của vị tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 8/4, với mức tăng trung bình 2,7%, trở thành mã có đóng góp tích cực nhất đến thị trường trong bối cảnh thị trường có tới hơn 700 mã giảm giá, 64 mã giảm sàn.
Với hơn 5,1 triệu cổ phiếu được giao dịch trong phiên, VIC cũng góp phần đưa nhóm ngành bất động sản hồi phục trở lại. Phiên giao dịch hôm nay bắt đầu ghi nhận đà tăng của nhóm ngành này với mức tăng trung bình 0,05% và đây cũng là nhóm ngành duy nhất có sắc xanh trong phiên.
Đà tăng của VIC sau một thời gian dài trầm lắng được cho là đến từ thông tin đến từ việc công ty VinFast Trading & Investment Pte. Ltd., một công ty con được thành lập tại Singapore của Tingroup, công bố đã nộp dự thảo hồ sơ niêm yết sơ bộ lên Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) liên quan đến việc đề xuất chào bán cổ phiếu phổ thông ra công chúng.
Ngoài ra, thông tin lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của VinGroup năm tăng 821 tỷ đồng sau kiểm toán cũng đã hỗ trợ mạnh mẽ cho đà tăng của VIC trong phiên hôm nay, bất chấp việc nhiều thông tin tiêu cực về tập đoàn này được đồn đoán trong thời gian gần đây.
Chỉ số VN-INdex chỉ kịp tăng nhẹ trong đầu giờ sáng và ngay sau đó bắt đầu đi xuống, đặc biệt trong phiên ATC, đà bán tháo trên diện rộng với khối lượng cổ phiếu lớn khiến hàng loạt mã rơi vào tình trạng giảm giá, sắc đỏ phủ trùm. Đóng cửa, VN-Index giảm 20,35 điểm (1,35%) còn 1.482 điểm, HNX-Index giảm 9,59 điểm (2,17%) xuống 432,02 điểm, UPCoM-Index giảm 1,97 điểm (1,7%) xuống 113,84 điểm.
Kết quả của phiên giao dịch đi ngược lại nhận định của nhiều công ty chứng khoán sau phiên giảm ngày 7/4 khi đa số các chuyên gia đều cho rằng mốc 1.500 sẽ được giữ vững. Tuy nhiên, điều khó ai lường trước được là thị trường xuất hiện khá nhiều thông tin không mấy tích cực như Bộ Công an đề nghị 8 ngân hàng cung cấp hồ sơ liên quan đến lãnh đạo FLC.
Phiên hôm nay ghi nhận dấu hiệu dòng tiền bắt đầu rút khỏi thị trường, nhà đầu tư có xu hướng tháo chạy. Những nhà đầu tư kiên định ở lại thì khá cầm chừng thận trọng mua vào. Điều này cho thấy sự quan ngại nhất định của nhà đầu tư về sự gia tăng rủi ro đầu tư trong ngắn hạn.
Khối ngoại cũng tiếp tục bán ròng với giá trị bán ròng gần 300 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia phân tích, nhà đầu tư cần bình tĩnh trước thông tin nhận được để bảo toàn dòng vốn, đồng thời có thể cân nhắc "mượn" đà giảm của thị trường để gia tăng thêm tỉ trọng của các cổ phiếu triển vọng, ngoài ra cần chú ý tiếp tục tuân thủ chặt chẽ kỷ luật đầu tư và không lạm dụng đòn bẩy trong giai đoạn "tranh tối tranh sáng" như hiện tại.