Làm gì để phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp?
(DNTO) - Cùng với cổ phiếu và dịch vụ ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp là 1 trong 3 kênh dẫn vốn chính cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thị trường phát triển nhanh đã phát sinh các rủi ro tiềm ẩn cho nhà đầu tư, thị trường vốn...
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đây là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng. Hàng năm hệ thống ngân hàng đưa ra nền kinh tế 1,4 - 1,5 triệu tỷ đồng, 45% trong đó là vốn trung và dài hạn. Như vậy, nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế rất lớn. Ước tính giai đoạn 2022 - 2025, nền kinh tế cần 3,15 triệu tỷ đồng/năm để đầu tư toàn xã hội. Trong khi vốn nhà nước chỉ chiếm 25% - 26%, còn lại phải huy động nguồn lực bên ngoài. Từ đó cho thấy vai trò quan trọng của thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nói riêng.
“Ngoài vai trò là kênh huy động vốn, thị trường trái phiếu góp phần phát triển lành mạnh, cân đối hệ thống tài chính. Bên cạnh đó, việc phát hành TPDN góp phần đa dạng hoá kênh đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm tài chính khi thị trường TPDN phát triển. Đây còn là kênh huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân và DN hay tổ chức khác, hạn chế tình trạng vàng hóa, đô la hóa; huy động vốn cả trong và ngoài nước bằng cách đầu tư qua quỹ hay trực tiếp” – TS. Cấn Văn Lực nói.
Tuy nhiên, thị trường phát triển nhanh đã phát sinh các rủi ro tiềm ẩn. Theo ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính, thị trường TPDN xuất hiện nhiều rủi ro trước hành vi mua bán chui trái phiếu riêng lẻ, doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn không đúng với thông tin đã công bố…
Tại tọa đàm “Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, diễn ra hồi tháng 4 vừa qua tại TP.HCM, nêu giải pháp phát triển thị trường TPDN, TS. Cấn Văn Lực cho rằng nên để thị trường tự điều chỉnh, chứ không phải là các hoạt động can thiệp, kiểm tra, giám sát quá chặt để doanh nghiệp không thể phát hành trái phiếu được. Nhất là trong bối cảnh tiếp cận vốn xưa nay là một điểm nghẽn lớn của thị trường tài chính, trong khi thị trường trái phiếu và thị trường vốn còn rất nhiều dư địa phát triển. Cụ thể, quy mô thị trường vốn hiện chiếm khoảng 17,5% GDP, rất thấp so với Trung Quốc là 35,7%; Hàn Quốc 87% GDP; Singapore khoảng 36,5% GDP, Thái Lan khoảng 25% GDP… trong khi quy mô nền kinh tế của những quốc gia này là rất lớn.
Ông Lực cũng kiến nghị giải pháp về thị trường thứ cấp như theo dõi, giám sát việc sử dụng tiền huy động sau phát hành. Do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ khó có đủ nguồn nhân lực để thực hiện giám sát, kiểm soát dòng vốn sau phát hành hiệu quả, nên vấn đề chủ yếu là cam kết của doanh nghiệp ở bản cáo bạch, trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp. Sau đó, nhà đầu tư thông qua các quỹ đầu tư để mua TPDN thì các quỹ này sẽ có trách nhiệm theo dõi.
Ông Lực nhấn mạnh: Tiêu chí, tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng cần nâng lên, gia tăng chất lượng nhà đầu tư cá nhân. Đặc biệt, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý. Trong lần sửa đổi này, các chuyên gia đang tham vấn, kiến tạo thị trường mà vẫn kiểm soát được rủi ro…
Góp phần nêu giải pháp, TS. Lê Anh Tuấn - Giám đốc đầu tư vốn cổ phần Quỹ Dragon Capital cho rằng, bắt buộc doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có đánh giá tín dụng.
"Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh chia lửa cho thị trường ngân hàng. Do đó, đối với thị trường Việt Nam, tôi cho rằng khi kiểm tra giám sát không nên làm quá chặt hoặc quá lỏng mà cần có cơ chế thị trường để họ tự điều tiết, để nhà đầu tư thấy được rủi ro nằm ở đâu", ông Tuấn nói.
Vậy làm sao để kiểm soát? Theo ông Tuấn, gần đây, có khoảng 2-3 công ty được Ủy ban chứng khoán nhà nước và Ngân hàng Nhà nước được cấp phép cho đánh giá tín dụng, xếp hạng tín nhiệm. Ông cho rằng, ở điều kiện tối thiểu nhất của trái phiếu phát hành doanh nghiệp, cần đánh giá tín dụng. Thậm chí bắt buộc tất cả những doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều phải đánh giá cơ chế tín dụng từ những tổ chức được cấp phép này...
Từ tháng 9/2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ có 4 công điện chỉ đạo về việc tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Việc xử lý nghiêm một số tổ chức phát hành trái phiếu không tuân thủ các yêu cầu của pháp luật. Điển hình như vụ việc tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa qua cho thấy các cơ quan chức năng đang quyết tâm lập lại trật tự trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Tại Hội nghị Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, thông điệp của Chính phủ là làm trong sạch, lành mạnh thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp, đưa thị trường vào quỹ đạo phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững.