Vinacappital: 'Thị trường sẽ tích cực hơn trong phần còn lại của năm 2022'
(DNTO) - Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục và từ nay đến cuối năm thị trường được dự đoán sẽ có nhiều diễn biến tích cực, các chuyên gia nhận định về thị trường chứng khoán trong nước.
Mức giá hợp lý cho đầu tư dài hạn
Thị trường chứng khoán trong nước đang trải qua giai đoạn giảm giá mạnh, tiêu biểu như ngày 25/4, chỉ số VN-Index đã mất tới 68 điểm, chỉ còn 1.310 điểm. Nhiều cổ phiếu vốn hóa bị bán tháo, cộng thêm đó là giá trị thanh khoản sụt giảm khiến tâm lý nhà đầu tư hoảng loạn.
Tuy nhiên, ở góc nhìn lạc quan, quỹ đầu tư VinaCapital vẫn dành nhiều kỳ vọng cho thị trường.
"Chúng tôi tự tin thị trường có thể vượt qua những sự kiện tiêu cực trong ngắn hạn và diễn biến tích cực hơn trong phần còn lại của năm 2022", các chuyên gia nhận định về thị trường chứng khoán.
Trước hết, nền kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi tốt sau đại dịch, với GDP được dự báo tăng khoảng 6,5% trong năm nay. Một điều quan trọng là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo tăng trưởng tốt, với khả năng sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận trung bình 20% trong năm.
Những nguyên nhân trên là bàn đạp quan trọng hỗ trợ thị trường trong thời gian tới.
Cũng theo tâm thư của VinaCapital giử các nhà đầu tư, hiện tại thị trường đang ở mức giá rất hợp lý cho đầu tư dài hạn, với mức P/E được tính toán trong năm 2022 là 11,5 lần. Con số này đang thấp hơn hẳn so với mức trung bình 5 năm gần nhất (14,5 lần).
Do đó, giai đoạn biến động hiện nay chính là cơ hội cho nhà đầu tư cá nhân. "Thay vì bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông thì quý nhà đầu tư nên thật bình tĩnh và thấy đó là một cơ hội tiềm năng để đầu tư thêm với giá rẻ hơn", các chuyên gia nhận định.
Đi tìm căn nguyên vấn đề
VinaCapital đã chỉ ra 3 nguyên nhân khiến thị trường giảm giá sâu trong thời gian qua.
Thứ nhất, việc Tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh vướng vào vòng lao lý liên quan đến những sai phạm trong hoạt động thao túng cổ phiếu và phát hành trái phiếu, khiến tâm lý của nhà đầu tư lo lắng sẽ có tác động dây truyền đến nhiều doanh nghiệp khác, nhất là những doanh nghiệp có tình hình tài chính không tốt hoặc có dấu hiệu không minh bạch trong phát hành trái phiếu.
Chính điều này khiến nhiều cổ phiếu bị đẩy giá quá cao trong năm 2021, nhưng kết quả kinh doanh không tốt, đồng loạt bị nhà đầu tư bán tháo, nguyên nhân dẫn đến việc bán giải chấp cổ phiếu (margin call) trên diện rộng trong những ngày qua. Hậu quả, ngay cả những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt cũng bị đem ra bán giải chấp để trả tiền vay mua chứng khoán, gây ảnh hưởng đến toàn thị trường chung.
Ngoài ra, nhiều yếu tố vĩ mô bên ngoài cũng tác động không nhỏ đến thị trường như xung đột Nga-Ukraina; lạm phát tăng cao ở nhiều nước, Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất và tình hình dịch bệnh bùng phát tại một số nơi ở Trung Quốc.
Mặt khác, thị trường chứng khoán thế giới diễn biến không tích cực trong những ngày qua. Chỉ số S&P 500 của Mỹ giảm 2,8% trong ngày 22/4; chỉ số CSI 300 của Trung Quốc giảm 4,9% trong ngày 25/4. Tính từ đầu năm, S&P 500 đã giảm 10,4%, còn CSI 300 giảm 22,8%.
Trong tình hình chung như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam bị tác động trong ngắn hạn là điều khó tránh khỏi. "Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi" (Warren Buffett), là điều VinaCapital muốn gửi đến các nhà đầu tư.
Kết phiên giao dịch ngày 26/4, VN-Index đã lấy lại được sắc xanh sau nhiều phiên giảm giá. VN-Index tăng hơn 30 điểm lên 1.341 điểm, HNX-Index tăng hơn 7 điểm đạt 345 điểm, UPCoM-Index tăng hơn 1 điểm lên 101 điểm. |