Hết thời vay tiền lãi suất thấp?
(DNTO) - Lãi suất huy động của nhiều ngân hàng tăng cao ở hầu hết các kỳ hạn trong tháng 5, khiến cho áp lực lên lãi suất cho vay ngày càng lớn.
Lãi suất huy động tăng nhanh
Tháng 5/2022 ghi nhận đà tăng của lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng với mức huy động đạt trên 7%, thậm chí là 7,5% ở một số kỳ hạn, quay lại tương đương với thời kỳ trước khi diễn ra dịch bệnh Covid-19. Có thể kể đến một số ngân hàng như: Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), ngân hàng HDBank, Á Châu (ACB) hay Techcombank...
SCB hiện đang dẫn đầu về lãi suất huy động tiết kiệm mới tăng khoảng 0,1 - 0,3%/năm, trong đó lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên 6%/năm; 9 tháng lên 6,5%/năm; 12 tháng lên 7,3%/năm và thậm chí là 7,6%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, áp dụng cho số dư tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên.
Tại HDBank mức lãi suất huy động cao nhất 7,15%/năm với số dư tối thiểu từ 300 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng. Techcombank cũng duy trì lãi suất 7,1% áo dụng với mức tiền gửi từ 999 tỷ trở lên và khách hàng cam kết không được tất toán trước hạn.
Tỷ lệ tăng lãi suất khác nhau ở mỗi kỳ hạn, với mức tăng trung bình khoảng 30 – 50 bps so với cuối năm 2021. Đặc biệt, một tháng trở lại đây, đà tăng có dấu hiệu rõ rệt ở các ngân hàng thương mại cổ phần, trong khi đó nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước chưa có động thái nào.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ngày càng cao, thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp đang có nhiều dấu hiệu rủi ro thì việc chạy đua tăng lãi suất huy động của các nhà băng là biện pháp hữu hiệu để hút vốn cho nền kinh tế.
Theo các chuyên gia từ SSI, tín dụng tăng cao đang khiến chênh lệch giữa tín dụng – huy động vốn hiện nay đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm nay. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng tính đến ngày 25/4 đã tăng 6,75% so với cuối 2021 (tương đương 16,4% so với cùng kỳ) trong khi huy động vốn chỉ tăng 3,55% (tương đương 10,7% so với cùng kỳ).
Trong khi đó, nỗi lo lạm phát đang ngày càng lớn hơn khi giá xăng dầu leo thang kéo theo giá cả nhiều mặt hàng tăng theo. Báo cáo mới công bố của Vietcombank Securities (VCBS) dự báo, lạm phát tháng 5 có thể tăng 0,4- 0,5% so với tháng trước, tương ứng tăng 2,88% - 2,98% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, cho cả năm 2022, các chuyên gia nhận định không loại trừ khả năng lạm phát có thể vượt trên mức mục tiêu mà Quốc hội đề ra khi diễn biến thị trường thế giới không thuận lợi.
"Lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng 100-150 bps trong cả năm 2022", VCBS nhận định.
Lãi suất cho vay còn "cửa" giảm?
Việc tăng cao của lãi suất huy động cộng với tăng trưởng tín dụng sẽ gây áp lực lên lãi suất cho vay là điều khó tránh khỏi.
VCBS dự báo lãi suất cho vay sẽ ghi nhận áp lực tăng, tuy nhiên sẽ có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động. Cùng với đó, lãi suất cho vay sẽ có sự phân hoá giữa mức tăng và thời điểm tăng giữa các ngành nghề.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, lãi suất cho vay sẽ khó tăng đột ngột do Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt cung tiền, lạm phát chi phí đẩy vì thế được kiềm chế nhanh. Và thực tế, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra mục tiêu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1 điểm % trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên, đặt mục tiêu phục hồi kinh tế trong ngắn hạn.
Theo chuyên gia Đinh Quang Huy của VNDIRECT, "Ngân hàng Nhà nước vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp. Bất kỳ sự thắt chặt tiền tệ nào sẽ chỉ diễn ra vào nửa cuối 2022 (xác suất cao hơn vào quý4/2022) và mức tăng (nếu có) sẽ hạn chế, khoảng 0,25-0,5%".
Nói về gói cấp bù lãi suất với quy mô lớn đang được Ngân hàng Nhà nước triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp, theo ông Đinh Quang Huy, một mặt gói hỗ trợ này có thể giúp giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung bình từ 20-40 điểm cơ bản trong năm 2022. Tuy nhiên, tác động thực tế của gói chỗ trợ này đối với doanh nghiệp và nền kinh tế có thể thấp nếu các ngân hàng thương mại có chính sách tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay thông thường khác để bù đắp việc tăng lãi suất huy động.
Điều này cũng có nghĩa gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2% cho doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ không còn nhiều ý nghĩa. Việc tăng lãi suất sẽ không còn là câu chuyện một sơm một chiều. Và với các doanh nghiệp, điều quan trọng nhất hiện nay là một chính sách tiền tệ “phù hợp” ít nhất trong 3-6 tháng tới để hỗ trợ phục hồi trong giai đoạn sau đại dịch.