Lãi suất biến động theo áp lực lạm phát, doanh nghiệp 'méo mặt' lo vốn vay
(DNTO) - Trong bối cảnh lạm phát leo thang, các ngân hàng được dự báo sẽ tăng lãi suất để củng cố "sức khỏe" cho thanh khoản, hiện tại đã có một số ngân hàng tăng lãi suất cho vay khoảng 0,5%/năm so với mức lãi suất năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp và người kinh doanh lo lắng sẽ khó trụ nổi.
Doanh nghiệp phập phồng lo lãi suất tăng
Hiện nay nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp đã bắt đầu ấm dần sau hơn hai năm chống chọi với dịch bệnh. Tuy vậy, đa số các nhà sản xuất, kinh doanh đều vay vốn từ ngân hàng. Vậy nên khi lãi suất đầu vào tăng thì lãi suất đầu ra cũng khó có thể đứng im. Chưa kịp mừng vì hoạt động sản xuất - kinh doanh bắt đầu khôi phục, nay lại phải đối mặt bài toán về chi phí đầu vào tăng, bao gồm cả chi phí lãi vay do lãi suất tăng.
Mới đây, đã có một số ngân hàng tăng lãi suất cho vay khoảng 0,5%/năm so với mức lãi suất năm ngoái. Việc lãi suất tăng khiến cho nhiều doanh nghiệp hoạt động bằng vốn vay ngân hàng "đứng ngồi không yên".
“Hiện nay, doanh nghiệp đã quá chật vật với giá xăng dầu tăng cao, kèm théo giá nguyên vật liệu, cước phí vận chuyển đều đã tăng 30%-50% so với năm ngoái. Nếu lãi suất cho vay lại nối đà tăng tiếp sẽ là “đòn chí mạng” vào sức khỏe doanh nghiệp", ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc Công ty Xây dựng Việt Thủy (Hà Nội), trần tình.
Như với ngành may mặc, nhiều đơn vị quy mô nhỏ phải vay vốn với lãi suất cao, trên 7%/năm. Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, nhận định với báo chí: "Mức lãi suất này vẫn cao với các doanh nghiệp xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, nhiều nguyên vật liệu như bông, sợi tăng giá từ 30 - 40%.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP HCM, cho biết, chưa kịp trở lại "đường đua" thì nhiều doanh nghiệp lại vấp phải khó khăn khi giá nguyên vật liệu tăng mạnh. Riêng ngành cao su - nhựa, giá nguyên vật liệu đầu vào đã tăng thêm 10%-30%, thậm chí một số loại tăng tới 50% khi Trung Quốc áp dụng biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, ảnh hưởng chuỗi cung ứng. Điều này buộc doanh nghiệp phải vay vốn nhiều hơn nhằm bù đắp phần chi phí tăng thêm để giữ sản lượng như cũ.
"Trong khi đó, một số doanh nghiệp trong hội cho biết phía ngân hàng đã thông báo áp dụng lãi suất cho vay tăng thêm từ 0,5 - 1 điểm % so với năm ngoái. Với mức lãi vay hiện tại sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp", ông Quốc Anh bày tỏ.
Kịch bản nào cho lãi suất ngân hàng?
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh bày tỏ: “Cũng không tránh được việc các ngân hàng nâng lãi suất khi họ lường trước khả năng lạm phát tăng trong năm nay. Tuy nhiên, lãi suất đầu ra vẫn đang ổn định và ngân hàng chưa có kế hoạch tăng bởi chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là phải hạ thêm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp".
Thực tế, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng phụ thuộc vào tình hình sức khoẻ tài chính của từng ngân hàng. Ngân hàng nào có thanh khoản tốt, mức độ rủi ro nợ xấu thấp, có tài sản đầu ra chất lượng, cơ cấu nguồn thu đa dạng…, sẽ có phần an tâm hơn và có điều kiện tốt hơn để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Ngược lại, những ngân hàng còn chật vật thanh khoản, lệ thuộc nhiều vào tín dụng, có những rủi ro chưa kiểm soát được… thì đâu đó có thời điểm họ vẫn phải đẩy lãi suất huy động lên, điều này sẽ tác động tới lãi suất đầu ra của họ.
Nêu quan điểm, TS. Đinh Thế Hiển, cho hay, lãi suất cho vay hiện được các ngân hàng thương mại áp dụng theo cung - cầu thị trường và có sự cạnh tranh rất lớn giữa ngân hàng thương mại trong và ngoài nước. Vì vậy, đang có sự phân hóa rất lớn về lãi suất cho vay giữa các ngân hàng thương mại đối với doanh nghiệp. Đơn vị nào có dự án tốt, tài chính tốt sẽ có mức lãi suất vay thấp và ngược lại. Do đó, với các doanh nghiệp, lúc này bên cạnh việc ổn định lãi suất thì cần tái cấu trúc, có phương thức đầu tư, kinh doanh và quản lý tài chính phù hợp trong giai đoạn phục hồi sau dịch.
"Lãi suất cho vay có thể đã chạm đáy thời gian qua và khó giảm thêm trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng, lãi suất đầu vào đi lên và bài toán về nợ xấu tiềm ẩn của hệ thống ngân hàng… Vì vậy, vấn đề quan trọng lúc này là ngân hàng nhà nước phải kiểm soát để nắn dòng vốn tín dụng đổ đúng vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất - kinh doanh", TS Đinh Thế Hiển nói.
Ở góc độ vĩ mô, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV kiến nghị: "Ngân hàng nhà nước cần theo sát, phân tích và dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế. Xây dựng kịch bản nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng nhanh lãi suất dẫn tới những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu, cấp thiết xây dựng lộ trình và phối hợp thực thi kế hoạch tăng giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, đặc biệt là xăng dầu, điện, dịch vụ y tế - giáo dục…, một cách phù hợp, tránh giật cục, không phù hợp thời điểm nhằm giảm thiểu tâm lý lạm phát", TS Cấn Văn Lực cho hay.