Cần luật hóa Nghị quyết 42 để ngân hàng thoát cảnh ‘đứng cho vay, quỳ đòi nợ’
(DNTO) - Tình trạng “đứng cho vay, quỳ thu nợ” đã diễn ra trong ngành ngân hàng từ lâu, là nỗi ám ảnh lớn nhất của các ngân hàng thương mại. Nhiều ý kiến cho rằng cần luật hóa Nghị quyết 42, vì đã đến lúc luật pháp, hành pháp phải xoay chiều cho phù hợp với nguyên lý của nền kinh tế thị trường.
Giải quyết nợ xấu – Bài toán đau đầu của các nhà băng
Về vấn đề này, cán bộ xử lý nợ một ngân hàng than trời bởi những trường hợp phải xử lý nợ như thu hồi tài sản đảm bảo, hay niêm phong bất động sản đều là “cực chẳng đã”. Khách hàng chây ỳ không trả nợ, để phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu kéo dài khiến ngân hàng buộc phải dùng các biện pháp thu hồi tài sản bảo đảm để tránh phát sinh nợ xấu.
Theo quy định, ngân hàng cho vay tối đa 70% giá trị tài sản bảo đảm và về lý thuyết, khi khách hàng không trả được nợ, với tài sản bảo đảm ngân hàng hoàn toàn có thể thu hồi được nợ mà không bị mất vốn.
Thế nhưng thực tế không đơn giản. Với các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao thì nỗi vất vả còn nhân lên gấp bội với rất nhiều sức ép. Điều này có thể hiểu vì sao một số ngân hàng đã phải trực tiếp đứng ra “xiết nợ” bằng cách niêm phong căn hộ là tài sản thế chấp của khách hàng mà không đợi khởi kiện ra tòa.
"Quá trình thu hồi nợ được chúng tôi thực hiện theo đúng trình tự pháp luật, song chủ sở hữu bất hợp tác, gây khó khăn và thậm chí vu vạ, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh thương hiệu của ngân hàng”, đại diện ngân hàng chia sẻ.
Hay như sự việc tại Công ty Cổ phần Khách sạn Hoàng Cung (Huế), cả ngân hàng Agribank, VietinBank và Vietcombank đều đang mắc kẹt nhiều năm qua. Theo cán bộ tín dụng phụ trách, doanh nghiệp chây ỳ và không hợp tác đã đành, quá trình tố tụng trở nên bế tắc khi có thêm rủi ro mới. Sau gần ba năm theo đuổi, tưởng như tòa sẽ mở, nhưng vụ việc lại xuất hiện tình huống oái ăm khi khách sạn Hoàng Cung xảy ra hai tranh chấp nội bộ về người đại diện và về giao dịch cổ phần. Ba năm theo đuổi của các ngân hàng đã bị tòa bác bỏ vì tòa yêu cầu chờ kết quả giải quyết hai tranh chấp nội bộ trước, mà không rõ đến bao giờ mới xong.
Cùng chung nỗi khổ, đại diện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), cho biết: Thu hồi nợ xấu đang là bài toán đau đầu đối với nhà băng hậu Covid-19. Nếu ngân hàng xử lý không khéo thì hình ảnh sẽ bị xấu đi, bên ngoài nhìn vào lầm tưởng ngân hàng đang dồn khó cho người dân. Trong khi ở đây vay mượn là thỏa thuận hai bên cùng ký. Thu hồi nợ đó là nhiệm vụ ngân hàng buộc phải làm khi đã hết cách xử lý vì tiền không phải của ngân hàng mà thực tế là tiền của huy động của người dân, của Nhà nước.
Cần thiết luật hóa NQ42
Dựa trên hiệu quả thực tế trong quá trình xử lý nợ xấu, đại diện PVcomBank đề xuất tiếp tục duy trì NQ42; đồng thời luật hóa văn bản này để tạo hành lang pháp lý nhằm phát huy những điểm phù hợp và tích cực đã có.
Song song đó, bổ sung một số điểm mà NQ42 chưa đề cập để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức tín dụng hiện nay; điều chỉnh quan hệ xã hội của các chế định pháp luật nói chung theo quy định của Nghị quyết 42 nhắm tới mục đích kiểm soát và điều chỉnh tỷ lệ nợ xấu trong quan hệ tín dụng của các tổ chức tín dụng.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế thừa nhận, thu hồi nợ là một trong những vấn đề khiến việc xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều việc phải làm.
Ông Lực đặt ra câu hỏi về sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là phía lực lượng công an, chính quyền địa phương trong những vấn đề tương tự khi các doanh nghiệp, cá nhân cố tình không trả nợ. Theo ông, công tác cưỡng chế rõ ràng đang có “vấn đề”, bởi có khi tòa án đã ra quyết định cuối cùng nhưng chẳng tìm thấy con nợ đâu.
TS Cấn Văn Lực khuyến nghị, Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội sớm tổng kết Nghị quyết 42, tiến tới luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan. Hoặc, ít nhất là gia hạn trong khoảng thời gian 3 năm để chuẩn bị cho dự thảo luật, cũng như kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nêu trên.