Kỳ vọng tháo gỡ nợ xấu ngân hàng
(DNTO) - Qua thời bị "nén", nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ đến lúc "lộ", nhất là khi thời hạn cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 kết thúc trong năm nay. Lo lắng là vậy nhưng ở mặt tích cực, giới chuyên môn vẫn kỳ vọng rủi ro này sớm được tháo gỡ.
Sẽ giảm nhẹ trong năm 2022
Phát biểu trong cuộc họp báo cách đây ít lâu, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho biết, ước tính tỷ lệ nợ xấu (trong đó bao gồm nợ xấu được công bố, nợ xấu tồn đọng & VAMC, dư nợ tái cơ cấu) chiếm khoảng 7,3% tổng dư nợ vào cuối năm nay. Tỷ lệ này gần tương đương với năm 2017.
Cũng theo tính toán đến từ các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI, tỷ lệ nợ nhóm 2 và nợ xấu của nhóm ngân hàng mà công ty theo dõi, tăng lần lượt là 52% và 29,7% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của nhóm ngân hàng này sẽ giao động khoảng 3,5% đến 4% vào cuối năm.
Có thể nói, đây là gánh nặng của nhiều tổ chức tín dụng. Đặc biệt, khi Thông tư 16/2021 có hiệu lực, các ngân hàng không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp để cơ cấu lại các khoản vay và thời hạn hiệu lực của Thông tư 14 kết thúc, nợ xấu khi đó mới thực sự được hé lộ rõ nét.
Trao đổi với Doanh Nhân Trẻ, một chuyên gia ngân hàng cho biết, ông kỳ vọng nợ xấu giai đoạn này sẽ được xử lý nhanh hơn giai đoạn trước (năm 2017-PV)
"Nợ xấu thì ở thời điểm nào và với quy mô nào cũng đều không tốt. Nhưng nếu nợ xấu mà ta hiểu rõ nó đến từ nguyên nhân khách quan thì chúng ta vẫn có quyền hy vọng. Con số 7.31% nợ xấu năm nay đương nhiên cũng đáng ngại nhưng nó mới chỉ thể hiện một phần của nền kinh tế và sự tác động của dịch bệnh", vị chuyên gia nhận định.
Ngay cả bản thân các tổ chức tín dụng cũng nhìn nhận tích cực về vấn đề này. Trong khảo sát mới đây của Ngân hàng Nhà nước, về xu hướng tín dụng, các tổ chức tín dụng nhận định tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu “tăng nhẹ” trong quý 4 vừa qua nhưng họ tin tưởng, tỷ lệ này sẽ “giảm nhẹ” trở lại trong quý 1/2022. Theo đó, 72,2-84,2% các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý 1 và cả năm 2022 với mức độ cải thiện cao hơn so với năm 2021.
Ngay bản thân phía Ngân hàng nhà nước đã có nhiều biện pháp tiếp tục hoàn thiện khung quy định về chất lượng tài sản và đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong năm 2022 với Thông tư 11/2021 về phân loại dư nợ và trích lập dự phòng, Thông tư 23/2021 sửa đổi Thông tư 52/2018 về việc đánh giá các tổ chức tín dụng và Thông tư 16/2021 về siết chặt mua trái phiếu doanh nghiệp.
“Nợ xấu tăng lên là nợ xấu của nền kinh tế và tất cả cùng gánh vác, giải quyết. Ngân hàng Nhà nước đã và đang xác định quy mô, mức độ nợ xấu có thể diễn ra trong năm 2022 cũng như những năm tới để có giải pháp ứng xử thích hợp trên cơ sở vừa ngăn chặn, vừa kiểm soát không để nợ xấu tăng thêm”, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước nhấn mạnh.
Đi tìm lời giải
Nói về các giải pháp, theo vị chuyên gia ngân hàng mà bài viết đã đề cập phía trên, cho biết, vấn đề sẽ nằm ở mối quan hệ giữa các ngân hàng và phía doanh nghiệp.
"Nợ xấu sẽ sớm bộc lộ vì giai đoạn trước bị nén chịu. Nếu ngân hàng và doanh nghiệp ngồi lại với nhau, hỗ trợ nhau để đưa doanh nghiệp quay trở lại trạng thái kinh doanh bình thường, thì theo tôi nợ xấu sẽ sớm được xử lý. Hỗ trợ giai đoạn vừa qua chủ yếu dành cho vấn đề cơ cấu lại khoản nợ, miễn giảm lãi cho doanh nghiệp. Giờ cần tính đến các khoản vay mới, tái khởi động hoạt động kinh doanh", vị chuyên gia cho biết.
Cũng theo các chuyên gia của SSI, cần có những thay đổi về khung pháp lý để hỗ trợ các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu. Thứ nhất, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực vào năm 2022, và hiện đang có nhiều ý kiến về việc gia hạn hoặc luật hoá nghị quyết này để hỗ trợ các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu tồn đọng và nợ xấu liên quan đến Covid-19.
Ngoài ra, việc nới lỏng một số mốc thời hạn quan trọng giúp các ngân hàng có thêm thời gian thích ứng như lùi thời gian thắt chặt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; gia hạn Thông tư 14 nếu tình hình dịch bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Theo SSI, tổng trích lập dự phòng của các ngân hàng chiếm 67,2% tổng số nợ xấu và các khoản cho vay tái cơ cấu. Năm 2022 sẽ là năm nhiều thách thức của ngành ngân hàng khi phải cân bằng giữa mục tiêu lợi nhuận và kiểm soát chất lượng tài sản, trong bối cảnh tỷ lệ trích lập dự phòng của các ngân hàng có sự phân hóa rõ rệt.