Xử lý tốt nợ xấu sẽ giúp hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp phát triển lành mạnh
(DNTO) - Theo chuyên gia Tài chính ngân hàng, TS Cấn Văn Lực, việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, theo đó, các quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn. Việc xử lý nợ xấu tốt sẽ giúp hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp phát triển lành mạnh hơn.
Sau 5 năm thí điểm, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã mang lại những kết quả tích cực.
Cụ thể, kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 bằng hình thức khách hàng trả nợ tăng mạnh, phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện. Khách hàng chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ tổ chức tín dụng, hạn chế tình trạng chủ tài sản cố ý trây ỳ, chống đối nhằm kéo dài thời gian xử lý.
Thống kê từ các tổ chức tín dụng cho thấy, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 31.5.2021 là 425,4 nghìn tỉ đồng; lũy kế từ 15.8.2017 đến 31.5.2021, đã xử lý được 353,81 nghìn tỉ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.
Tuy nhiên, dù đạt được một số kết quả tích cực, việc triển khai xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 vẫn còn gặp một số hạn chế. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, chỉ rõ những khó khăn, bao gồm quyền thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, thủ tục thay đổi đăng ký giao dịch bảo đảm khi mua bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Theo ông Hùng, đến thời điểm này, Nghị quyết 42 chỉ là thí điểm, trong khi nợ xấu luôn tồn tại song song với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng. Trong dài hạn, việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, khi đó lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản luật riêng để điều chỉnh, các quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành Ngân hàng và các cơ quan Nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.
Tại Hội thảo “Cần luật hoá Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng", diễn ra sáng nay 19/2, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh: “Rõ ràng tốc độ xử lý nợ xấu của chúng ta tốt hơn rất nhiều. Khối lượng về nợ xấu được xử lý rất tốt trong khoảng 5 năm vừa qua. Trước đây, 1 tháng chỉ xử lý được hơn 300 tỷ nợ xấu, hiện xử lý hơn gấp đôi. Đây là tín hiệu tích cực”.
Cũng theo TS Lực, từ khi có Nghị quyết 42, hành lang pháp lý, thể chế hoàn thiện hơn rất nhiều. Quan trọng nữa, hiện các lãnh đạo đều nhận thức rằng, nợ xấu là vấn đề toàn quốc, chứ không chỉ riêng ngân hàng.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, xung quanh Nghị định 42 vẫn còn nhiều vướng mắc. “Tôi trăn trở nhất là sản phẩm đầu vào. Bên cạnh đó phải làm rõ hơn với Bộ Tài chính về thuế, phí khi chuyển nhượng tài sản… Tôi đề xuất cần luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan”, ông Lực nói.
Bởi theo ông Lực, ở Việt Nam, nếu không luật thì sự coi thường vẫn xảy ra, nên cần luật hóa để tăng chế tài mạnh với đối tượng chây ỳ. Đặc biệt, xử lý nợ xấu tốt sẽ giúp hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp được phát triển lành mạnh. Bên cạnh đó, khi luật hóa nợ xấu thì các luật khác cũng phải thay đổi, để đồng bộ và nhất quán hơn.
“Mặc dù thực tế chứng minh Nghị quyết 42 đã mang lại rất nhiều kết quả tích cực cho công tác xử lý nợ xấu, song đối tượng tập trung vào các khoản nợ được hình thành trước khi Nghị quyết có hiệu lực là ngày 15/8/2017. Trong khi đó, nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành Ngân hàng. Hơn nữa, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nợ xấu đã và đang tăng cao. Khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian tới là rất lớn. Tôi cho rằng nên có lộ trình Luật hóa Nghị quyết 42, đó là cho phép gia hạn thêm 3 năm nữa, đủ thời lượng để chúng ta tổng hợp, sơ kết, tổng kết để có dự thảo chất lượng...”, TS Cấn Văn Lực đề xất.