Xử lý nợ xấu: Đừng chỉ dừng ở xử lý tài sản đảm bảo
(DNTO) - Theo TS Châu Đình Linh, Giảng viên Đại học Ngân hàng, TP.HCM, luật hoá Nghị quyết 42 và những kiến nghị đừng chỉ dừng ở xử lý tài sản đảm bảo, mà cần hướng đến xử lý nợ xấu, chứ không đơn thuần là xử lý tài sản đảm bảo; cần quan tâm giải pháp xử lý nợ xấu gắn liền với tái cơ cấu…
TS Châu Đình Linh phân tích, 5 năm qua kể từ ngày ban hành và thực thi Nghị Quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, đã khắc phục các tồn tại trong công tác xử lý nợ xấu, tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất về xử lý nợ xấu, nâng cao các chuẩn mực kinh doanh ngân hàng.
Tuy nhiên, theo TS Linh, luật hoá Nghị quyết 42 (NQ42) và những kiến nghị đừng chỉ dừng ở xử lý tài sản đảm bảo và hỗ trợ công tác xử lý nợ xấu, mà cần quan tâm ở các khía cạnh như: hướng đến xử lý nợ xấu, chứ không đơn thuần là xử lý tài sản đảm bảo; phương châm “bắt đầu từ đâu thì quay lại xử lý ở đó”, do đó cần quan tâm giải pháp xử lý nợ xấu gắn liền với tái cơ cấu; hướng đến định giá nợ và mua bán nợ, chứ không phải định giá tài sản đảm bảo; từng bước thực hiện có kỷ luật về chuẩn mực hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Theo báo cáo của các ngân hàng, trước khi có NQ42, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản đảm bảo và khách hàng trả nợ còn chưa cao. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực từ 15/8/2017 đến 31/5/2021, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 130,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 39,28% tổng nợ xấu theo NQ42 đã xử lý), cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu đã xử lý trung bình năm từ 2012-2017 là khoảng 22,8%...
Tuy nhiên TS Linh cho rằng, mặc dù xử lý nợ xấu theo NQ42 đã đạt được kết quả tích cực, nhưng vẫn tồn tại nhiều vướng mắc. Cụ thể, về việc định giá các khoản nợ xấu và tiêu chuẩn thẩm định giá các khoản nợ xấu; về quyền thu giữ tài sản đảm bảo; thủ tục rút gọn; xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo; chuyển nhượng tài sản đảm bảo…
Cần hướng đến xem nợ xấu là hàng hoá có chiết khấu hấp dẫn và được định giá
Trước những vướng mắc này, TS Châu Đình Linh nêu ra một số giải pháp. Ông cho rằng, các cơ quan chức năng cần xem xét các khía cạnh khác trong xử lý nợ. Cụ thể, kết quả xử lý nợ xấu chủ yếu thông qua trái phiếu đặc biệt và trích lập dự phòng từ hệ thống ngân hàng. Đồng thời, hoạt động mua bán nợ xấu chỉ dừng ở “phương thức hợp đồng”, chưa có cơ chế chuyển nợ thành một loại hàng hoá có thể chuyển nhượng. Vì vậy, luật hoá Nghị quyết 42 cần quan tâm hơn xử lý nợ xấu chứ không đơn thuần là thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo.
Theo đó, cần hướng đến xem nợ xấu là hàng hoá có chiết khấu hấp dẫn và được định giá. Mọi hoạt động xử lý nợ có thể chuyển thành mua bán nợ, theo đó, tổ chức mua nợ sẽ tiếp nhận vấn đề thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo, hoặc tham gia tái cơ cấu; xây dựng tiêu chuẩn thẩm định nợ và khuyến khích nhiều chủ thể tham gia thị trường…
“Với phương châm “mọi thứ bắt đầu từ đâu thì quay lại xử lý ở đó”. Bản chất tín dụng là lòng tin và phương án trả nợ phải từ phương án kinh doanh, còn tài sản đảm bảo chỉ là phương án trả nợ thứ cấp. Nếu ngân hàng bắt đầu từ tài sản đảm bảo để cấp tín dụng, thì phải quay lại xử lý ở đó – xử lý tài sản đảm bảo, ngược lại, ngân hàng bắt đầu tư lòng tin và phương án kinh doanh thì cần xử lý nợ gắn liền tái cơ cấu”, TS Linh đưa ra giải pháp.
Tuy nhiên, hoạt động xử lý nợ gắn liền tái cơ cấu chủ thể đi vay cần chuyển nhượng trên thị trường mua bán nợ cho chủ thể mua nợ (có thể VAMC, DATC, quỹ đầu tư… Vì vậy, luật hoá Nghị quyết cần quan tâm về khung pháp lý thị trường mua bán nợ, xem xét quy định hoán đổi nợ thành cổ phần và hướng đến xử lý nợ gắn liền tái cơ cấu chủ thể đi vay.
TS Linh nhấn mạnh: Việc luật hóa NQ42 là cần thiết để hoàn thiện hành lang pháp lý, giúp các ngân hàng (với sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành có liên quan) sẽ xử lý nợ xấu hiệu quả, thực chất, bền vững hơn. Đồng thời, các nhà đầu tư (trong và ngoài nước) an tâm mua, bán các khoản nợ xấu/tài sản bảo đảm; nâng cao ý thức trả nợ của các khách hàng; cải thiện “cách nhìn” của xã hội, người dân đối với hoạt động xử lý nợ xấu của các ngân hàng.