Dự thảo nghị định về gói hỗ trợ lãi suất 2%: Các ngân hàng thương mại nói gì?
(DNTO) - Để đảm bảo "vốn mồi" 40.000 tỷ đồng tung ra hỗ trợ doanh nghiệp có thể hạn chế tối đa các vấn đề phát sinh, nhất là đúng đối tượng thụ hưởng, đảm bảo sự công bằng, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt "lên tiếng" để việc phối hợp hỗ trợ lãi suất đi vào thực chất, hiệu quả.
Theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ lãi suất 2% cho các khoản vay trong năm 2022 - 2023. Ước tính tổng gói hỗ trợ lãi suất này là 40.000 tỷ đồng.
Hiện các doanh nghiệp đều "ngóng" chính sách này được thực hiện để giảm chi phí hoạt động, và mong mỏi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần triển khai thật nhanh chóng để gói hỗ trợ lãi suất này kịp thời đến với doanh nghiệp.
Để đảm bảo khẩn trương đưa chính sách đi vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn vay và các ngân hàng thương mại cũng không gặp rào cản khi "bơm" vốn, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã họp bàn lấy ý kiến tham gia đối với dự thảo nghị định về hỗ trợ lãi suất từ Ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và thông tư hướng dẫn nghị định.
“Việc sớm lấy kiến đóng góp vừa giúp nghị định, thông tư sớm ban hành mà còn đảm bảo các quy định đồng bộ, rõ ràng, cụ thể, bao quát được các vấn đề; hạn chế tối đa các vấn đề phát sinh, nhất là đúng đối tượng thụ hưởng đảm bảo sự công bằng”, Phó thống đốc Ngân sách Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Đóng góp ý kiến, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), cho rằng tại Khoản 4 Điều 3 của nghị định về Nguyên tắc hỗ trợ lãi suất, liên quan đến khách hàng vay vốn có khả năng trả nợ và phục hồi vốn vay, "Tôi nghĩ nên bổ sung thêm việc giao quyền cho tổ chức tín dụng trong vấn đề về hướng dẫn cụ thể các nội dung này, vì đây là cơ sở để quyết toán với Bộ Tài chính, và việc giao quyền này cũng tương tự như Thông tư 39 khi trao quyền cho các tổ chức tín dụng hướng dẫn về 5 lĩnh vực ưu tiên".
Bên cạnh đó, tại Khoản 3 Điều 4, về Điều kiện hỗ trợ lãi suất, thời gian hỗ trợ lãi suất từ 11/01/2022 đến 31/12/2023, theo đại diện Agribank, để làm được điều này thì các tổ chức tín dụng phải xây dựng được các hệ thống để theo dõi số tiền hỗ trợ lãi suất, "Tôi đề xuất hỗ trợ lãi suất kể từ ngày có hiệu lực cộng thêm 15 ngày, để các tổ chức tín dụng xây dựng các kho dữ liệu và có đủ nguồn lực để theo dõi khoản hỗ trợ này".
Đề cập đến 2 phạm vi không được tiếp tục hỗ trợ lãi suất là liên quan đến nợ quá hạn, số dư lãi chậm trả và liên quan đến cơ cấu và không giữ nguyên nhóm nợ, "Ở đây các khoản nợ chuyển nhóm, nhảy nhóm hoặc là kéo theo nhóm nợ có rủi ro cao là những điều rất được quan tâm thì lại không thấy nhắc đến trong nghị định?", đại diện Agribank đặt câu hỏi và nhấn mạnh, đối với các tổ chức tín dụng khác thì phải nói rõ phạm vi điều chỉnh này chỉ áp dụng đối với khoản đó thôi hay là tất cả các khoản vay của khách hàng cần phải xác định rõ để có số tiền hỗ trợ lãi suất cho phù hợp.
Nêu quan điểm về đối tượng áp dụng hỗ trợ lãi suất tại Điều 2, ông Nguyễn Đình Vinh, Phó tổng giám đốc VietinBank, đề nghị bổ sung thêm đối tượng là cá nhân kinh doanh không được nằm trong mục đích này: "Có thể bổ sung thêm một số ngành nghề tạo động lực cho phục hồi phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách nhà nước".
Ngoài ra, theo ông Vinh, việc hỗ trợ đối với khách hàng có khả năng phục hồi thì tiêu chí này rất khó đo đếm và sau này có thể gây ra những cách hiểu khác nhau dẫn đến bất cập khi có những đoàn thanh, kiểm tra... sẽ rất khó cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. "Tôi đề nghị nên thay cụm từ 'có khả năng phục hồi' bằng 'có khả năng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục'", ông Vinh đề xuất.
Về điều kiện hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay được cơ cấu lại thời gian trả nợ không được giữ nguyên nhóm nợ, không được hỗ trợ lãi suất, ông Vinh đề nghị là cho phép điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, và giữ nguyên nhóm nợ được hỗ trợ lãi suất với lý do là không làm thay đổi thời gian trả nợ đối với từng khoản vay.
Ông Vinh nhấn mạnh, "Đối với phương thức hỗ trợ lãi suất ở Điều 6 trong dự thảo, chúng tôi đề nghị được điều chỉnh là đến từng kỳ hạn thu lãi tiền vay của khách hàng, ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng thông qua việc giảm trừ trực tiếp số lãi vay phải trả bằng với số tiền lãi vay của ngân hàng thương mại được Bộ Tài chính cấp bù lãi suất, còn số tiền chênh lệch sẽ được ngân hàng thương mại hoàn trả cho khách hàng trên cơ sở quyết toán".
Đóng góp ý kiến về quá trình tạm cấp bù lãi suất, tại Khoản 2, Điều 7, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), đề nghị điều chỉnh kéo dài từ 10 -15 ngày kể từ ngày kết thúc quý, ngân hàng thương mại gửi hồ sơ tạm cấp bù đến Bộ Tài chính thay vì quy định 5 ngày như trong nghị định.
"Ngoài ra, số tiền cấp bù lãi suất bằng 90% số tiền ngân hàng thương mại đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng trong quý theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 nên thay bằng 95% sẽ hợp lý hơn, góp phần giảm thiểu tác động về mặt tài chính với các ngành thương mại", ông Dũng đề xuất.
Đặc biệt, tại Điều 7, Khoản 2, liên quan đến trình tự tạm cấp bù lãi suất và quyết toán, ông Dũng thẳng thắn cho rằng, đối với một số khách hàng giải thể phá sản không còn khả năng thu hồi các khoản cấp bù (tuy nhiên thực tế có những khách hàng vẫn hoạt động tốt), nhưng khi phát hiện ra các sai phạm trong mục đích sử dụng vốn mà phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất thì khá bất cập.
"Chẳng hạn, nhiều khách hàng chưa trả hết nợ tại Vietcombank, nhưng sang ngân hàng khác họ vẫn hoạt động bình thường, thì lúc đấy các ngân hàng thương mại cũng rất khó để thu hồi, chưa kể trình tự thủ tục rất mất thời gian, trong khi Bộ Tài chính có các công cụ rất là hữu hiệu để yêu cầu các đơn vị thực hiện việc hoàn trả cấp bù lãi suất thì tôi đề nghị thay vì ngân hàng thương mại thu hồi thì Bộ Tài chính sẽ đứng ra đỡ cho ngân hàng khoản này", ông Dũng kiến nghị.
Đồng thời, nhiều đại diện ngân hàng cũng góp ý một số các nội dung liên quan đến tổ chức thực hiện như là trách nhiệm của ngân hàng thương mại, thì đề nghị cải thiện các thủ tục về mặt giấy tờ, chứng từ cho khách hàng để việc hỗ trợ lãi suất nhanh hơn, thực tế hơn.